Doanh nghiệp “vào guồng” sau xúc tiến đầu tư Mỹ, Nhật Bản

(ĐTCK) Gần 35 tỷ USD là giá trị các thỏa thuận hợp tác mà doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với các tập đoàn Mỹ, Nhật Bản qua 2 chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây. Đã rất lâu, Việt Nam mới có các đợt xúc tiến đầu tư quy mô và bài bản như vậy, góp phần tạo ra động lực tăng trưởng và cú hích mới cho nền kinh tế.
Phối cảnh dự án Nhật Tân - Nội Bài Phối cảnh dự án Nhật Tân - Nội Bài

Chứng kiến những cái bắt tay tỷ USD giữa cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hay Nhật Bản và Việt Nam, các nhà lãnh đạo rất vui mừng và tuyên bố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này yêu cầu nỗ lực và sự quyết tâm rất lớn, không chỉ từ phía doanh nghiệp, mà còn tại những cơ quan thực thi chính sách để đưa những thỏa thuận trên vào triển khai trong thực tế.

Thực tế, sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư có chất lượng ngày một quyết liệt. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư ra nước ngoài thường hướng tới những thị trường lớn, như Trung Quốc, để tận dụng quy mô thị trường, lao động giá rẻ. Tuy nhiên, hiện nay, nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các nước khác, trong đó Việt Nam là điểm đến được ưu tiên lựa chọn.

Trong xu thế đó, Việt Nam có cơ hội tốt để thu hút thêm nguồn lực nhằm bổ sung cho phát triển sản xuất - kinh doanh, đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ, Việt Nam có các “đối thủ” cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Philippines… Các nhà đầu tư Nhật Bản dù coi Việt Nam là điểm đến hàng đầu, nhưng trên hết, Việt Nam cần phải chuẩn bị để cạnh tranh với các thị trường trong khu vực, để có thể hấp thụ được dòng vốn đầu tư này.

“Chúng ta không được chủ quan, phải cải thiện tốt hơn hạ tầng cơ sở, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, chuẩn bị tốt hơn về năng lượng, về chất lượng nguồn nhân lực…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về phía các doanh nghiệp, sau 2 cuộc xúc tiến đầu tư lịch sử, guồng quay hoạt động hàng ngày vốn đã linh hoạt, mạnh mẽ nay phải tiếp tục tăng tốc, bằng những cách làm mới, sáng tạo để dự án sớm được triển khai. Trên thực tế, dư âm của những thỏa thuận hợp tác tỷ USD là rất lớn.

Chẳng hạn, thỏa thuận hợp tác phát triển Dự án Đô thị Nhật Tân - Nội Bài được ký kết giữa Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo có quy mô 4 tỷ USD đã gây chú ý đặc biệt, không chỉ trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư, mà với người dân cả nước.

Doanh nghiệp “vào guồng” sau xúc tiến đầu tư Mỹ, Nhật Bản ảnh 1

 Nafoods Group ký bản thỏa thuận ghi nhớ với đối tác Nhật Bản trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe

Theo đó, đây là dự án hợp tác nhằm mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tại phía Bắc Hà Nội (đoạn 2 bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp), thuộc đồ án quy hoạch hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài. Trong đó, BRG là chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho toàn bộ diện tích 2.080 ha 2 bên trục tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.

Thông tin, hình ảnh về quy hoạch dự án này đã nhanh chóng được giới đầu tư và nhiều người dân “lùng sục”. Chưa kể, bên lề nhiều cuộc trao đổi, trò chuyện của các doanh nghiệp bất động sản, dự án này trở thành một chủ đề nóng, thậm chí không ít “dân môi giới” nhận định rằng, bất động sản bên kia cầu Nhật Tân sẽ có sóng và gia tăng giá trị.

Trước mối quan tâm về tiến độ triển khai thỏa thuận trên, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, hai bên sẽ nỗ lực để dự án được đi vào hiện thực, với mong muốn dự án trở thành động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho nhân dân trong khu vực, cho Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Hai tập đoàn sẽ triển khai việc trao đổi, đàm phán để cụ thể hóa tỷ lệ góp vốn, danh mục các đầu việc trình lên Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội phê duyệt ngay trong năm 2017. 

“Sự tương đồng trong định hướng phát triển, cũng như hiểu biết lẫn nhau sau nhiều cơ hội hợp tác sẽ là các nhân tố thuận lợi để BRG và Sumitomo hợp tác xây dựng một thành phố thông minh hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á”, bà Nga cho biết.

Bên cạnh đó, 62 doanh nghiệp đã có sự hiện diện bằng các gian hàng tại Tuần lễ hàng Việt Nam do Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội hợp tác với Tập đoàn AEON tổ chức tại siêu thị AEON Lake Town gần Tokyo, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng bận rộn không kém. Khá nhiều mặt hàng “Made in Vietnam” đã tạo  cảm tình mạnh với người tiêu dùng Nhật Bản và có cơ hội xuất khẩu sang thị trường đầy tiềm năng này.

Chưa kể, những doanh nghiệp như Công ty cổ phần Fecon, vốn đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản như thành lập 4 công ty liên doanh với Nhật: FECON Miletec, FECON KFH, FECON RAITO, FECON UCC, ký kết thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như dự án nước ngầm Metroline, Landslide…, lại ấp ủ nhiều kế hoạch khác.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Công ty cho biết, hợp tác với các doanh nghiệp Nhật là một hướng khai mở tạo thuận lợi cho Fecon vươn ra các thị trường khu vực như Myanmar, Philippines…

Đoàn cán bộ của Công ty cổ phần Phát triển công nghệ Y học Việt Nam - Nhật Bản do Chủ tịch Vũ Xuân Hợp dẫn đầu cũng đã gặp gỡ được những đối tác tiềm năng trong chuyến đi này.

Công ty đã từng ký kết với Ship Healthcare Holdings trong việc hợp tác hỗ trợ thành lập Bệnh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản. Ngay trước thềm chuyến công tác Nhật Bản, Công ty đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với một nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh trong nước là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Các doanh nghiệp này sẽ cùng nghiên cứu và hợp tác đầu tư dự án Bệnh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản; hợp tác chia sẻ thông tin thị trường, công nghệ kỹ thuật trong lĩnh vực phát hiện sớm, phòng ngừa, điều trị ung thư, thuốc chữa ung thư...; mở rộng các trung tâm ung bướu và xạ trị tại các tỉnh, thành Việt Nam; mở rộng trao đổi hợp tác chia sẻ thông tin và cơ hội đầu tư mà hai bên có thế mạnh và cùng quan tâm như: xử lý nước thải, chất thải, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp...

Những định hướng điều hành kinh tế gần đây của Việt Nam, đặc biệt sau Nghị quyết trung ương 5 đang mở ra nhiều cơ hội “thiên thời địa lợi” cho các doanh nghiệp tư nhân, các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là cơ hội vàng để các doanh nghiệp tăng tốc đầu tư, gia tăng sức cạnh tranh và xây dựng thêm các nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển của mình.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Group (NAF)

Việt Nam - Nhật Bản là đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư. Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam vừa mới diễn ra tại Nhật Bản (5/6/2017) tiếp tục mở ra cơ hội phát triển đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Cũng tại hội nghị này, Công ty cổ phần Nafoods Group (NAF) đã đạt được thỏa thuận với một đối tác thương mại lớn của Nhật Bản về việc thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp khép kín sản phẩm gừng.

Cụ thể, phía doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm về việc thiết kế tiêu chuẩn và bao tiêu sản phẩm gừng, bao gồm cả gừng hữu cơ chất lượng cao như: gừng lát IQF, gừng sấy, gừng nghiền, gừng muối, gừng tươi nguyên củ... Phía Nafoods Group sẽ chịu trách nhiệm đầu tư chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất giống, vùng nguyên liệu, trồng trọt, chế biến và xuất khẩu.

Tổng giá trị đầu tư cho chuỗi giá trị nông nghiệp sản phẩm gừng của Nafoods Group ước tính khoảng 20 triệu USD. Dự án này đang được hai bên lên kế hoạch triển khai trong tất cả các khâu từ vùng nguyên liệu đến sản phẩm đầu ra.

Trước đây, NAF đã thành công đối với sản phẩm chanh leo cô đặc (hiện đang dẫn đầu xuất khẩu chanh leo châu Á) và với những thuận lợi về vùng trồng sản phẩm, khí hậu…, chúng tôi cũng đặt niềm tin rất lớn với sản phẩm gừng và mong muốn sản phẩm này của Việt Nam được biết đến rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh bất động sản Viglacera

Viglacera Land cùng với Công ty Bất động sản Nhật Bản là Sankei Building đã thành lập liên doanh hợp tác trong dự án bất động sản của công ty tại Hà Nội và hiện Tổng công ty có nhiều khách hàng là doanh nghiệp Nhật Bản thuê đất trong các khu công nghiệp của Viglacera.

Chúng tôi mong muốn tìm kiếm thêm các nhà đầu tư Nhật Bản tiềm năng để hợp tác trong các dự án bất động sản, bao gồm khu căn hộ, toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại và khu công nghiệp. Bởi vậy, các hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn, chất lượng và được tổ chức bài bản như Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật vừa qua luôn được doanh nghiệp quan tâm và chờ đón.

Tại Hội nghị trên, chúng tôi đã tiếp xúc với 5 nhà đầu tư Nhật Bản, họ rất quan tâm và hỏi nhiều thông tin về danh mục dự án kêu gọi đầu tư của Viglacera. Hai bên đã có những trao đổi bước đầu và đối tác Nhật dự kiến sẽ sang Việt Nam để thực địa các dự án. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị cho các cuộc làm việc tiếp với những đối tác quan tâm sâu hơn.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục