Giám đốc một công ty chế biến và xuất nhập khẩu tại TP HCM cho biết, kinh tế mới qua giai đoạn khó khăn nhất, doanh nghiệp không dễ đạt lợi nhuận 10%. Vậy mà đầu năm 2015 này, doanh nghiệp này vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất 8-10%. "Các khoản vay cũ cũng gần như không giảm", ông nói.
Một doanh nghiệp sản xuất hạt nhựa tại quận Tân Phú cho biết, công ty ông vay ngân hàng với lãi suất 10,5% một năm. Theo ông, lãi suất đã giảm đáng kể so với thời 18 - 20% của những năm trước nhưng quá cao so với mặt bằng lãi suất huy động cũng như khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
Theo ông, nhu cầu vay trung dài hạn của doanh nghiệp để đầu tư máy móc thiết bị, chuẩn bị cho hội nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN, các hiệp định FTA... là rất lớn. Tuy nhiên, mức lãi suất hiện vẫn còn trên dưới 11% khiến cho nhiều đơn vị phải chùn tay. "Tham gia hội nhập thì cơ hội cũng lớn nhưng áp lực cạnh tranh là rất khốc liệt. Nếu chúng tôi không có vốn để thay đổi máy móc thiết bị, nâng cao năng suất thì làm sao cạnh tranh nổi", Tổng giám đốc một công ty may mặc ở quận 6, TP HCM buồn bã nói.
Ông cho rằng, trong bối cảnh lạm phát 2014 tăng thấp, mục tiêu năm nay tăng không quá 5%, lãi suất cho vay, nhất là cho vay trung và dài hạn cần phải được giảm ngay trong những tháng đầu năm 2015 để hỗ trợ doanh nghiệp.
Chia sẻ vấn đề này, một lãnh đạo Ngân hàng Công thương (Vietinbank) cho rằng, dư địa giảm lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay vẫn còn. "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ở các kỳ hạn này, nhưng phải có lộ trình chứ không thể giảm nhanh và mạnh ngay như kỳ vọng của doanh nghiệp", ông nói.
Riêng về lãi suất cho vay trung dài hạn, ông cho biết các nhà băng phải hết sức cân nhắc. Vì cơ cấu nguồn vốn hiện nay của các ngân hàng đa phần có tới 85% vốn huy động ở kỳ hạn ngắn (chỉ 1-3 tháng).
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa phân tích, lãi suất phụ thuộc vào giá dầu và cung tiền của Ngân hàng Nhà nước. Nhà điều hành cố gắng đưa lãi suất trung dài hạn xuống dưới 10% một năm và chắc chắn cơ quan này sẽ điều chỉnh cung tiền. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng mục tiêu này có thể khó đạt được, bởi trái phiếu Chính phủ phát hành ngày càng nhiều có thể dẫn tới lãi suất tăng trở lại.
Ông Nghĩa cho biết đã nghiên cứu tìm đường cong lãi suất hiện tại và thấy nó không còn nằm ngang như trước mà biến động theo hướng cong dần lên, phù hợp với cấu trúc dài hạn và rủi ro. Nhưng nếu phát hành nhiều trái phiếu Chính phủ như hiện nay thì cuối năm có thể hình thành một mặt bằng lãi suất mới.
"Và nếu không có phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa một cách nhịp nhàng sẽ tạo ra một đường cong lãi suất cao hơn đường cong hiện tại. Dù mức chênh này không nhiều nhưng do các doanh nghiệp đang ngoi ngóp dưới mặt nước nếu gặp tình huống lãi suất không giảm mà còn tăng cao hơn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, đi ngược lại với tiến trình kinh tế mới và tập trung phục hồi doanh nghiệp", ông lo lắng.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng các giải pháp để can thiệp trên thị trường. Hiện nay các ngân hàng nếu có khó khăn về thanh khoản sẽ tiếp cận được nguồn vốn từ trung ương.
"Chính sách tín dụng cũng luôn gắn với các chính sách kinh tế và triển khai chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ để hướng dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên", bà nhấn mạnh.