Tuy nhiên, khách hàng cá nhân vẫn tỏ ra thận trọng với những lời chào mời này.
Cạnh tranh tài trợ vốn
Khác với trước đây, hiện một dự án căn hộ thường có ít nhất 2 - 3 ngân hàng tham gia tài trợ vốn cho người mua nhà. Thông qua đó, các chủ đầu tư cũng muốn bán nhanh được hàng.
Chẳng hạn với Dự án Mega Ruby tại quận 9, TP. HCM, chuẩn bị công bố vào đầu tháng 11 tới, chủ đầu tư Khang Điền đã liên kết với nhiều ngân hàng tài trợ vốn cho khách hàng mua căn hộ của Dự án. Trong đó, Ngân hàng Eximbank, Vietcombank và VPBank hỗ trợ vốn cho khách hàng vay mua căn hộ đến 70% giá trị, thời gian vay đến 20 năm, lãi suất ưu đãi 7,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên.
Tại dự án EHome 5 The Bridgeview thuộc Khu đô thị Nam Long, quận 7, TP. HCM, cùng lúc 3 ngân hàng tài trợ vốn cho cá nhân vay mua căn hộ gồm: Vietcombank, HDBank, OCB. Lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng tương đối cạnh tranh. Chẳng hạn, HDBank hỗ trợ lãi vay 0%/năm cho khách mua căn hộ đến đến 31/12/2015, hoặc 6%/năm trong 2 năm đầu tiên nhưng không quá 31/8/2016; hạn mức 75% giá trị hợp đồng mua bán (thế chấp chính căn hộ); thời hạn 20 năm.
Thực tế, dòng sản phẩm Ehome của Nam Long chỉ có giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn nên thu hút khá đông khách hàng mua.
Dự án Masteri Thảo Điền cũng ít nhất có 2 nhà băng tài trợ vốn là Techcombank và Sacombank. Trong đó, Techcombank không chỉ tài trợ vốn cho khách hàng mua nhà mà còn cả với chủ đầu tư dưới vai trò bảo lãnh.
Ông Đỗ Tuấn Anh, quyền Tổng giám đốc Techcombank cho biết, Ngân hàng cam kết chi trả cho khách hàng tất cả các lợi ích được quy định trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà theo đúng thời hạn cam kết. Bên cạnh đó, Techcombank còn hỗ trợ khách hàng vay vốn mua nhà của dự án này với lãi suất ưu đãi, thấp nhất khoảng 8%/năm. Ngoài Masteri Thảo Điền, Techcombank cũng liên kết với nhiều chủ dự án khác để hỗ trợ người mua nhà.
OTC1 Resco Cổ Nhuế cũng đang được hoàn thiện nội thất căn hộ để bàn giao cho khách hàng vào tháng 12 năm nay. Căn hộ tại đây có giá bán từ 1,5 tỷ đồng/một căn. Khách mua sẽ được các ngân hàng như Techcombank, MB, Vietcombank hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi và thời gian đến 20 năm.
ANZ hợp tác cùng Phú Mỹ Hưng cung cấp dịch vụ cho vay mua nhà, vay thế chấp nhà trong 20 năm; lãi suất thấp đến 7,5%/năm trong 3 tháng đầu giải ngân. Còn với khoản vay có kỳ cố định lãi suất 2 năm, lãi suất là 8,4%/năm. Với những khoản vay có kỳ cố định lãi suất dài hơn, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cố định 8%/năm.
Người vay thận trọng
Việc chủ đầu tư và ngân hàng kết hợp tài trợ vốn và đẩy hàng nhanh sẽ đem lại cơ hội cho cả 3 bên: chủ đầu tư có thể bán được hàng, ngân hàng tăng trưởng được dư nợ và khách hàng có thể dễ vay được vốn.
Sacombank cũng tham gia vào xu hướng hợp tác này. Ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT cho hay, chủ trương của Ngân hàng là tiếp tục đẩy mạnh cho vay mua nhà. Tuy nhiên, tín dụng mua nhà chỉ mới chiếm khoảng 10-15% tổng dư nợ của Ngân hàng.
Ông Đỗ Tuấn Anh cũng biết, Techcombank đẩy mạnh cho vay mua nhà, nhưng để tài trợ vốn cho chủ đầu tư dự án, Techcombank phải chọn lọc khá kỹ lưỡng. Bởi vậy, tăng trưởng tín dụng đối với phân khúc này hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng dư nợ của Techcombank.
Lãnh đạo Khối tín dụng cá nhân của HDBank cũng cho rằng, nhu cầu vay mua nhà của khách hàng cá nhân đang có dấu hiệu tăng lên, nhất là đối với những dự án có giá vừa phải, trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ. Do đó, theo lãnh đạo HDBank, đây sẽ là cơ hội để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng mua nhà, nhất là trong những tháng còn lại của năm.
Thế nhưng, người đi vay lúc này vẫn còn khá thận trọng, bởi lãi suất ưu đãi chỉ được ngân hàng áp dụng trong giai đoạn đầu và khó tránh tăng lên sau đó. Tại Sacombank, sau một năm ưu đãi, lãi suất cho vay mua nhà dao động 12,5 - 13%/năm.
Tại một số ngân hàng khác, mức lãi suất áp dụng sau kỳ ưu đãi được tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng (7,5 - 8%/năm) hiện nay cộng thêm biên độ 3,5 - 5 điểm phần trăm. Đó cũng là lý do để các khách hàng cá nhân đắn đo trước khi quyết định vay mua nhà.
Ngoài lãi suất, còn có các khoản phí khác. ANZ có áp dụng phí thanh toán trước hạn trong trường hợp bên vay thanh toán trước. Chi phí thanh toán trước hạn được ANZ tính dựa trên công thức: phí thanh toán trước hạn = số tiền thanh toán trước hạn x [chi phí vốn vay (%) – chi phí vốn tiền gửi tiết kiệm (%)]/360 ngày x số ngày còn lại so với ngày thay đổi lãi suất. Cụ thể, mức phí sẽ là 2,5% của khoản trả trước trong vòng 3 năm đầu tiên của khoản vay, hoặc 1,5% của khoản trả trước trong năm thứ 4 của khoản vay, hoặc 1% của khoản trả trước sau năm thứ 4 của khoản vay.
Trong khi đó, mức phí phạt trả nợ trước được OceanBank áp dụng theo cách tính sau: 1% x số tiền trả trước hạn, tối thiểu là 100.000 đồng. Còn đối với các khoản vay trung, dài hạn: OceanBank miễn phí nếu trả từ thời điểm tròn 3 năm hoặc từ thời điểm tròn 1/2 thời gian vay trên hợp đồng; 1,5% x số tiền trả trước hạn trong các trường hợp còn lại và mức thu tối thiểu là 200.000 đồng.
Mức phí phạt trả nợ trước hạn hiện các ngân hàng áp dụng khác nhau, có nơi 2 - 3% và cũng không ít ngân hàng tính mức phí phạt trả trước đến 8% trên tổng dư nợ còn lại mà phía khách hàng muốn tất toán trước thời hạn.
Nhưng ngân hàng cho rằng, đây là điều hợp lý trong kinh doanh. Trong đó, chi phí vốn vay là chi phí vốn ngân hàng phải trả để huy động nguồn tiền cho vay. Vì thế, khi áp dụng lãi suất ưu đãi thì thu phí phạt là đương nhiên.
Do đó, để nắm hết các điều khoản và các loại phí trong quá trình vay vốn, tốt nhất người vay nên chủ động hỏi để tránh tình trạng sau khi có nhu cầu trả nợ trước hạn không phải bất ngờ về phí.
Chính những rào cản trên khiến tín dụng mua nhà chưa tăng như kỳ vọng, dù ngân hàng đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi, kể cả gói vốn 30.000 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, tính đến cuối tháng 9/2014, gói vốn 30.000 tỷ đồng chỉ mới giải ngân được trên 316 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân cho và hơn 333 tỷ đồng cho 2 doanh nghiệp triển khai dự án nhà ở xã hội. |