Doanh nghiệp tuần qua: Coolmate, Dat Bike và KiotViet tiềm năng nhất châu Á; Ví điện tử của Viettel Global, FPT Software ghi điểm; Gilimex khổ vì Amazon

Gilimex liên tiếp thiệt hại sau khi Amazon thu hẹp đơn hàng; doanh nghiệp logistics không dễ quay lại thời đỉnh cao; Doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, điện máy tìm đáy; doanh nghiệp xây dựng vẫn long đong...

FPT Software cải tiến quy trình quản lý an toàn hàng không châu Âu bằng blockchain

FPT Software (Công ty thành viên của Tập đoàn FPT) sẽ cùng Cơ quan An toàn Hàng không của Liên minh châu Âu (EASA) triển khai Dự án VIRTUA với mục tiêu nghiên cứu, đánh giá công nghệ blockchain trong việc quản lý các bộ phận và thành phần máy bay.

FPT Software phối hợp với Cơ quan An toàn Hàng không của Liên minh châu Âu triển khai Dự án VIRTUA.

FPT Software phối hợp với Cơ quan An toàn Hàng không của Liên minh châu Âu triển khai Dự án VIRTUA.

Theo đó, FPT Software sẽ cùng các tổ chức tên tuổi bao gồm Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA, Tập đoàn kiểm toán Big4 PwC và mạng dữ liệu Blockchain Skythread tham gia triển khai dự án. Các kết quả nghiên cứu của dự án về khả năng của blockchain cũng như lợi ích và hạn chế khi triển khai công nghệ này sẽ đóng góp đáng kể vào việc cải thiện quy trình quản lý an toàn trong ngành công nghiệp hàng không của EASA và các bên liên quan, cũng như khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ môi trường cao nhất trong hàng không.

Dự án này góp phần quan trọng chứng minh kinh nghiệm và khả năng vận hành công nghệ vững vàng trong lĩnh vực hàng không của FPT Software, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác với EASA - một tổ chức có sức ảnh hưởng tại châu Âu, cũng như các khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực hàng không trên thế giới.

"Chúng tôi tin rằng dự án này sẽ đem tới một góc nhìn toàn diện về cách công nghệ blockchain giải quyết vấn đề. Việc triển khai blockchain để quản lý các bộ phận và thành phần máy bay sẽ có tác động đến toàn bộ vòng đời của các chứng chỉ, từ các tổ chức sản xuất chịu trách nhiệm cấp phát tới các tổ chức thiết kế hoặc bảo trì", Nick Careen, Phó Chủ tịch điều hành, An toàn và Bảo mật của IATA chia sẻ.

"Trong lĩnh vực hàng không, việc triển khai công nghệ mới thường sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, blockchain có khả năng cải thiện hiệu suất, mức độ an toàn và đơn giản hóa các giao dịch", Inigo Arsuaga - Chuyên gia Chuyển đổi số Hàng không của FPT Software cho biết.

"Với dự án VIRTUA, chúng tôi sẽ có một lộ trình cho việc ứng dụng blockchain cho ngành hàng không, đóng góp các thành quả đáng kể từ việc triển khai công nghệ này”, ông Inigo nhấn mạnh.

Năm 2017, FPT Software lần đầu hợp tác cùng Airbus thúc đẩy chuyển đổi số ngành hàng không thế giới, trở thành một trong những đối tác đầu tiên giúp Airbus khởi động hệ sinh thái Skywise tại châu Á Thái Bình Dương. Hai công ty cũng hợp tác với nhiều mảng công nghệ khác nhau để hỗ trợ một số hãng hàng không lớn cải thiện hiệu suất hoạt động, đảm bảo tính liên tục cập nhật dữ liệu hoàn chỉnh, tiết kiệm chi phí vận hành. Tại châu Âu, FPT Software đã củng cố sự hiện diện vững chắc tại 8 quốc gia, hợp tác với gần 100 tổ chức, doanh nghiệp.

Coolmate, Dat Bike và KiotViet lọt Top 100 công ty tiềm năng nhất châu Á năm 2023

Trong bảng xếp hạng Forbes Asia 100 to Watch 2023, Việt Nam có 3 đại diện góp mặt.

Thứ nhất là Coolmate, doanh nghiệp được thành lập vào năm 2019 bởi CEO Phạm Chí Nhu, hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ. Startup vận hành theo mô hình D2C (Direct to Customers-bán trực tiếp sản phẩm tới khách hàng, không qua trung gian), hướng tới khách hàng nam giới với đa dạng các dòng sản phẩm từ áo phông, quần đùi, quần dài cho đến kem cạo râu. Coolmate có kế hoạch mở rộng danh mục lên tới hơn 180 sản phẩm, với kênh bán hàng chủ đạo là website của công ty và các nền tảng thương mại điện tử.

Theo dữ liệu từ Forbes, nhà đầu tư chính vào Coolmate gồm những cái tên như 500 Global, Access Ventures, Cyberagent Capital, Do Ventures, DSG Consumer Partners, GSR Ventures và Nexttech.

Thứ hai là Dat Bike, startup được thành lập vào năm 2019 bởi CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn và đang hoạt động trong lĩnh vực xe điện. Công ty có trụ sở tại Đà Nẵng, chuyên sản xuất các dòng xe máy điện với linh kiện sản xuất từ Việt Nam. Theo Dat Bike tuyên bố, mẫu xe mới nhất của họ, Weaver++, có thể di chuyển tới 200 km sau khi sạc đầy trong 3 giờ. Startup đang hợp tác với gã khổng lồ công nghệ GoTo (công ty mẹ của GoJek) để sử dụng xe máy điện Dat Bike trong các mảng dịch vụ như giao đồ ăn, hậu cần và vận tải.

Xe máy Dat Bike.

Xe máy Dat Bike.

Tính đến nay, Dat Bike đã gọi tổng cộng 16,5 triệu USD vốn đầu tư, từ những tên tuổi như Delivery Hero Ventures, GSR Ventures, Hustle Fund, ISeed Ventures, Jungle Ventures, TVS Motor và Wavemaker Partners.

Thứ ba là KiotViet, startup được thành lập vào năm 2014 bởi CEO Trần Nguyên Hạo, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng. Khởi đầu là công ty con của công ty phát triển phần mềm Citigo Software, KiotViet sau đó đã tách ra riêng, trở thành hệ thống bán hàng dành cho các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam. KiotViet xác định theo đuổi mô hình phần mềm đa dịch vụ, giúp nhà bán hàng quản lý hàng tồn kho, quản lý quan hệ khách hàng, cho đến quản trị nhân viên,… Phía công ty cho biết họ có hơn 200.000 khách hàng tính đến cuối năm 2022.

Các nhà đầu tư chính vào KiotViet gồm Baecon Venture Capital, Cao Viet My Investment Development Technology, Jet Tech Innovation Ventures, Jungle Ventures, Kite Asia Holdings và KKR.

Được biết, danh sách 100 doanh nghiệp tiềm năng trong Bảng xếp hạng Forbes Asia 100 to Watch 2023 thuộc 13 quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực. Trong đó, Singapore tiếp tục là quốc gia đóng góp số lượng lớn nhất với 20 doanh nghiệp, theo sau là Hong Kong (15 doanh nghiệp) và Trung Quốc (11 doanh nghiệp). Hầu hết các công ty trong BXH đều có trụ sở chính tại châu Á – Thái Bình Dương, có doanh thu trong năm tài chính gần nhất không vượt quá 50 triệu USD và nhận được tổng nguồn vốn đầu tư không quá 100 triệu USD tính đến ngày 7/8/2023.

Ví điện tử tại các thị trường của Viettel Global có tăng trưởng rất ấn tượng

Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global – VGI) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đã được kiểm toán soát xét. Các số liệu không có nhiều thay đổi so với báo cáo tự lập đã được công bố vào cuối tháng 7.

Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Viettel Global đạt lần lượt là 48.250 tỷ và 28.720 tỷ đồng.

Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Viettel Global đạt lần lượt là 48.250 tỷ và 28.720 tỷ đồng.

Viettel Global tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13.300 tỷ đồng, tăng trưởng 18%, gấp hơn 3 lần so với tăng trưởng ngành của thế giới (5,3%) và gần 6 lần so với Việt Nam (2,7%) (Theo GSMAIntelligence) . Trong đó, hầu hết các công ty thị trường đều tăng trưởng tốt về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, nổi bật là Movitel tại Mozambique (28%), Telemor tại Đông Timor (23%), Metfone tại Campuchia (19%)…

Đặc biệt, công ty Ví điện tử tại các thị trường của Viettel Global có tăng trưởng rất ấn tượng: M_mola tại Mozambique 906%, Telemor Fintech tại Đông Timor 82%, Star Fintech tại Lào 81%, Halopesa tại Tanzania 41%, Lumicash tại Burundi 31%...

Lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm của Viettel Global đạt 195 tỷ đồng, do trên cơ sở thận trọng Viettel Global đã tiến hành trích lập dự phòng đầu tư và phải thu đối với một số công ty bị ảnh hưởng từ biến động vĩ mô của thị trường. Tuy nhiên, lãi gộp tăng thêm 1.100 tỷ so với cùng kỳ, đạt mức 6.377 tỷ đồng do mảng kinh doanh cốt lõi của VGI tăng tốt.

Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Viettel Global đạt lần lượt là 48.250 tỷ và 28.720 tỷ đồng. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Viettel Global đến cuối quý chỉ còn chưa đến 3.900 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ so với thời điểm đầu năm. Các khoản nợ giảm mạnh sẽ giúp cho Viettel Global giảm được đáng kể chi phí tài chính đồng thời cũng giúp giảm áp lực từ biến động tỷ giá do chủ yếu vay bằng đồng USD.

Gilimex liên tiếp thiệt hại sau khi Amazon thu hẹp đơn hàng

Lỗ 44 tỷ đồng, cổ phiếu GIL bị đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Tình trạng lỗ của Gilimex xảy ra sau khi đối tác lớn nhất là Amazon thay đổi chính sách.

Đại diện Gilimex cho biết vụ kiện Amazon đã qua được bước quan trọng nhất là thụ lý hồ sơ.

Đại diện Gilimex cho biết vụ kiện Amazon đã qua được bước quan trọng nhất là thụ lý hồ sơ.

Nửa đầu năm nay, Gilimex đạt doanh thu 426 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ. Công ty đồng thời báo lỗ sau thuế 44 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 223 tỷ đồng. Năm 2023, Gilimex đặt kế hoạch doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 104 tỷ đồng. Như vậy, công ty còn cách xa chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Cập nhật tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, đại diện Gilimex cho biết vụ kiện Amazon đã qua được bước quan trọng nhất là thụ lý hồ sơ, mục tiêu giải quyết dứt điểm trong năm 2023.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Gilimex đang xoay xở tìm kiếm các hướng đi mới. Hồi đầu năm, đại diện Gilimex cho biết đã bổ sung được khách hàng mới để bù đắp phần nào khoảng trống Amazon để lại. Theo tính toán, khách hàng mới sẽ mang lại giá trị tương đương 30% tổng doanh thu dự kiến của công ty trong năm 2023. Ngoài ra, Gilimex đã và đang lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp với mục tiêu tại mỗi miền có ít nhất một khu công nghiệp. Theo lãnh đạo công ty, mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận kể từ quý IV năm nay.

Gilimex báo lỗ trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn liên tiếp, từ suy thoái kinh tế, lạm phát đến sức cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường. Song với Gilimex, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình kinh doanh không mấy khả quan vẫn được cho là do việc hợp tác với Amazon bị gián đoạn.

Theo Bloomberg , Amazon là đối tác chính của Gilimex từ 2014. Trong giai đoạn dịch bệnh, thương mại điện tử bùng nổ, doanh nghiệp này đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất nhằm xây dựng kho chứa hàng hóa cho Amazon, tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị sản phẩm hàng năm. Hoạt động sản xuất cho Amazon tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm qua. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của gã khổng lồ thương mại điện tử, Gilimex đã từ chối các khách hàng lớn khác như IKEA, Columbia Sportswear và di dời các cơ sản sản xuất, đóng gói để tiếp tục sản xuất.

Một báo cáo của VCBS cho biết Amazon chiếm đến 85% doanh thu của Gilimex, 15% còn lại đến từ IKEA và các khách hàng khác.

Tháng 4/2022, Amazon Robotics (công ty con của Amazon) đột ngột thu hẹp các đơn hàng dù trước đó là đối tác đóng góp khoảng 85% doanh thu cho Gilimex - doanh nghiệp dệt may vốn hóa nghìn tỷ đồng tại Việt Nam.

Doanh thu của Gilimex nhanh chóng tụt dốc, giá trị hàng tồn kho tăng cao. Đỉnh điểm, sau khi báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 của Gilimex được công bố với mức lỗ 44 tỷ đồng, cổ phiếu của doanh nghiệp dệt may này bị đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).

Doanh nghiệp xây dựng tìm động lực tăng trưởng từ đâu?

Dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong quý 2/2023 tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng kết quả này lại không từ hoạt động cốt lõi xây dựng, xây lắp.

Theo biểu đồ chỉ số cân bằng chung xu hướng sản xuất kinh doanh doanh nghiệp xây dựng của Tổng cục Thống kê, ngành xây dựng trong quý 2/2023 đã phục hồi mạnh mẽ so với quý trước đó, thậm chí là vượt cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho biết, các doanh nghiệp xây dựng đánh giá kết quả kinh doanh của ngành trong quý 2 vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi 2 yếu tố là giá nguyên vật liệu tăng cao và việc không có hợp đồng xây dựng mới.

Dữ liệu của VietstockFinance cho thấy, doanh thu 55 doanh nghiệp xây dựng dân dụng trên sàn chứng khoán trong quý 2/2023 giảm gần 2% so với cùng kỳ, còn 23 ngàn tỷ đồng; nhưng tổng lãi ròng lại tăng gần 4%, lên hơn 1,3 ngàn tỷ đồng.

Kết quả toàn ngành tăng trưởng song thực tế chỉ có 9 doanh nghiệp có lãi ròng tăng so với cùng kỳ. Trong đó, Đầu tư Phát triển Xây dựng - Hội An là doanh nghiệp có mức tăng mạnh nhất với lãi xấp xỉ 15 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ hơn 63 triệu đồng. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận của DIH lại đến từ hoạt động bất động sản.

Tương tự, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần giảm 45%, còn gần 2.3 ngàn tỷ đồng; nhưng lãi ròng gần 547 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần cùng kỳ nhờ vào khoản lãi thanh lý tài sản, vật tư 653 tỷ đồng phát sinh trong kỳ.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tiếp tục giảm lãi dù doanh thu cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Tiêu biểu trong đó là Vinaconex, lãi ròng giảm 21%, còn gần 103 tỷ đồng.

Quý 2, Vinaconexghi nhận lãi ròng giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý 2, Vinaconexghi nhận lãi ròng giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy lãi suy giảm, các doanh nghiệp kể trên vẫn may mắn chưa chịu cảnh thua lỗ. Doanh nghiệp báo lỗ đáng chú ý nhất là Tổng công ty LICOGI với khoản lỗ 27 tỷ đồng dù doanh thu thuần tăng 11%. LIC cho biết, doanh thu giảm là do lượng cổ tức từ các công ty con/liên kết và nguồn thu từ việc thoái một phần vốn tại một số công ty liên kết trong quý 2/2023 ít hơn cùng kỳ khiến LIC có quý lỗ thứ ba liên tiếp.

Nhóm xây dựng còn lại được thống kê là các doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi trong quý 2 năm nay, gồm 4 doanh nghiệp: Coteccons, Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam, Dịch vụ Kỹ Thuật Viễn thông (UPCoM: TST) và Xây dựng số 9.

Trong đó, CTD lãi 30 tỷ đồng, phần lớn nhờ vào việc giảm 1/4 chi phí tài chính và gần 70% chi phí quản lý trong kỳ.

Đối với quý 3/2023, Tổng cục Thống kê cho biết, đa phần doanh nghiệp xây dựng trong ngành đều cho rằng tình hình chung sẽ được cải thiện, các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực sẽ dần được giải quyết, số lượng hợp đồng xây dựng mới sẽ tăng so với quý 2.

Doanh nghiệp logistics không dễ quay lại thời đỉnh cao

Các doanh nghiệp ngành logistics đã bị kéo trở lại “mặt đất” sau giai đoạn thăng hoa cùng giá cước và sản lượng vận chuyển tăng cao như năm 2021. Giờ đây, thị trường vận tải biển khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp sụt giảm sâu cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Cục Hải Quan báo cáo về 6 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 362.7 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ; trong đó, hàng container đạt 11.8 triệu Teus, giảm 8%.

Các doanh nghiệp logistics được chia thành 3 nhóm chính, gồm: khai thác cảng, hỗ trợ vận tải và kho bãi, vận tải đường thủy.

Sắc đỏ bao trùm nhóm hỗ trợ vận tải và kho bãi

Doanh thu quý 2/2023 của nhóm hỗ trợ vận tải và kho bãi đồng loạt giảm so với cùng kỳ, kéo theo lợi nhuận ròng giảm đáng kể, do sản lượng hàng hóa giảm sút, chi phí đầu vào tăng cao.

Container Việt Nam (Viconship) là đơn vị hiếm hoi tăng trưởng về doanh thu trong quý 2/2023.

Container Việt Nam (Viconship) là đơn vị hiếm hoi tăng trưởng về doanh thu trong quý 2/2023.

Container Việt Nam (Viconship) là đơn vị hiếm hoi tăng trưởng về doanh thu (tăng 4%) nhưng lợi nhuận ròng giảm tới 79% so với cùng kỳ, chỉ còn 20 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lợi nhuận theo quý thấp nhất của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết; nguyên nhân chủ yếu do chi phí tài chính (phần lớn là chi phí lãi vay ngân hàng) tăng đột biến khi VSC tăng vay nợ gấp đôi đầu năm để phục vụ việc mua Cảng Nam Hải Đình Vũ.

Ở chiều ngược lại, nhờ thương vụ bán Cảng Nam Hải Đình Vũ, Gemadept thu về khoản lãi thoái vốn hơn 1,884 tỷ đồng và ghi nhận vào kết quả kinh doanh quý 2. Do đó, dù doanh thu thụt lùi, lãi ròng của GMD đạt hơn 1,646 tỷ đồng, gấp 5.7 lần cùng kỳ và là mức lợi nhuận theo quý cao nhất lịch sử Công ty.

Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm hỗ trợ vận tải và kho bãi tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận, lần lượt 1% và 3% so với cùng kỳ, đạt 375 tỷ đồng và 46 tỷ đồng.

Kém may mắn nhất nhóm là Transimex khi chứng kiến lợi nhuận ròng “bốc hơi” tới 85% so với cùng kỳ, xuống 26 tỷ đồng, mức lợi nhuận theo quý thấp nhất của Công ty kể từ năm 2014.

Những cái tên khác cũng sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận trong quý 2 là Đại lý Vận tải SAFI, Vận tải và Xếp dỡ Hải An, Đại lý Hàng hải Việt Nam và ICD Tân Cảng - Long Bình.

Đà tăng trưởng về lợi nhuận vẫn thắng thế ở nhóm khai thác cảng với 4/7 doanh nghiệp đã công bố BCTC quý 2/2023. Nổi bật trong nhóm là Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải lãi ròng hơn 15 tỷ đồng, gấp gần 19 lần cùng kỳ và là mức lợi nhuận quý cao nhất lịch sử của Công ty. Kết quả chủ yếu do Công ty giảm giá vốn hàng bán và lãi từ đầu tư tài chính, hoàn nhập dự phòng tài chính.

Nhóm vận tải đường thủy xuất hiện tăng - giảm 3 con số. Xét về mức độ tăng trưởng lợi nhuận, Vận tải Xăng dầu Đường thủy Petrolimex và Vận tải Xăng dầu Vitaco dẫn đầu cả nhóm khi đạt tăng trưởng 3 con số, lần lượt tăng 416% và 263% so với cùng kỳ, cùng thu về trên 9 tỷ đồng lãi ròng.

Vận tải Biển Việt Nam lãi giảm 3 con số ở mức xấp xỉ 100%, về còn 1 tỷ đồng, rơi gần như hoàn toàn so với mức 269 tỷ đồng cùng kỳ. Đây cũng là lợi nhuận quý thấp nhất của Công ty kể từ khi “ôm lỗ” trong quý 2/2021.

Nhóm vận tải đường thủy góp mặt cả 2 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ trong quý 2/2023, gồm Dịch vụ Vận tải và Thương mại Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng.

Cùng nhóm có Vận tải Xăng dầu Vipco và CTCP MHC à 2 đơn vị chuyển lãi trong quý 2, nhưng không phải nhờ vào hoạt động cốt lõi mà từ hoạt động tài chính.

Riêng MHC lãi lớn gần 47 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 59 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi chứng khoán và hoàn nhập dự phòng giảm giá cổ phiếu. Những quý gần đây, MHC mang dáng dấp của một quỹ đầu tư hơn là một doanh nghiệp vận tải, với danh mục cổ phiếu liên tục duy trì ở mức 400 - 600 tỷ đồng.

Còn VIP lãi hơn 35 tỷ đồng, cải thiện từ mức lỗ 9 tỷ đồng cùng kỳ, nhờ vào lãi tiền gửi tăng mạnh, cộng thêm việc không phát sinh chi phí lãi vay do đã trả trước toàn bộ gốc vay thực hiện các dự án đầu tư.

Kết thúc 2 quý đầu năm, có 3 doanh nghiệp logistics vượt kế hoạch lợi nhuận 2023 gồm MAC, GMD và Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans)

Cuộc đua xuống đáy của các doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, điện máy

Trong bối cảnh kinh tế suy yếu cùng với lạm phát leo thang, người tiêu dùng siết chặt hầu bao với gần như mọi thứ, nhất là các sản phẩm không thiết yếu có giá trị cao như điện thoại điện máy. Ngoài ra, cuộc chiến giá cả càng bào mòn biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ này.

Trong quý 2/2022, ông lớn bán lẻ đầu ngành Thế giới Di động (MWG) ghi nhận bước giảm mạnh về lợi nhuận. MWG dù ghi nhận doanh thu thuần 29.5 ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ lãi ròng vỏn vẹn 17 tỷ đồng. Đây là quý lãi thấp nhất từ trước đến nay của MWG.

Trong quý 2/2022, Thế giới Di động (MWG) ghi nhận bước giảm mạnh về lợi nhuận.

Trong quý 2/2022, Thế giới Di động (MWG) ghi nhận bước giảm mạnh về lợi nhuận.

Trong khi đó, FPT Retail lỗ kỷ lục 220 tỷ đồng trong quý 2/2023 giữa lúc mảng thiết bị ICT lao đao trong cuộc chiến giá, còn mảng dược phẩm chưa thể đóng góp về lợi nhuận. Doanh thu của FPT Retail vẫn tăng trưởng 15% so với cùng kỳ, phần lớn là nhờ mảng nhà thuốc long châu.

Điểm chung giữa hai ông lớn này là điện thoại điện máy vẫn đang là mảng chủ chốt, trong khi các mảng mới vẫn chưa sinh lãi, với MWG là Bách Hóa Xanh, An Khang còn FPT Retail là chuỗi dược phẩm Long Châu.

Các ông lớn trong mảng phân phối thiết bị ICT cũng không nằm ngoài “cơn bão”. Digiworld ghi nhận doanh thu thuần ước đạt 4,596 tỷ đồng, lãi sau thuế dự kiến 83 tỷ đồng, giảm lần lượt 6% và 39% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhìn ở mặt tích cực, tình hình kinh doanh của Digiworld trong quý 2 cho thấy doanh thu tăng 16% và lợi nhuận sau thuế cải thiện 5% so với quý đầu năm.

Hai doanh nghiệp thuộc Petrosetco ghi nhận kết quả tiêu cực hơn. Cụ thể, PET và PSD ghi nhận lãi ròng giảm tương ứng 81% và 79%.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng ngành bán lẻ thiết bị ICT đã chạm đáy trong nửa đầu năm, nhưng nhu cầu chưa thể hồi phục nhanh chóng.

Nhìn về những tháng cuối năm, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho rằng, sức mua trong nửa cuối năm có thể sẽ không cải thiện đáng kể. “Sức mua nếu tăng thì chỉ đến từ tính mùa vụ do có nhiều ngày lễ lớn như Noel, Tết và iPhone ra mắt mẫu mới nhưng cũng không quá đáng kể so với tình trạng hiện nay”, ông Tài cho biết.

Trong khi đó, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT DGW, kỳ vọng doanh thu có thể phục hồi so với nửa đầu năm nhờ Apple ra mắt iPhone 15 vào tháng 10 và doanh thu máy tính xách tay cao hơn vào mùa tựu trường. Tuy vậy, theo ông, điểm bùng nổ của thị trường ICT sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2024 chứ không phải 6 tháng cuối năm.

“Điểm bùng nổ sẽ rơi vào nửa cuối năm 2024 nhờ cộng hưởng của chu kỳ thay mới sản phẩm và nền kinh tế thời điểm đó tốt hơn, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trưởng rất mạnh, đặc biệt là thị trường laptop và điện thoại di động – hai ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất của DGW”, ông Việt cho biết.

Khánh An tổng hợp
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục