Khi sân bay và cảng biển phát triển sẽ kéo theo sự tăng trưởng của rất nhiều ngành kinh tế khác. Nhưng tại sao chúng ta chưa phát huy được thế mạnh này? Tại sao các doanh nghiệp tư nhân còn e dè khi nói đến “món ăn” mới này trong khi bản thân nó rất nhiều tiềm năng do đặc trưng địa hình và vị trí của nước ta?
Đơn cử như sự phát triển ngành du lịch phụ thuộc rất nhiều vào hàng không và cảng biển. Năm 2016, Việt Nam đã đón trên 10 triệu khách du lịch quốc tế, tăng gấp đôi về số lượng so với năm 2010 là 5,1 triệu và tăng 25,9% so với 2015.
Theo ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ khách sạn thuộc Tổng cục Du lịch, năm 2017, con số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam dự báo đạt 12,5 triệu lượt, 2020 là 17-20 triệu lượt. Việt Nam phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hơn 10% GDP. Tuy nhiên, sự phát triển chưa tương xứng của hệ thống giao thông, đặc biệt là đường không và đường biển đang là một trong những thách thức không chỉ với khách quốc tế mà cả sự lưu chuyển khách du lịch trong nước đang tăng với tốc độ hai con số mỗi năm.
Nhà ga T2 sân bay Đà Nẵng là do một nhà đầu tư tư nhân thực hiện chỉ trong vòng 1 năm, trong khi nhà T1 mất tới 4 năm
Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) nhận định, sự phát triển của ngành hàng không có vai trò rất quan trọng tới du lịch và nhiều ngành kinh tế khác. Do đó, cần phải cởi bỏ nhiều rào cản pháp lý trong hoạt động đầu tư thì mới thu hút được nhà đầu tư các lĩnh vực giao thông trọng yếu này.
“Nếu trước đây quan điểm về hàng không là 1-1, tức là tôi bay sang anh một chuyến/một ngày thì anh cũng bay sang tôi như vậy. Nhưng giờ anh muốn bay sang bên tôi bao nhiêu thì tùy anh và ngược lại, tùy theo khả năng mỗi bên.
Một sự mới mẻ là gần đây, trong khi các hãng hàng không tỏ ra thiếu tự tin khi mở đường bay trong nước do sợ lỗ, thì một số địa phương như Quảng Bình, Thanh Hóa,... tuyên bố sẵn sàng tài trợ trong thời gian đầu để khuyến khích các hãng mở đường bay. Tôi cho rằng đây là tư duy rất hay của lãnh đạo các địa phương và chắc chắn đường không nội địa sẽ phát triển”, ông Nam nhận định.
Về vấn đề để doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào sân bay, cảng biển, ông Nam chia sẻ: “Nên để tư nhân làm, Nhà nước chỉ cần quy hoạch, tạo hành lang pháp lý. Bởi, sân bay và cảng biển, tư nhân Việt Nam thừa sức đầu tư nếu Nhà nước có cơ chế chính sách hợp lý. Vấn đề là nhà nước có quy hoạch, tạo thuận lợi cho người ta làm hay không. Lâu nay một số người nghĩ theo hướng Nhà nước phải làm, tư nhân không được. Quan điểm này cần phải thay đổi”.
Khó khăn hiện nay không phải là năng lực nhà đầu tư mà Nhà nước cần quy hoạch nhiều sân bay để mở ra cơ hội đầu tư. Hiện nay, Việt Nam mới có 21 sân bay, trong khi Thái Lan có 48, Philippines có tới 70 sân bay, dù về diện tích hai nước trên nhỏ hơn Việt Nam. Một điều nhìn thấy ngay, khi tư nhân đầu tư vào sân bay hay cảng biển thì ắt sẽ làm nhanh hơn, quy mô rộng hơn, hiện đại hơn…
“Chẳng hạn, nhà ga T2 sân bay Đà Nẵng là do một nhà đầu tư tư nhân thực hiện chỉ trong vòng 1 năm, trong khi nhà T1 mất tới 4 năm. Lý do là tư nhân bỏ hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư nên sẽ có trách nhiệm với đồng tiền của mình”, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phân tích.
Để thực hiện được điều này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải loại bỏ cơ chế xin - cho và tăng tính minh bạch.
“Chắc chắn nếu còn tiếp tục cơ chế xin - cho thì tư nhân chẳng thể nào làm được. Còn nếu Nhà nước tạo điều kiện, hành lang pháp lý thuận lợi thì tư nhân sẽ làm được hết”, ông Doanh nói.
Để chính sách thu hút đầu tư vào hàng không và cảng biển có bước tiến mới, cần có những quy chế, quy định, khung pháp lý phù hợp. Đồng thời, có chính sách kêu gọi, ưu đãi nhà đầu tư khi tham gia vào hai mảng sân bay và cảng biển. Một số địa phương thành công trong việc tạo cơ chế mở thu hút nhà đầu tư như Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng…là những minh chứng tốt cho khả năng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực này.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com