“Doanh nghiệp Trung Quốc vẫn yên tâm làm ăn ở Việt Nam”

Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực ổn định và lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà máy JX Nipppon Oil & Energy Việt Nam vừa được khánh thành tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng Nhà máy JX Nipppon Oil & Energy Việt Nam vừa được khánh thành tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng

Một thông tin rất đáng chú ý vừa được ông Nguyễn Trọng Khôi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết, ngày 26/5, sau một thời gian dài chuẩn bị, Nhà máy Gang thép Việt - Trung (Lào Cai) đã chính thức ra lò mẻ gang đầu tiên. “Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện vẫn yên tâm làm ăn ở Việt Nam”, ông Khôi nói và cho biết, tuần sau, mẻ phôi thép đầu tiên cũng sẽ chính thức ra lò.

Như vậy, dự án có vốn đầu tư 337 triệu USD, trong đó, nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ 45% vốn, quy mô giai đoạn I là 500.000 tấn gang/năm và 500.000 tấn phôi thép/năm, sau 3 năm xây dựng, đã có kết quả. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh những ngày giữa tháng 5/2014, đã có tình trạng một số phần tử quá khích đập phá nhà máy của một số doanh nghiệp FDI, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, gây thiệt hại không nhỏ và ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

Việc Nhà máy Gang thép Việt - Trung đi vào hoạt động, có thể nói, không chỉ là một động thái tích cực có ý nghĩa lớn trong việc củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn góp phần tăng vốn FDI giải ngân trong những tháng đầu năm.

Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 5 tháng đầu năm, vốn FDI giải ngân ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong khi đó, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, ngoài 4 ngày (từ 13 đến 16/5, thời điểm xảy ra các vụ đốt phá nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh) việc xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI bị thiệt hại chững lại, thì nay, tình hình cũng đã ổn định trở lại.

“Hiện chúng tôi đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp này cả về thủ tục hải quan, lẫn việc miễn giảm, ân hạn thuế…”, vị này cho biết và khẳng định, được sự hỗ trợ này này, tâm lý nhà đầu tư cũng đã ổn định trở lại.

“Chúng tôi cũng đang chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp cụ thể để nhằm giúp doanh nghiệp ổn định đi vào sản xuất theo đúng chủ trương của Chính phủ. Hiện tại, chúng tôi đang thống kê tài sản bị thiệt hại của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do hành động của những kẻ gây rối, quá khích gây ra”, ông Phú Hữu Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cũng đã cho biết như vậy tại cuộc họp giao ban sản xuất - kinh doanh 5 tháng đầu năm, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng hôm qua (27/5).

Tình hình đã ổn định trở lại ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, TP.HCM. Các biện pháp khắc phục thiệt hại cũng đang được tích cực thực hiện. Tuy nhiên, ông Minh cũng không khỏi lo lắng trước việc thu ngân sách của tỉnh có thể sẽ không đạt mục tiêu đề ra do phải miễn, giảm, gia hạn thuế cho các doanh nghiệp bị đập phá. Không những thế, việc làm sao lấy lại và ổn định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm vào Việt Nam đang suy giảm, mới là điều đáng quan tâm hiện nay.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, 5 tháng đầu năm, vốn cấp mới và tăng thêm ước đạt trên 5,5 tỷ USD, bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2013. Sự sụt giảm này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ yếu là do không có những dự án tỷ USD như những tháng đầu năm 2013. Còn theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, là không đáng ngại, bởi xem xét luồng vốn FDI phải tính cả giai đoạn, chứ không chỉ là vài tháng hay một năm, hơn nữa, vốn FDI giải ngân vẫn đang khá tích cực.

Tuy vậy, sau tình hình ở Biển Đông và vụ đập phá ở một số nhà máy của các phần tử quá khích, câu hỏi đặt ra là, liệu vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Thực tế, trước tình hình đập phá nhà máy ở một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã bày tỏ mối quan ngại về việc hình ảnh một môi trường đầu tư thân thiện và an toàn mà chúng ta đã dày công xây dựng sẽ bị ảnh hưởng. Những diễn biến tại một số dự án FDI thời gian gần đây, như ở Dự án Gang thép Thái Nguyên, cũng có vốn đầu tư của Trung Quốc, khoảng hơn 20 chuyên gia của quốc gia này hiện tạm thời không làm việc trên công trường, là điều đáng quan tâm.

Thông tin mà ông Hoàng Thịnh Lâm, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho biết, là Dự án cầu Bắc Luân (Quảng Ninh), do nhà đầu tư Trung Quốc triển khai, đang tạm dừng thi công, cũng đã cho thấy hành động của một số phần tử quá khích đã tác động ít nhiều tới tâm lý nhà đầu tư.

Cho dù, theo thông tin của Báo Đầu tư, đa phần các nhà đầu tư nước ngoài đều đã khẳng định sẽ tiếp tục tin tưởng và cam kết làm ăn lâu dài ở Việt Nam, song theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế, Chính phủ Việt Nam cần hành động mạnh mẽ hơn và làm sao để ổn định và lấy lại niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài.

Trên khía cạnh này, có thể nói, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mới đây đã gửi thông điệp tới các nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã có tác động tích cực tới tâm lý các nhà đầu tư.

“Chính phủ Việt Nam luôn cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và không ngừng cải thiện khuôn khổ luật pháp và thể chế phục vụ cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư; nỗ lực triển khai lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư”, Thủ tướng khẳng định và một lần nữa nhấn mạnh rằng: “Với triển vọng tích cực của kinh tế toàn cầu và khu vực, chúng tôi chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, hoan nghênh các bạn tiếp tục lựa chọn Việt Nam và tin tưởng chắc chắn các bạn sẽ thành công tại đất nước chúng tôi”.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục