Doanh nghiệp Trung Quốc tìm đối tác tại Triển lãm Mekong - Lan Thương 2023

0:00 / 0:00
0:00
Triển lãm là cơ hội để doanh nghiệp trong nước kết nối giao thương, trao đổi công nghệ với doanh nghiệp từ Trung Quốc.
Đại biểu Việt Nam và Trung Quốc cắt băng khai mạc Triển lãm thương mại Mekong - Lan Thương tại Việt Nam 2023. Đại biểu Việt Nam và Trung Quốc cắt băng khai mạc Triển lãm thương mại Mekong - Lan Thương tại Việt Nam 2023.

Triển lãm Kinh tế và Công nghệ Hợp tác Mekong - Lan Thương do Ủy ban Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT) chủ trì và Phòng Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCOIC) tổ chức song song với Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam (Vietnam Expo 2023) tổ chức từ 7-9/12 là dự án quan trọng và nền tảng năng động của cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương, đã tổ chức thành công tại một số quốc gia ven sông Mekong.

Khu Triển lãm Kinh tế và Công nghệ hợp rác Mekong - Lan Thương với quy mô 1.200 m2 có sự tham gia của các công ty đến từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc như Hải Nam, Hồ Nam, Vân Nam, Thượng Hải, Chiết Giang, Hà Bắc, Quảng Đông và nhiều tỉnh thành khác.

Cùng với đó là sự tham gia của các doanh nghiệp nổi tiếng như Alibaba.com, Strong Power Electric, Haima Automobile, Sinski Vehicle và Lansheng Light Industrial Products.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương cho biết, Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, quốc gia có quy mô thương mại lớn thứ 4 với Trung Quốc trong năm 2022.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, hoạt động ngoại thương của Việt Nam, Trung Quốc và các nước trong khuôn khổ hợp tác Mê Công - Lan Thương cũng chịu tác động không nhỏ. Cụ thể, kim ngạch thương mại trong 10 tháng đầu năm của Việt Nam và Trung Quốc với thế giới lần lượt giảm 9,57% và 6% so với cùng kỳ 2022.

“Tôi cho rằng, triển lãm lần này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa cho doanh nghiệp hai bên, góp phần khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế toàn cầu và khu vực”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, đại diện phía Trung Quốc cho biết, các doanh nghiệp đều đang chờ đón cơ hội hợp tác với các đối tác Việt Nam. Với một loạt các công nghệ tiên tiến và sản phẩm đa dạng bao gồm điện tử, phương tiện giao thông, sản phẩm nông sản, thiết bị thông minh và nhiều hơn nữa.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, bà Eileen Liu, đại diện Công ty cổ phần Thương mại công nghiệp Anhui Anqing Xingfeng (tỉnh An Huy, Trung Quốc) cho biết đây là đơn vị chuyên sản xuất các loại túi xách, balo, sản phẩm may công nghiệp với số lượng lớn và giá thành thấp.

Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát, Công ty cổ phần Thương mại công nghiệp Anhui Anqing Xingfeng đánh giá rất cao tiềm năng thị trường của Việt Nam bởi nhu cầu tiêu dùng tốt, các thủ tục, thuế quan cũng rất thuận lợi, giảm được nhiều chi phí phát sinh.

“Tại Triển lãm thương mại Mekong - Lan Thương lần này, chúng tôi rất mong được kết nối và xúc tiến giao thương với doanh nghiệp, đối tác tại Việt Nam nhằm tạo ra lợi ích cho cả hai bên”, bà Liu chia sẻ.

Nguyễn Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục