Tại Hội nghị công tác đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức ngày 14/9, ông Đoàn Đình Duy Khương, người đại diện tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang bày tỏ, SCIC có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Hệ thống quản trị hiện đại mà Dược Hậu Giang đang áp dụng có công lớn của SCIC trong việc đóng góp ý kiến, xây dựng và phát triển.
Dược Hậu Giang mong SCIC tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển đã đề ra.
Còn ông Lê Văn Thành, người đại diện vốn tại Công ty cổ phần Bảo Minh cho biết, chủ trương của Chính phủ thoái vốn khỏi Bảo Minh đã mang đến nhiều tâm tư cho cán bộ công nhân viên rằng họ sẽ đi đâu về đâu.
“Anh em rất dao động trong làm việc, chưa chăm chút cây họ đang trồng và mong SCIC có định hướng cụ thể”, ông Thành nói.
Ông Thành nói thêm, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các doanh nghiệp có vốn nhà nước đang bị cơ chế đang trói buộc, chẳng hạn chỉ được trả mức lương cao nhất là 72 triệu đồng trong khi doanh nghiệp khác cùng ngành nghề không hạn chế và thường có mức lương 100-150 triệu đồng/tháng cho vị trí tương đương.
Ông Lê Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Nhựa Việt Nam cũng cho biết, Công ty nằm trong diện SCIC sẽ thoái vốn toàn bộ, tâm tư nguyện vọng của người lao động có dao động.
Có thời điểm Tổng công ty rất khó khăn, không biết đi đâu về đâu, nhiều khi chỉ đạo của Ban giám đốc không ai nghe,. Người đại diện cũng có băn khoăn, có lúc muốn rút…
Tuy vậy, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã nhiều lần họp với người lao động và quán triệt tư tưởng, Nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa là để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cao hơn, trường hợp chủ mới không thuê thì chấp nhận. Hiện về cơ bản người lao động đã ổn định tư tưởng.
Ông Nguyễn Văn Tiến, người đại diện tại CTCP Rau quả thực phẩm An Giang đánh giá, SCIC đóng vai trò tích cực tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn trong quá trình sản xuất kinh doanh, quản trị công ty, điều hành công ty, xây dựng các điều lệ, quy chế, quy định… nhằm ổn định hoạt động doanh nghiệp. Nhưng SCIC đã thoái vốn 4 lần tại công ty mà chưa triển khai được. Hy vọng lần thứ 5 sẽ thành công và ông cũng như người lao động chấp nhận cuộc chơi.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, ý kiến của doanh nghiệp muốn SCIC giữ vốn lâu dài tại doanh nghiệp để người đại diện, người lao động yên tâm nhưng SCIC cũng phải chấp hành chủ trương của Chính phủ trong việc thoái vốn những ngành nghề không cần nắm giữ.
Cũng theo ông Chi, để không ảnh hưởng người đại diện khi SCIC thoái vốn thì người đại diện vốn cần xác định tâm thế trở thành một nghề chuyên nghiệp. Nếu người đại diện chuyên nghiệp, luôn tạo ra giá trị và hiệu quả doanh nghiệp cao thì Nhà nước hay ông chủ nào khác cũng đều cần người đại diện như vậy. Chủ tịch SCIC cũng nhấn mạnh rằng, bản thân người đại diện phải trau dồi bản lĩnh và năng lực để thích ứng với sự thay đổi tại doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện nay, SCIC có 225 người đại diện, trong đó 168 người đại diện là cán bộ doanh nghiệp, giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (chiếm 74,6%).
Trong năm 2017, với sự góp sức của người đại diện, đa số các doanh nghiệp có vốn nhà nước do SCIC quản lý đã hoàn thành kết quả sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp đã đạt mức vượt kế hoạch kinh doanh trên 10% như: Công ty cổ phần Bảo trì đường thủy nội địa số 15 (doanh thu đạt 171% so với kế hoạch), Công ty cổ phần Sửa chữa đường bộ và xây dựng tổng hợp II Quảng Bình (doanh thu đạt 158%, lợi nhuận trước thuế đạt 194% so với kế hoạch), Công ty cổ phần Viễn thông FPT (cổ tức đạt 400% so với kế hoạch)...
Thậm chí, một số doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) trên 20% như: Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (24%), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (23%), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (43%), Công ty cổ phần Traphaco (23%), Công ty cổ phần Domesco (22%)...
Bên cạnh những điểm tích cực, theo ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC, hoạt động của người đại diện còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như có tình trạng người đại diện chưa hợp tác tốt với SCIC, không triển khai kịp thời các ý kiến của SCIC, không xin ý kiến hoặc cố tính biểu quyết khác với ý kiến của SCIC; một số doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, lỗ lũy kế nhiều năm, nhiều tồn tại tài chính, dẫn tới doanh nghiệp có khả năng không hoạt động liên tục (tính đến 31/8 còn 21 doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội cổ đông)…
Cũng theo ông Thành, sau hơn 10 năm hoạt động, tính đến ngày 31/8, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.047 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán là hơn 11.638 tỷ đồng. Sau khi bán vốn nhà nước và chuyển giao lại một số doanh nghiệp công ích cho địa phương, danh mục đầu tư của SCIC còn lại hiện nay gồm 139 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.367 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 82.838 tỷ đồng.
Trong số 139 doanh nghiệp còn lại nắm giữ, SCIC chia thành các nhóm. Nhóm A1 gồm 23 doanh nghiệp SCIC chủ động giữ lại để đầu tư dài hạn (chiếm 65,4% tỷ trọng vốn nhà nước); nhóm A2 gồm 9 doanh nghiệp SCIC nắm giữ 100% vốn/có cổ phần, vốn góp chi phối hoặc cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (chiếm 1,1% tỷ trọng vốn nhà nước); nhóm B1 gồm 34 doanh nghiệp cần cơ cấu lại để nâng cao giá trị vốn đầu tư trước khi bán hết vốn (24,6% tỷ trọng vốn nhà nước); và nhóm B2 gồm 73 doanh nghiệp cần phải triển khai bán hết vốn ngay (8,9% tỷ trọng vốn nhà nước).