Vô tư trì hoãn
Thông tư, quyết định, các văn bản thông báo chỉ đạo đều có đầy đủ và là căn cứ pháp lý để thực hiện việc chuyển giao vốn nhà nước về SCIC, nhưng con số doanh nghiệp chậm bàn giao vẫn cứ được nhắc đi nhắc lại trong các cuộc họp của Chính phủ.
Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này.
Thông báo số 285/TB-VPCP ngày 9/8/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm nêu rõ: Một số bộ, ngành, địa phương chậm triển khai, triển khai chưa có kết quả, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa thực hiện nghiêm túc, quyết liệt việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC.
Theo Quyết định số 1232/QĐ-Ttg ngày 17/8/2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn Nhà nước tại 62 doanh nghiệp tại 6 bộ và 16 địa phương với tổng số vốn Nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao).
Báo cáo của SCIC cho biết, nửa đầu năm 2018, Tổng công ty chỉ tiếp nhận được 5/45 doanh nghiệp theo kế hoạch tiếp nhận năm 2018. Nhiều bộ ngành, địa phương không muốn triển khai thực hiện bàn giao cho SCIC.
Còn nếu theo Nghị định 147/2017/NĐ-CP, trong đó quy định rõ về đối tượng, trình tự và thời hạn chuyển giao thì hiện vẫn có hàng trăm doanh nghiệp chưa được chuyển giao về SCIC.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC lấy ví dụ, ở Bộ Công thương, phần vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã được rà soát xong hết thủ tục mà chờ mãi Bộ vẫn chưa ký. Phần vốn tại Tổng công ty Thép Việt Nam cũng vậy, được viện dẫn bằng lý do chưa quyết toán vốn nhà nước khi cổ phần hóa doanh nghiệp.
Vướng mắc lớn nhất khiến cho quá trình chuyển giao vốn nhà nước chậm trễ là các doanh nghiệp chưa hoàn thành việc quyết toán vốn lần 2 trước khi chuyển về SCIC.
Ở một vài doanh nghiệp thì Bộ và UBND tỉnh chưa xử lý dứt điểm các tồn tại trước khi bàn giao về SCIC, hoặc có doanh nghiệp SCIC chưa nhận được hồ sơ đầy đủ để rà soát…
Trong khi đó, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018) và Nghị định số 147/2017/NĐ-CP ngày 25/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC đã “chốt” thời hạn bàn giao doanh nghiệp cho Tổng công ty tối đa là 180 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Trả lời câu hỏi có phải SCIC chỉ nhận doanh nghiệp tốt để đỡ rủi ro trách nhiệm hay không, lãnh đạo SCIC nói: "Không phải như vậy. Nếu có tồn tại về tài chính, SCIC sẽ tái cơ cấu, sổ sách cũng chốt rõ tồn tại do đâu, từ bao giờ, nên SCIC không lo nhận doanh nghiệp xấu”.
Sau khi tiếp nhận chuyển giao, SCIC sẽ tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Trường hợp cần thiết sẽ thực hiện tái cấu trúc tài chính và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tối ưu hóa giá trị phần vốn nhà nước khi triển khai thoái vốn.
Giải mã nguyên nhân
Tách bạch chức năng quản lý vốn nhà nước và chức năng quản lý hành chính, giao cho một đầu mối chuyên nghiệp về quản lý vốn và thoái vốn - chủ trương này của Chính phủ được cả ông Kentut Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) và ông Phạm Đức Trung đánh giá là theo xu hướng và thông lệ tốt của các nền kinh tế phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, chủ trương này đang bị thách thức về tính hiệu quả, theo ông Phạm Đức Trung, do nhiều nguyên nhân. Trước hết là do quy trình thủ tục, những yêu cầu về điều kiện để chuyển giao vốn nhà nước gây vướng mắc như việc quyết toán vốn lần hai nêu trên. Bên cạnh đó là khâu tổ chức thực hiện rất yếu.
“Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, nhưng người ta không làm và không muốn làm. Trong khi đó, chế tài xử lý không có, không chuyển giao vốn theo quy định, không sao cả, nên cứ việc vô tư trì hoãn”, ông Trung nhận xét.
Trong một cuộc họp mổ xẻ vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho rằng, nguyên nhân trì hoãn chuyển giao là lo mất lợi ích.
Còn chuyên gia Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, thẳng thắn nói rằng: “Chính phủ giao, nhưng bộ và địa phương không làm, trước hết là vì lợi ích, vì sân sau. Thứ hai là do thiếu chế độ kỷ luật hành chính, không làm không phải chịu trách nhiệm pháp lý”.
Dù đã chủ động, thường xuyên đôn đốc, làm việc trực tiếp với các bộ, địa phương, tuy nhiên tiến độ chuyển giao vốn nhà nước từ bộ ngành, địa phương về SCIC còn rất chậm.
Lũy kế từ khi ban hành Quyết định 1232 ngày 17/8/2017 đến hết tháng 6/2018, SCIC mới tiếp nhận 25/62 doanh nghiệp theo danh sách chuyển giao với tổng vốn nhà nước là 862,48 tỷ đồng, trên tổng vốn điều lệ là 2.068 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 37 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng tại 5 bộ và 8 ủy ban nhân dân tỉnh.
Giải pháp được ông Huệ đề xuất là, Chính phủ rà soát lại thực trạng, ra nghị quyết và yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh cam kết thực hiện, nếu không làm được thì cách chức.
Ông Phạm Đức Trung cũng cho rằng, muốn thúc đẩy quá trình này, Bộ Tài chính cần làm rõ việc cho phép SCIC tiếp nhận vốn đối với doanh nghiệp chưa quyết toán vốn lần 2, đồng thời yêu cầu các bộ, UBND tỉnh hoàn thành việc công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu (quyết toán vốn lần 2) đúng thời hạn.
Đây cũng là việc cần làm để thúc đẩy sự minh bạch và đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư bỏ vốn vào các doanh nghiệp cổ phần hóa. Đồng thời, các thông tư mới sửa đổi như Thông tư 118/2014/TT-BTC hướng dẫn việc chuyển giao doanh nghiệp về SCIC, Thông tư 59/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp... cần bổ sung thêm chế tài với các hành vi chậm chuyển giao vốn tại các doanh nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Chuyên gia này kiến nghị thêm, do có động chạm đến quyền lợi của các bên liên quan nên việc chuyển giao phải có “trọng tài”, thuyết phục nhất là Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh mục doanh nghiệp phải chuyển giao vốn nhà nước về SCIC và thời gian cụ thể. Đây sẽ là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đối tượng có liên quan.
Chậm trễ bàn giao vốn nhà nước về SCIC là chuyện không mới, thậm chí Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Công văn số 3014/VPCP-ĐMDN ngày 3/4/2018 hối thúc việc bàn giao doanh nghiệp về SCIC, song vẫn có ít tiến triển. Câu hỏi đặt ra là nếu kỷ cương phép nước không nghiêm minh, không chỉ việc chuyển giao vốn nhà nước chậm trễ, với nhiều chủ trương lớn hơn của Chính phủ, ai sẽ tự nguyện tuân thủ để thúc đẩy cải cách?
Cơ sở pháp lý về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cho SCIC
Nghị quyết 60/2018/QH14 của Quốc hội yêu cầu khẩn trương bàn giao phần vốn nhà nước về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Nghị định 147/2017/NĐ-CP quy định, SCIC thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các loại hình doanh nghiệp.
Quyết định 1232/QĐ-TTg yêu cầu thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC.
Thông tư 118/2014/TT-BTC hướng dẫn việc chuyển giao doanh nghiệp về SCIC.
Thông tư 59/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp