Khi xảy ra kiện cáo, đương sự (bên khởi kiện, người bị kiện hoặc bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) có quyền giao nộp chứng cứ, tài liệu và có đơn xin xét xử vắng mặt.
Tùy từng trường hợp cụ thể, tòa án có thể tạm hoãn hoặc vẫn tiếp tục xét xử. Tuy nhiên, việc không hợp tác, trốn tránh, chống đối có thể dẫn đến những rủi ro pháp lý, tổn hại hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp.
Đơn cử trong vụ việc mới đây, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư xây dựng Giao thông vận tải (tên giao dịch là TCI Trade.,JSC) mặc dù nhiều lần trốn tránh tòa án nhưng sau đó phải hợp tác với cơ quan công an để giải quyết tranh chấp mua bán hàng hóa với đối tác nước ngoài.
Vào khoảng giữa năm 2014, TCI ký hợp đồng mua 1.000 tấn nhựa đường của một công ty tại Các tiểu vương quốc Ả Rập. Tổng giá trị tiền mua hàng là 577.000 USD.
Thực hiện hợp đồng, phía đối tác đã giao hàng số lượng 1.030 tấn nhựa đường (bao gồm cả khối lượng bao bì) có giá trị 582.731 USD, tương đương hơn 12,4 tỷ đồng.
Nhận đủ hàng nhưng Công ty không thanh toán tiền và có hành vi lẩn tránh. Phía đối tác nước ngoài buộc phải khởi kiện ra tòa án tại Việt Nam.
Công ty nước ngoài đã khởi kiện từ năm 2014, tòa án đã thụ lý và nhiều lần triệu tập các bên đương sự đến tòa để giải quyết vụ án, tham gia đối chất, hòa giải, họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ nhưng đại diện TCI đều vắng mặt không có lý do.
Tòa án đã xác minh tại địa điểm kinh doanh của Công ty ở huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội) thấy doanh nghiệp vẫn treo biển hiệu và hoạt động bình thường.
Trong kho có nhiều thùng nhựa đường và có nhân viên bảo vệ trông coi nhà kho. Nhưng khi được hỏi đến, bảo vệ nói Giám đốc Công ty căn dặn không được nhận bất kỳ văn bản tố tụng nào của tòa án. Tòa án đã niêm yết các văn bản theo trình tự, song TCI vẫn cố tình vắng mặt.
Trước sự việc trên, năm 2016, công ty nước ngoài phải gửi đơn đề nghị tòa án chuyển hồ sơ vụ án sang cơ quan điều tra để làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Công an vào cuộc và xác định đơn tố cáo là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu hình sự. Tuy nhiên sau nhiều lần làm việc với cơ quan điều tra, TCI thanh toán cho đối tác 1 tỷ đồng.
Do vụ án không có dấu hiệu hình sự nên năm 2018, thẩm quyền giải quyết lại chuyển sang tòa án. Sau gần 4 năm, đại diện của TCI mới xuất hiện để giao nộp hồ sơ, đồng thời có công văn về các hợp đồng và cho rằng, khi nhận lô hàng thứ nhất, hàng bị giao chậm 15 ngày, số hàng đựng trong 2.759 thùng nhưng có 189 thùng hàng bị chảy, 203 phuy dính bẩn. Lô hàng thứ hai có 1.066 phuy vỡ hỏng hoàn toàn.
Công ty phải bỏ 2,3 tỷ đồng khắc phục hậu quả. TCI cho biết đã bán 2 lô hàng được 6,8 tỷ đồng; trừ chi phí phát sinh còn 4,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Công ty không có tài liệu, chứng cứ chứng minh còn nguyên đơn xuất trình được chứng thư kiểm định quốc tế SGS hàng hóa được kiểm định đúng như quy cách, chất lượng.
Quá trình giải quyết, đến phiên tòa lần thứ 2 đại diện Công ty mới có mặt và đề nghị xem xét các chi phí bỏ ra để vận chuyển hàng hóa đã mua từ cảng Hải Phòng về kho bãi.
Theo Hội đồng xét xử, yêu cầu này được đề nghị sau khi tòa án mở phiên họp công khai chứng cứ và chỉ xuất hiện tại tòa nên không được xem xét.
Nếu Công ty có đơn yêu cầu nộp kèm các tài liệu chứng cứ chứng minh sẽ được giải quyết bằng vụ án khác nếu còn thời hiệu khởi kiện. Mới đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên buộc Công ty phải thanh toán số tiền gốc và lãi chậm trả tổng cộng là hơn 16 tỷ đồng.
Khi có vướng mắc liên quan đến pháp luật, doanh nghiệp thường e ngại cơ quan tố tụng do lo ngại mất thời gian, chi phí…, nhưng việc tuân thủ pháp luật giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình như các quyền phản tố đối với yêu cầu khởi kiện bất lợi của đối phương; đồng thời giải quyết các vướng mắc chưa thống nhất trong hợp đồng.