Chia sẻ tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” năm 2024 do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 22/2, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng (có trụ sở ở Bắc Ninh) phản ánh vướng mắc trong tiếp cận quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội.
Từ năm 2017, Tập đoàn Lan Hưng đã tới 38 tỉnh, thành đề nghị được tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội nhưng cuối cùng chỉ trụ lại được ở 11 địa phương.
“Thủ tục pháp lý phát sinh từ đất quá phức tạp, mất thời gian. Muốn có 1 triệu căn nhà ở xã hội thì không thể không quyết liệt về đất. Tôi đề nghị luật hoá quy định các tỉnh phải bố trí bằng được quỹ đất để làm nhà ở xã hội chứ không phải chỉ khuyến khích như hiện nay”, ông Toàn nói và nhấn mạnh, các tỉnh cần tiến hành thu hồi đất làm nhà ở xã hội sau đó mới kêu gọi đầu tư.
Ông Toàn cũng chia sẻ thêm, công ty ông có dự án 17 ha ở TP. Đồng Xoài (Bình Phước), trong đó có 2 ha nhà ở xã hội. Doanh nghiệp đã làm hàng chục công văn xin tỉnh được làm đồng bộ hạ tầng với nhà ở thương mại và nhà ở xã hội nhưng dù doanh nghiệp đã hoàn thiện 90% hạ tầng, tỉnh vẫn khăng khăng theo quy định là phải xong hạ tầng mới giao đất.
“Việc doanh nghiệp phải dành 20% quỹ đất nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội được quy định là địa phương phải thu lại đất ấy rồi doanh nghiệp làm hạ tầng xong phải đề xuất mới được giao. Luật lùng nhùng ở đó. Nếu làm xong hạ tầng mới xây nhà ở xã hội thì hỏng hết đường, phá vỡ hết cây cối cảnh quan”, ông Toàn phản ánh.
Ngoài ra, theo vị này, quy định doanh nghiệp phải có ít nhất 1 m2 đất ở mới được làm nhà ở xã hội quá khó, khiến doanh nghiệp vẫn cứ phải “đứng đường”. Ông Toàn có mấy chục ha đất trồng cao su đã quy hoạch làm đất ở rồi nhưng chưa có mét vuông đất ở nào nên đành bỏ không, không làm nhà ở xã hội được.
Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng |
Có đất rồi, nhưng theo Chủ tịch Lan Hưng, vấn đề vốn cũng rất nan giải. “Gói 120.000 tỷ đã không thể đi vào cuộc sống, giải ngân chỉ như hạt cát. Tôi gặp các ngân hàng thương mại, họ bảo không mặn mà vì thủ tục để lấy 2% hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước rất lâu”, ông Toàn nói và đề nghị, thay vì hỗ trợ lãi suất 1,5-2%, nên chăng ấn định người vay mua nhà được hưởng lãi suất thấp (khoảng 5%), doanh nghiệp vẫn vay khoảng 10% sau đó họ tính vào giá bán, có như vậy ngân hàng mới có động lực cho vay.
Riêng đối với nhà ở công nhân, Chủ tịch Lan Hưng chia sẻ, doanh nghiệp đang “ế” 400 căn vì vướng quy định đối tượng mua phải là công nhân làm trong khu công nghiệp. Ông Toàn kiến nghị mở rộng 10 đối tượng được mua nhà ở công nhân như Nghị định 100 dành cho nhà ở xã hội để tăng thêm số người được tiếp cận.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VinHomes cho biết, doanh nghiệp đã làm nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Khánh Hoá, Thanh Hoá… với số lượng trên 10.000 căn hộ đã đưa vào sử dụng.
Từ thực tế triển khai phân khúc nhà ở này, ông Hoa cho rằng cần có cơ chế riêng để đẩy nhanh tiến độ xét duyệt thủ tục đầu tư dự án, bởi hiện nay quy trình thủ tục đang phức tạp, gây mất nhiều thời gian hơn dự án nhà ở thương mại.
“Thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết của dự án nhà ở xã hội có thể tiến hành song song với điều chỉnh phân khu và các thủ tục khác như xác định tiền sử dụng đất, tiền thuế đất để được miễn, giảm...”, lãnh đạo VinHomes gợi ý.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VinHomes |
Ngoài ra, theo vị này, việc Bộ Xây dựng giảm 20 - 25% suất đầu tư nhà ở xã hội so với suất đầu tư của nhà ở thương mại từ năm 2021 (trong khi suất đầu tư nhà ở thương mại đã thấp hơn thực tế các nhà đầu tư đang làm) là không thực tế và không khuyến khích được doanh nghiệp tham gia.
Đồng quan điểm, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (doanh nghiệp tham gia làm dự án nhà ở xã hội từ năm 2013, đến nay đã hoàn thành trên 10 dự án với trên 10.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân) cho biết, năm 2024 Hoàng Quân thực hiện 12 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và sẽ bàn giao 3.000 căn tại Bình Thuận, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long…
Chủ tịch Hoàng Quân cũng kiến nghị xem xét lại Quyết định 610/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 13/7/2022. “Lợi nhuận của nhà ở xã hội chỉ có 10% nhưng vẫn cần các tiện ích xã hội như hầm, công trình công cộng, bãi đỗ xe… Việc Bộ Xây dựng giảm 25% suất đầu tư so với nhà ở thương mại, trong khi thực tế cách làm giống nhau khiến doanh nghiệp làm nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn", ông Tuấn nói.
Ở một góc tiếp cận khác, ông Tuấn đồng ý với quan điểm của ông Toàn khi cho rằng, cần điều chỉnh chính sách nhà ở công nhân bằng cách cho phép 10 đối tượng tham gia đầu tư nhà ở công nhân giống đối tượng đầu tư nhà ở xã để tạo thêm nguồn lực; đồng thời mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở công nhân, thay vì chỉ có công nhân làm trong khu công nghiệp như quy định cũ.
Với mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội thì cần khoảng 800.000 tỷ đồng, trong khi hiện chúng ta mới định hướng có 120.000 tỷ đồng, nguồn vốn để cho vay 4,8% chưa rõ ràng, trong khi các địa phương yêu cầu doanh nghiệp chứng minh năng lực tài chính (trong đó có cam kết cho vay vốn của ngân hàng), ông Tuấn kiến nghị cần có nguồn vốn ổn định phục vụ chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, bao gồm vốn từ Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại.
Cũng gặp khó khăn trong đầu tư nhà ở công nhân, ông Trần Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera – đơn vị tiên phong trong phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cho biết, hiện doanh nghiệp này đã hoàn thành khoảng 8.000 căn hộ nhà ở xã hội và chuẩn bị nhiều quỹ đất sạch để xây dựng tiếp 9.000 căn hộ nữa trong thời gian tới.
Ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera |
Tuy nhiên, ông Ngọc Anh phản ánh, mặc dù các dự án này không thua kém chất lượng nhà ở thương mại (diện tích 26 - 60m2, giá bán 250 - 600 triệu đồng/căn, giá cho thuê 1,2 – 2,4 triệu/tháng/căn hộ ở được 2-4 người), song doanh nghiệp hiện đang bị “ế” 3.000 căn nhà ở công nhân do quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư quy định chỉ công nhân trong khu công nghiệp mới được mua sản phẩm này.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, tại nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở (sửa đổi) sắp tới, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu sửa đổi quy định để khắc phục những bất cập này.
Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Luật Nhà ở 2023 vừa rồi đã sửa đổi quy định về quỹ đất làm nhà ở xã hội, theo đó giao địa phương bố trí đáp ứng đủ nhu cầu, trong đó 20% có cả trong dự án thương mại và các dự án độc lập.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh |
Luật mới cũng không còn giới hạn đối tượng mua nhà ở công nhân mà chỉ cần là công dân Việt Nam có thời gian nhất định làm việc trên địa bàn.
Liên quan đến đất đang có quyền sử dụng đất muốn làm nhà ở xã hội, ông Sinh cho hay, vừa rồi Luật Nhà ở đã sửa quy định, cho phép xây nhà ở xã hội khi có quyền sử dụng đất phù hợp quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất.
“Sắp tới làm nghị định hướng dẫn, chúng tôi sẽ làm rõ những điều này”, ông Sinh nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng ghi nhận những phản ánh của doanh nghiệp về vấn đề suất đầu tư và cho biết sẽ cân nhắc điều chỉnh khi xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở sắp tới.
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” được Chính phủ phê duyệt ngày 02/3/2023, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 1.062.200 căn nhà ở xã hội đã hoàn thành. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn.
Tuy nhiên, báo cáo vừa công bố của Bộ Xây dựng cho biết, đến nay cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ; trong đó mới có 71 dự án đã hoàn thành với quy mô 37.868 căn; như vậy còn cách rất xa mục tiêu 428.000 căn phải có vào năm 2025.
Đến nay mới có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ đồng, với nhu cầu vay hơn 30.000 tỷ đồng. Trong đó mới có 06 dự án nhà ở xã hội tại 05 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.