Doanh nghiệp TP.HCM đảm bảo cung hàng trong dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
Đảm bảo ổn định nguồn cung hàng hóa liên tục trước, trong và sau dịp Tết Quý Mão là cam kết của các doanh nghiệp cung ứng và bán lẻ trong chương trình bình ổn của TP.HCM.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Đầy đủ hàng hóa

Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của hơn 12 triệu dân trên địa bàn TP.HCM dịp Tết Nguyên đán, Thành phố đã chỉ đạo với các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ…

Trong đó, doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 25-43% nhu cầu thị trường, tăng 10% so với tháng thường; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… chiếm 57-75% nhu cầu thị trường.

Về phía các siêu thị, để chuẩn bị cho dịp Tết 2023, Mega Market Việt Nam lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20-30% so với năm trước và tăng 40-50% so với những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt tăng đến 100%.

Với 3 siêu thị tự chọn và gần 200 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods tại TP.HCM và TP. Cần Thơ, hệ thống bán lẻ Satra dự trữ cho 2 tháng (trước và sau Tết Quý Mão năm 2023) ước khoảng 500 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022.

Đại diện Công ty Chợ Bình Điền cũng cho biết, trong tuần cận Tết, sản lượng hàng hóa vào chợ có thể tăng bình quân từ 20-35% so với ngày thường, đặc biệt các ngày cao điểm (từ 26 và 27 tháng Chạp) sản lượng có thể tăng từ 30-50%, đạt khoảng 3.500 đến 4.500 tấn/đêm.

Tổng lượng nông sản cung ứng thị trường thông qua 3 chợ đầu mối dự kiến vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 đến 15.000 tấn/ngày.

Hiện trên địa bàn TP.HCM có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị và 3.012 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Các hệ thống này sẵn sàng phương án tăng công suất, kéo dài thời gian hoạt động những ngày cận Tết, chuẩn bị và đẩy mạnh cung ứng tăng từ 2 - 3 lần so với ngày thường.

Bình ổn giá và khuyến mại

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết: “Doanh nghiệp sẽ duy trì các hoạt động khuyến mại theo hình thức cuốn chiếu cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến”.

Trong giai đoạn hiện tại, Mega Market Việt Nam dự báo sức mua năm nay tăng từ 10-20% so với dịp Tết 2022, do đó, từ vài tháng trước, doanh nghiệp này đã liên tục làm việc với nhà cung cấp để duy trì mức giá ổn định.

Trong khi đó, hệ thống Bách Hoá Xanh cũng đang triển khai chương trình khuyến mại với các mặt hàng như giò chả, bánh Tết giảm đến 50%; thịt heo, trứng các loại giảm đến 20% và nhiều nhóm hàng khác với tổng mức giá trị khuyến mại lên đến 60 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại các hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op thực hiện chương trình như: Khai xuân xanh - Tân trang bếp nhà, mua nhiều ưu đãi lớn, giá sốc giảm tận gốc… với các hoạt động như mua 1 tặng 1, tập trung khuyến mãi cho 5 nhóm hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hóa phẩm, may mặc và đồ dùng…

Vì người tiêu dùng

Từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình kinh tế chung tiếp tục diễn biến khó lường, giá nhiên liệu, nguyên vật liệu, chi phí vận tải… tăng, giảm thất thường với biên độ lớn.

Trong nước, doanh nghiệp chịu tác động của biến động tỷ giá, chi phí sản xuất, nguyên vật liệu, lưu thông hàng hoá tăng; thị trường các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm tiếp tục chịu sức ép.

Thế nhưng, theo Sở Công thương TP.HCM, các nhóm hàng trọng điểm như rau quả, thịt heo và trứng gia cầm… được các doanh nghiệp cơ bản chuẩn bị chu đáo nguồn hàng, nguyên vật liệu, phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa…

Với dự báo giá thịt lợn sẽ tăng trong dịp cận Tết Nguyên Đán sắp tới, hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market - thành viên của tập đoàn Central Retail lần đầu tiên áp dụng “Khóa giá” - bán thịt lợn tươi không lợi nhuận” nhằm chung tay bình ổn thị trường thịt lợn, qua đó hỗ trợ người dân có thể vui xuân đón Tết.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam chia sẻ: “Với ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào, khiến giá cả hàng hóa, trong đó có mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dịp cận Tết, trong khi đời sống người dân bị ảnh hưởng do nhiều nguyên nhân hậu đại dịch. Do đó, chúng tôi chủ động đàm phán với các nhà cung cấp, để cùng nhau thực hiện chương trình “khóa giá” đối với mặt hàng thiết yếu là thịt lợn, giúp người dân dễ dàng mua được thịt lợn sạch với giá tốt nhất, đón một cái Tết trọn vẹn hơn”.

Ngoài ra, Sở Công thương TP.HCM tổ chức 4 nhóm doanh nghiệp bán hàng lưu động tập trung do 4 đơn vị làm đầu mối: Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Doanh nghiệp Thành phố, Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp Thành phố (HBA), Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra).

Nhóm bán hàng lưu động thực hiện 260 chuyến trong 2 tháng cao điểm trước Tết tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, xí nghiệp, khu lưu trú đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện... để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết.

Hoài Sương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục