Doanh nghiệp tôn thép: Muôn trùng khó khăn

(ĐTCK) Với hoạt động kinh doanh ảm đạm, không có gì ngạc nhiên khi kết quả kinh doanh quý III/2018 của các doanh nghiệp ngành tôn thép không như kỳ vọng. Đáng chú ý, diễn biến này nhiều khả năng sẽ kéo dài khi tình hình không lấy làm khả quan.
Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tôn thép dự báo chưa thể cải thiện trong quý IV/2018. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tôn thép dự báo chưa thể cải thiện trong quý IV/2018.

Bức tranh ảm đạm

Nhắc tới ngành tôn thép, trước tiên phải “điểm danh” Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Trong quý III/2018, HSG báo lỗ 100 tỷ đồng, so với việc lãi hơn 200 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017. Kết quả này đã kéo lợi nhuận niên độ tài chính 2017 - 2018 của HSG xuống còn hơn 410 tỷ đồng, chỉ bằng 30% lợi nhuận của niên độ trước đó.

Không chịu lỗ như ông lớn ngành thép, nhưng kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng không lạc quan. Cụ thể, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) ở mức hòa vốn với lợi nhuận vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) lãi gần 200 triệu đồng trong quý III. Đây là 3 công ty niêm yết có hoạt động sản xuất, kinh doanh tôn thép là chủ đạo.

Giải trình của cả 3 công ty về biến động lợi nhuận mạnh so với cùng kỳ là do chi phí sản xuất trong kỳ tăng mạnh, giá nguyên liệu đầu vào leo dốc dẫn đến giá thành sản phẩm tăng, trong khi giá bán không nhích lên tương ứng khiến lợi nhuận giảm.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT DTL chia sẻ: “Xuất khẩu tôn thép ngày càng khó khăn, trong khi nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động dẫn đến công suất dư thừa. Chưa kể, khi giá nguyên liệu giảm, các nhà máy bán tháo để giảm lỗ nên giá bán trong nước càng đi xuống”. Bên cạnh đó, Thép Nam Kim cho biết, lợi nhuận giảm còn do biến động ngoại tệ khi nhập khẩu nguyên liệu.

Trong khi hai công ty quy mô nhỏ hơn hòa vốn, thì Hoa Sen lại lỗ. Bởi quý III, ngoài chi phí nguyên liệu tăng, HSG còn chứng kiến chi phí bán hàng leo dốc.

Cụ thể, với doanh thu thuần cả niên độ tài chính là 34.440 tỷ đồng, thì chi phí bán hàng của HSG đã đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Trong quý III/2018, doanh thu thuần của HSG là hơn 8.500 tỷ đồng, chi phí bán hàng là 442 tỷ đồng, tương đương 5,5% doanh thu. Trong khi đó, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu quý III gần 3.500 tỷ đồng, nhưng chi phí bán hàng chỉ 76,9 tỷ đồng, bằng 2,2% doanh thu. Tỷ lệ này tại DTL là 1,5%.

Như vậy, tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu của HSG gấp hai đến ba lần so với các doanh nghiệp cùng ngành có quy mô nhỏ hơn. Theo các chuyên gia, nguyên nhân nằm ở mô hình kinh doanh, khi các doanh nghiệp khác bán sản phẩm qua đại lý thì HSG tự xây dựng hệ thống bán lẻ để phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Thực tế, HSG coi hệ thống phân phối rộng khắp là lợi thế của mình, bởi nó giúp đẩy mạnh hàng tồn kho, cũng như gia tăng lợi nhuận vào thời điểm thị trường thuận lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiêu cực hiện tại, chi phí bán hàng đang trở thành gánh nặng làm giảm lợi nhuận của Công ty. 

Chưa thấy điểm sáng

Giá cổ phiếu tôn thép đã sụt giảm mạnh trong thời gian qua, nhưng điều đáng ngại hơn là tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tôn thép được dự báo vẫn chưa thể cải thiện trong quý IV/2018. Lý do là giá thép cán nguội (HRC) thế giới đang trong xu thế giảm.

Xuất khẩu tôn thép ngày càng khó khăn, trong khi nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động dẫn đến công suất dư thừa. Chưa kể, khi giá nguyên liệu giảm, các nhà máy bán tháo để giảm lỗ nên giá bán trong nước càng đi xuống.

 - Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT DTL

Đầu tuần này, S&P Global Platts định giá HRC SS400 dày 3 mm ở mức 530 USD/tấn FOB Trung Quốc, giảm 2 USD/tấn so với cuối tuần trước. Tính theo giá CFR Đông Nam Á, thép cuộn cùng loại được định giá giảm 9 USD/tấn so với cuối tuần trước, ở mức 534 USD/tấn do giá chào bán thấp hơn.

Trong khi đó, theo các tin tức chuyên ngành thép ngày 6/11, hai nhà máy Trung Quốc đã hạ giá 10 USD/tấn cho thép cuộn loại thương phẩm xuất khẩu, xuống còn 535 USD/tấn FOB Trung Quốc giao hàng tháng 12/2018 – tháng 1/2019.

Tính theo giá CFR Việt Nam, chào giá bán từ các thương nhân cho tấm rời loại tương tự là 535 USD/tấn CFR Việt Nam giao tháng 1. Chào giá bán cho tấm rời Q345B là 555 USD/tấn CFR Việt Nam cho hàng giao tháng 1.

"Giá tại thị trường Việt Nam giảm mạnh do giá xuất khẩu của Trung Quốc liên tục đi xuống", một nguồn tin thị trường tại Việt Nam cho biết.

Bản tin chuyên ngành của các doanh nghiệp thép thế giới dự báo giá HRC châu Á sẽ tiếp tục giảm. Theo đó, phần lớn các nhà máy Trung Quốc vẫn giữ giá chào bán trong phạm vi 540 - 545 USD/tấn FOB Trung Quốc, nhưng một vài nhà máy sẽ sẵn sàng bán với giá thấp hơn.

Tại Việt Nam, người bán đã hạ giá chào bán cho HRC/tấm rời SS400 xuống mức thấp 537 - 540 USD/tấn CFR Việt Nam để giao hàng vào tháng 1. Xu thế giảm giá HRC sẽ tạo ra sức ép với các doanh nghiệp tôn thép trong nước, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn.

Minh An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục