Chi phí đầu vào "bào mòn" lợi nhuận
Kinh doanh có lãi trong quý I/2018, nhưng sang quý II, Thép Việt Ý (VIS) bất ngờ lao dốc khi báo lỗ ròng gần 68 tỷ đồng và là con số lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Báo cáo tài chính mới công bố cho thấy, nguyên nhân gây lỗ cho VIS là do các chi phí tăng mạnh. Cụ thể, trong kỳ, VIS ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.374 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi chi phí giá vốn chỉ giảm 3%.
Đáng chú ý, chi phí giá vốn là 1.391 tỷ đồng còn cao hơn doanh thu nên hoạt động bán hàng của VIS lỗ gần 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 15,56 tỷ đồng. Chi phí bán hàng trong kỳ cao gấp đôi so với cùng kỳ là 5,3 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh lên 30 tỷ đồng (tăng 17 tỷ đồng).
Câu chuyện tương tự diễn ra tại CTCP Thép Nam Kim (NKG). Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của NKG cho thấy, doanh thu thuần đạt 4.291 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận từ bán hàng và cung cấp dịch vụ lại sụt giảm 9%, đạt 309 tỷ đồng.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng giám đốc NKG cho biết, do giá nguyên liệu đầu vào cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao nên lợi nhuận gộp của Công ty sụt giảm. Bên cạnh đó, do tỷ giá biến động nên chi phí tài chính cũng tăng, dẫn tới lợi nhuận sau thuế quý II/2018 giảm mạnh so với cùng kỳ, đạt gần 109 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 44%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, NKG đạt doanh thu thuần 7.877 tỷ đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 230 tỷ đồng, giảm 34%.
Tại CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), tình trạng doanh thu cao, nhưng lợi nhuận giảm cũng diễn ra. Theo Báo cáo tài chính quý II/2018, HSG ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.550 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm2017, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 429 tỷ đồng, giảm 50,1%. Lợi nhuận sau thuế của HSG sụt giảm là bởi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý II/2018 chỉ đạt 519 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 992 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Do hoạt động kinh doanh đi xuống nên thị giá cổ phiếu HSG cũng giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã mất khoảng 50% giá trị, hiện ở quanh mức 11.000 đồng/cổ phiếu.
Bản thân HSG cũng xác định, năm 2018 là một năm nhiều khó khăn. Ông Trần Ngọc Chu, Tổng giám đốc HSG cho biết, thị trường tôn thép năm 2018 đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do nguồn cung thép tăng cao. Do đó, HSG thận trọng với kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Thực tế, HSG đang gặp khó trong vấn đề xuất khẩu tại thị trường lớn là Mỹ (do bị áp thuế 25% lên sản phẩm tôn thép) và Indonesia (đưa ra rào cản hạn chế nhập khẩu thép).
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thép sụt giảm. Theo lãnh đạo VIS, so với cùng kỳ năm ngoái, giá thép phế liệu đầu vào tăng mạnh, một số loại nguyên liệu phục vụ sản xuất phôi thép giá còn tăng gấp đôi, khiến giá thành phẩm tăng vọt, trong khi tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 355-360 USD/tấn (tại ngày 6/7/2018). VSA nhận định, so với các thị trường khác, giá thép phế liệu khu vực Đông Á đang có chiều hướng tăng nhẹ. Bên cạnh đó, giá than mỡ luyện cốc tăng khoảng 7 USD/tấn, lên 185 USD/tấn.
Trong tháng 6/2018, sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm đều giảm. VSA cho biết, trong tháng 6, sản phẩm thép tiêu thụ đạt gần 1,8 triệu tấn, giảm 15% so với tháng 5; thép xuất khẩu đạt 381.505 tấn, giảm 1,5%.
Tìm đường thích ứng
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về triển vọng thị trường thép thời gian tới, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho rằng, tuy thị trường thời gian qua gặp không ít khó khăn, nhưng vẫn có nhiều triển vọng tăng trưởng. Việc doanh nghiệp kinh doanh tích cực hay không là vấn đề nội tại của mỗi doanh nghiệp.
“Tôi không nghĩ thị trường sẽ tiếp tục khó khăn, bởi thép xây dựng được tiêu thụ trong nước là chủ yếu, chỉ khoảng 5-7% phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, nhu cầu thép trong nước năm nay ước tăng trưởng 10-15% so với năm ngoái, nên sản lượng tiêu thụ sẽ tăng cao. Hiện tại, tính thời vụ, thời tiết không còn ảnh hưởng nhiều đến thị trường thép như những giai đoạn trước khi nhu cầu xây dựng lớn, đặc biệt là xây dựng công nghiệp, chung cư, cao ốc... đang chiếm tỷ trọng lớn hơn xây dựng dân dụng”, ông Dương nhìn nhận.
Về kết quả kinh doanh của HPG, ông Dương cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, HPG đạt tổng doanh thu 27.595 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.425 tỷ đồng, tăng tương ứng 30% và 27% so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả này, HPG đã hoàn thành 55% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong đó, riêng quý II/2018, HPG đạt doanh thu 14.430 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 34% và 43%.
Theo lãnh đạo HPG, duy trì sản lượng tiêu thụ ổn định ở mức cao là động lực tăng trưởng của HPG thời gian qua và thị trường nội địa vẫn là thị trường tiêu thụ chính theo hướng tăng dần sản lượng bán cho khu vực phía Nam.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) khuyến nghị, các doanh nghiệp cần thận trọng khi đưa ra kế hoạch thúc đẩy tiêu thụ bởi đà sụt giảm đang dần bộc lộ kể từ tháng 6/2018. Về tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, VSA cho rằng, sẽ ảnh hưởng đến ngành thép Việt Nam.
Để hạn chế những khó khăn có thể gặp phải trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch VSA khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động ở tất cả các khâu, từ nguyên vật liệu đến sản xuất, để đảm bảo mặt hàng chuẩn "made in Vietnam" khi xuất đi.
"Thép Việt Nam khi xuất sang Mỹ sẽ bị 'soi' rất kỹ, nên các doanh nghiệp tuyệt đối tránh để xảy ra tình trạng thép Trung Quốc 'đội lốt' thép Việt Nam", ông Sưa lưu ý.
Bên cạnh đó, theo ông Sưa, các doanh nghiệp cũng cần tìm những thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện nay, thép Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào thị trường ASEAN, với sản lượng hơn 1,34 triệu tấn, chiếm gần 57% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu.
Về phía doanh nghiệp, đại diện NKG cho biết, Công ty đang có kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng cao công suất các nhà máy để gia tăng quy mô. Cụ thể, NKG tiếp tục đầu tư dự án Nhà máy tôn Nam Kim Phú Mỹ đặt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 6.900 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư 2.200 tỷ đồng và triển khai ngay trong năm nay. Nhà máy ống thép Nam Kim tại Long An đã hoàn thành, công suất dự kiến là 180.000 tấn/năm.
Tại VIS, với việc thay đổi cơ cấu cổ đông và “thay máu” Ban lãnh đạo khi "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đều đến từ Kyoei Steel Ltd, cổ đông lớn hiện sở hữu 67,71% cổ phần của VIS, Công ty kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm. Năm 2018, VIS đặt mục tiêu đạt 7.093 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 16%; lợi nhuận trước thuế 90,4 tỷ đồng, tăng trưởng 64%.
Còn ông Trần Tuấn Dương rất tin tưởng trong trung hạn, thị trường thép tiếp tục ghi nhận sự tích cực khi kinh tế vĩ mô ổn định, GPD tăng trưởng, ngành xây dựng nói chung và xây dựng công nghiệp nói riêng tăng trưởng mạnh. Do đó, còn nhiều dư địa để doanh nghiệp thép tăng trưởng trong năm nay.