Doanh nghiệp tìm cách “bơi” trong khó khăn đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông chủ cửa hàng quần áo gia đình mới đây dọn thêm một góc để bán… hoa quả. Hỏi vì sao làm thế, ông bảo từ hôm đại dịch quay lại, hàng bán chẳng ai mua, phải làm thế để hy vọng kiếm lãi trả được tiền thuê nhà. 
Doanh nghiệp tìm cách “bơi” trong khó khăn đại dịch

Các cửa hàng nhỏ lẻ đã khó, các doanh nghiệp lớn còn khó khăn hơn trong việc tìm cách bơi trong đại dịch, trụ lại thương trường. 

Xoay chuyển trong khó khăn

Không chỉ ngành du lịch, hàng không, những doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến dịch vụ sân bay đang phải chịu tác động không nhỏ từ dịch bệnh Covid-19.

Tại CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc  tế Cam Ranh (CIAS), ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc CIAS chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách hàng hàng không sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí có thời điểm không có chuyến bay nào (tháng 4/2020).

Trong tháng 6 và phần lớn tháng 7/2020, lượng khách nội địa hồi phục và tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, cuối tháng 7 thì Covid-19 quay trở lại, CIAS cũng như các doanh nghiệp trong ngành hàng không, du lịch rơi trở lại tình trạng của các tháng đầu năm.

Lượng khách sụt giảm nhanh chóng, việc cung cấp dịch vụ, bán hàng vô cùng khó khăn, kéo theo những thách thức trong việc duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó là nguy cơ tiếp xúc người mang mầm bệnh Covid-19 đối với các cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc tại các nhà ga, sân bay rất cao, cũng là một nỗi lo lớn của CEO doanh nghiệp này.

Với những doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không như Vietnam Airlines hay VietJet, thiệt hại về hiệu quả kinh doanh là quá lớn. Sự hồi phục chỉ mới chớm từ giữa tháng 6/2020, đại dịch Covid-19 quay lại tiếp tục làm điêu đứng các doanh nghiệp.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành từng chia sẻ, sẽ phải mất tối thiểu 5 năm thì doanh nghiệp mới bù được các khoản lỗ phát sinh vì đại dịch.

Trong khi đó, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc VietJet cho biết, VietJet gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Công ty vẫn nỗ lực duy trì việc làm của gần 6.000 người lao động.

Các cán bộ cấp cao, cấp quản lý đều tự nguyện giảm thu nhập để chia sẻ với Công ty trong giai đoạn khó khăn này.

Với khối doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, dịch bệnh đã làm gián đoạn công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng, ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch hoạt động cũng như doanh thu, lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm.

Các đợt mở bán dự án, căn hộ ở Đà Nẵng và một số địa phương có dịch đều tạm thời phải dừng lại, ảnh hưởng đến nguồn thu của nhiều doanh nghiệp.

Khối doanh nghiệp bán lẻ những tưởng sẽ ít chịu tác động bởi Covid-19, nhưng không hẳn. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Trung Kiên, Tổng giám đốc CTCP Bán lẻ kỷ thuật số - FPT Retail (FRT) cho biết, ảnh hưởng lớn nhất đối với FRT là sức mua của thị trường sụt giảm mạnh, do thu nhập của người dân bị giảm hoặc sẽ giảm. Với các khu vực thực hiện giãn cách xã hội như Đà Nẵng, Quảng Nam…, các cửa hàng đều phải đóng cửa.

“Lúc này, chúng tôi tập trung rà soát, cải tiến các hoạt động như quản lý hàng tồn kho, công nợ, vận chuyển, nhân sự, thuê nhà… nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh”, ông Kiên nói.

Theo ông Kiên, FRT đã xây dựng các kế hoạch hoạt động kinh doanh để ứng phó với các mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ giãn cách xã hội ở một số khu vực cho đến việc giãn cách diễn ra trên toàn quốc.

Các phương án FRT đặt ra là triển khai làm việc tại nhà, đẩy mạnh bán hàng online, tổ chức việc bán hàng tại shop nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng…, cố gắng tối đa sự chủ động trong môi trường kinh doanh phức tạp và đảo lộn vì đại dịch.

Cần thêm những chính sách hỗ trợ vượt khó

Tổng giám đốc CIAS Phạm Quang Minh cho biết, Công ty cố gắng nhìn vào những mặt tích cực của vấn đề, dù rất nhỏ, để từ đó có những giải pháp phù hợp cho dài hạn.

“Chúng tôi có nhiều thời gian hơn tập trung cho việc tái cơ cấu, đổi mới về phương thức quản lý, điều hành, vận hành để nâng cao hiệu quả sử dụng nhân sự, vốn, tài sản…”, ông Minh nói.

Ông cũng chia sẻ, Công ty có nhiều thời gian hơn cho công tác sửa đổi các văn bản định chế, quản trị mà trong bối cảnh bình thường thì khó thực hiện vì dành ưu tiên cho các công tác vận hành, cung cấp dịch vụ.

CIAS cũng đã chuẩn bị cho mình những kịch bản để ứng phó, kịch bản khả quan nhất là thị trường hàng không, du lịch nội địa phục hồi và dự kiến sang quý IV sẽ bắt đầu có các chuyến bay quốc tế. Bên cạnh đó là các kịch bản xấu hơn.

Khó khăn, thách thức trong môi trường kinh doanh dịch bệnh chưa biết thời điểm nào kết thúc là rất lớn, nhưng điểm tích cực là các doanh nghiệp không còn bị bất ngờ và lạ lẫm trong công tác ứng phó khi dịch quay lại lần hai.

“Với kinh nghiệm, sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và người dân trong việc chống dịch, tôi cho rằng, chúng ta sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng, e ngại về một sự lây lan tương tự như cuối tháng 7/2020 sẽ khiến thị trường du lịch, hàng không tiếp tục gặp khó khăn và thực sự khó khởi sắc cho đến khi thế giới tìm ra thuốc chữa và phòng bệnh Covid-19”, ông Minh nói.

Về phía Chính phủ, ngay từ khi dịch bùng phát lần thứ nhất vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tài khóa, tiền tệ.

Hiện tại, những chính sách đã và đang được thực thi như miễn giảm thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ thu nhập đối với người lao động bị giảm thu nhập; hỗ trợ liên quan đến chính sách giảm lãi vay, gia hạn vay…

Tuy nhiên, do mức thiệt hại quá lớn nên cảm nhận của nhiều doanh nghiệp là những hỗ trợ này chưa “thấm”.

Trong khi đó, việc quan trọng và lớn nhất không chỉ đối với các doanh nghiệp, mà với toàn xã hội đó là cách nào để kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.

Chỉ khi chắc chắn về khả năng kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mới bớt chơi vơi, suy giảm và mong có chuyển động tích cực từ đây.

Trong ngắn hạn hiện nay, với tình cảnh các doanh nghiệp có nguồn thu rất ít hoặc không còn nguồn thu, gánh nặng về vấn đề tài chính, nhất là với doanh nghiệp vay nợ nhiều là vô cùng lớn.

Vì vậy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ mong muốn rằng, các chính sách của Chính phủ về ưu đãi tín dụng, miễn giảm, hoãn các loại thuế, phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động bị giãn việc, mất việc… cần lỏng tay hơn nữa, bởi nếu không, khi gặp khó khăn quá, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng tê liệt hoạt động.

Một số doanh nghiệp có phản ánh, dù nhận được chính sách hỗ trợ trong thời gian dịch bệnh nhưng mức độ ảnh hưởng hưởng của đại dịch lớn hơn rất nhiều, có những doanh nghiệp, ngành nghề chịu ảnh hưởng 1 - 2 năm, thậm chí nhiều năm mới có thể hồi lại được.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục