Doanh nghiệp thời công nghệ số: “Cá nhanh nuốt cá chậm”

(ĐTCK) Sự phát triển như vũ bão của công nghệ dẫn đến nhu cầu, hành vi của người dùng thay đổi, buộc các doanh nghiệp phải nắm bắt, thích nghi. Bây giờ không còn là thời kỳ “cá lớn nuốt cá bé”, mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Internet Novaon chia sẻ. 
Doanh nghiệp phải nhanh hơn, hiểu người dùng hơn, tạo ra các trải nghiệm mới đáp ứng mong muốn của người dùng Doanh nghiệp phải nhanh hơn, hiểu người dùng hơn, tạo ra các trải nghiệm mới đáp ứng mong muốn của người dùng

Ông có thể nêu một vài ví dụ cho thấy áp lực buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi?

Những năm vừa qua, công nghệ có sự phát triển đột biến, nếu so sánh về độ nén thì có thể bằng 30 năm trước cộng lại. Hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ đang được tích lũy và thay đổi rất nhanh, dẫn đến hành vi của người dùng thay đổi.

Trước đây, muốn biết một vấn đề gì đó thì phải học rất nhiều, nhưng ngày nay chỉ cần công cụ google là người dùng có thể biết được nhiều thứ. Các ứng dụng của công nghệ tạo ra sức mạnh cho người dùng, bởi vậy khách hàng yêu cầu cao hơn khi sử dụng các dịch vụ, sản phẩm.

Tôi lấy ví dụ điển hình về việc đi taxi, ngày xưa họ sẵn sàng chờ 5 - 10 phút, nhưng giờ họ chỉ cần chờ 1 phút, thậm chí ít hơn đã có một taxi Uber, Grab nhận vận chuyển. Hay đặt vé máy bay, thay vì đến đại lý, văn phòng bán vé, họ sẽ đặt vé trực tuyến tại nhà và có thể soi bảng giá so sánh giữa các hãng.

Doanh nghiệp thời công nghệ số: “Cá nhanh nuốt cá chậm” ảnh 1

 Ông Nguyễn Minh Quý

Nhờ công nghệ hiện đại, khách hàng có công cụ tìm hiểu, lựa chọn dịch vụ, nói cách khác là công nghệ tạo ra sức mạnh cho người dùng. Chính vì thế, doanh nghiệp không thay đổi sẽ “chết”. Nhưng trong thay đổi, doanh nghiệp phải có định hướng, nếu vô phương hướng sẽ loay hoay trước cuộc đua công nghệ.

Doanh nghiệp cần chú ý những gì khi thực hiện thay đổi nhằm duy trì và phát triển khách hàng?

Đầu tiên, phải xuất phát từ cái “lõi” của doanh nghiệp, đi từ lĩnh vực có thế mạnh, có năng lực cạnh tranh, bởi nếu doanh nghiệp càng kinh doanh dàn trải sẽ càng bị yếu thế, khó cạnh tranh. Từ cái lõi ấy, phải tư duy theo hướng ứng dụng công nghệ như thế nào, phải biến doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp thông minh, dù vẫn kinh doanh trên nền tảng là các thế mạnh cũ.

Doanh nghiệp phải nhanh hơn, hiểu người dùng hơn, tạo ra các trải nghiệm mới đáp ứng mong muốn của người dùng. Chẳng hạn, nếu khách hàng vào trang web của doanh nghiệp chủ yếu bằng mobile, thì doanh nghiệp cần có ứng dụng trên nền tảng mobile, hay đưa ra một số app ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu. Có doanh nghiệp bán nội thất cung cấp luôn phần mềm “soi” thử nội thất dự định mua đặt vào vị trí nhà của khách hàng có vừa không, đẹp không. Đưa ra trải nghiệm mới thú vị cho khách hàng, đem lại sự hài lòng cho khách hàng là một hướng đi đem đến thành công cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, doanh nghiệp cần phải có cải tiến trong quá trình đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đơn cử, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng khi ứng dụng công nghệ có thể sử dụng các big data, có dữ liệu về khách hàng để đưa ra các chương trình ưu đãi đến đúng nhu cầu của đối tượng.

Nguyễn Minh Quý là một doanh nhân trẻ điển hình trong nắm bắt, ứng dụng công nghệ vào phát triển doanh nghiệp. Hiện nay, Tập đoàn Internet Novaon đang là  đối tác cao cấp của Google tại Đông Nam Á, đối tác ưu tiên của Facebook và vừa trở thành đại lý ủy quyền của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam. Novaon dự kiến sẽ đạt doanh thu 100 triệu USD vào năm 2020.    

Ví dụ, từ dữ liệu, doanh nghiệp biết được có nhóm khách lâu nay không trở lại nhà hàng, có thể đưa ra chương trình khuyến mại mời nhóm khách đó trở lại; hay có khách thường xuyên đi ăn một mình, doanh nghiệp có thể đưa ra ưu đãi đặc biệt dành riêng khách này nếu họ đưa thêm bạn bè, đối tác đi cùng. Sử dụng công nghệ lưu trữ thông tin khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp có cách xử lý tạo ra các chương trình khác biệt, đồng thời có những quyết định kinh doanh đem lại hiệu quả cao.

Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng thương mại điện tử và phải tạo ra một hệ sinh thái riêng, có cách làm khác, lối đi khác. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi đồng ý là doanh nghiệp phải có cách làm khác, lối đi khác sẽ thành công và nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang làm được, nhưng điều này đòi hỏi họ phải nhận thức và dám làm, dám thay đổi. Còn ý kiến doanh nghiệp cần tạo ra cả một hệ sinh thái, tôi cho rằng, không nhất thiết phải như vậy. Sự liên kết của nền kinh tế ngày càng chặt chẽ, doanh nghiệp cần nhận biết mình đang ở đâu trong chuỗi giá trị ấy và đứng đúng tại vị trí đó.

Một doanh nghiệp chỉ cần làm ra một công cụ tốt là đã thành công. Ý tôi muốn nhấn mạnh là doanh nghiệp làm gì cũng được, nhưng nhất định phải thật xuất sắc trong việc làm đó. Ứng dụng công nghệ thông minh để đưa doanh nghiệp phát triển là điều doanh nghiệp không nên bỏ qua.

Nhìn cách ông Jack Ma làm có thể thấy, tại doanh nghiệp vận tải hàng hóa Cainiao rộng nhiều hec-ta của vị tỷ phú này chỉ có 10 nhân sự điều hành, còn lại là robot tự động sắp xếp, vận chuyển hàng hóa một cách chuyên nghiệp.

Phải chăng, thời đại của công nghệ số, doanh nghiệp nào đi nhanh hơn sẽ thắng cuộc?

Bây giờ là thời đại của “cá nhanh nuốt cá chậm”, không phải “cá lớn nuốt cá bé”. Lớn không chắc là mạnh, doanh nghiệp nào đi nhanh sẽ mạnh hơn. Nhanh ở đây không phải là lao ầm ầm không có định hướng, việc gì cũng làm, mà là khả năng nhận biết cơ hội, khả năng nắm bắt, thích ứng với cơ hội và chuyển đổi bản thân để trở thành doanh nghiệp thông minh hơn.

Tất cả những gì doanh nghiệp cần đưa ra quyết định thì đều dựa trên dữ liệu thông tin và thông tin đó kịp thời, đầy đủ, được báo cáo tập hợp trong một hệ thống, chứ không phải là doanh nghiệp được quyết định bởi cảm tính của một ông giám đốc, vài người quản lý.

Thế giới phẳng và công nghệ phát triển như vũ bão ngày nay khiến doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trở nên bình đẳng hơn?

Khoảng cách giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ sẽ gần nhau hơn. Bây giờ, một doanh nghiệp quy mô nhân sự chỉ 10 - 20 người có sáng tạo tốt sẽ tạo ra những đột phá mà doanh nghiệp hàng nghìn người không thể làm được. Nhiều doanh nghiệp làm ra hàng chục triệu, thậm chí hàng tỷ USD trong thời gian rất ngắn, 5 - 10 năm, dù xuất phát điểm ban đầu với nguồn lực cực kỳ khiêm tốn. Chỉ có thời đại công nghệ mới cho phép họ đi nhanh, thắng nhanh như vậy và biến điều không thể thành có thể.

Trong Top 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới về mặt giá trị thì hiện có 6 doanh nghiệp công nghệ, số lượng các doanh nghiệp năng lượng, dầu mỏ giảm dần. Đây không phải là điều ngẫu nhiên nữa, mà trở thành một xu hướng tất yếu. Trong 5 năm tới, danh sách này có thể sẽ phủ kín cả 10 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ. Công nghệ đang dẫn dắt đổi mới và đưa doanh nghiệp bứt phá trên con đường kinh doanh, doanh nghiệp tận dụng được công nghệ sẽ thành công.

“Công nghệ số giúp doanh nghiệp phát triển thần kỳ, không bị hạn chế khoảng cách”

Bà Jane Melville, Tổng giám đốc Công ty Deman

Chúng tôi là một doanh nghiệp nhỏ tại New Zealand, kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp dữ liệu (data), công nghệ số (digital marketing). Công nghệ số đã giúp chúng tôi làm những điều tưởng chừng không thể thành có thể.

Từ quy mô chỉ 26 nhân sự, chúng tôi đã tiếp cận được thị trường thế giới và trở thành đối tác của các doanh nghiệp lớn như Microsoft, Amazon, HSBC, CT… Nhiều doanh nghiệp lớn muốn tiếp cận khách hàng tại New Zealand đã tìm đến mua cơ sở dữ liệu của chúng tôi và hiện nay, chúng tôi đang cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại các thị trường nước ngoài như Singapore.

Thương mại điện tử giúp một doanh nghiệp mới đạt được nhiều kết quả nhờ sự can đảm, sáng tạo và không bị hạn chế bởi khoảng cách, thời gian, đồng thời tiết kiệm nhiều chi phí, nguồn lực. Trước đây, để tiếp cận các thị trường nước ngoài, doanh nghiệp thường phải trả tiền cho các tổ chức tư vấn nghiên cứu tại thị trường đó, thì nay công nghệ số giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thị trường một cách hiệu quả, xây dựng các trang web, triển khai các dịch vụ điện tử… Bên cạnh đó, với nền tảng công nghệ số, doanh nghiệp có thể đón nhận các thông tin về thuế, thủ tục thanh toán, quy định tài chính, pháp luật…

Trong tương lai, doanh nghiệp có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo, robot làm thay một số việc của con người tốt hơn. Doanh nghiệp sẽ phát triển thần kỳ nhờ công nghệ và chúng tôi định hướng sẽ ứng dụng công nghệ cao hơn nữa, tự động hóa các công việc bình thường.

“Nếu nắm bắt và thích nghi nhanh, doanh nghiệp sẽ lớn như vũ bão”

Giáo sư William Wang (Đài Loan, Trung Quốc)

Thương mại điện tử là một “mỏ vàng”, ở đó doanh nghiệp nếu biết khai thác ứng dụng công nghệ hiệu quả, nắm bắt, thích nghi nhanh với xu thế kinh doanh sẽ phát triển như vũ bão. Công nghệ số giúp doanh nghiệp xây dựng những mô hình kinh doanh mới, xây dựng mô hình logistic để hạ thấp các rào cản, thâm nhập các thị trường quốc tế dễ dàng hơn. Có mô hình gửi hàng trực tiếp và mô hình kho ngoại quan.

Hệ sinh thái thương mại điện tử, công nghệ số dựa trên sự tương tác năng động, lớn mạnh giữa các tổ chức, doanh nghiệp nên đòi hỏi doanh nghiệp phải tích cực, năng động, có những mô hình kinh doanh thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Làm được điều này, doanh nghiệp nắm chắc phần thắng trước những biến đổi không ngừng của nền kinh tế. 

Hải Yến thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục