Doanh nghiệp than phiền thủ tục tiếp cận vốn chưa thông thoáng
Chia sẻ tại hội nghị Hội nghị kết nối ngân hàng- doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) - nói việc tiếp cận vay vốn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khó, thủ tục rườm rà, thời gian xem xét vay dài. "Với khoản vay vốn ngắn hạn, thời gian xét 1-3 tháng, khoản vay trung dài hạn duyệt 3 tháng, thậm chí có khoản vay 6 tháng", ông Sơn nói.
Ông Sơn đề nghị các ngân hàng áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt, gắn KPI thời gian phê duyệt để đạt thời gian giải ngân là 1 tháng cho các khoản vay.
Tuy không đề nghị hạ chuẩn tín dụng, song ông Sơn đề nghị các ngân hàng điều chỉnh linh động trong đánh giá chỉ tiêu tài chính, xem xét lại việc thu lãi phạt trả nợ trước hạn với doanh nghiệp.
"Chúng tôi trả nợ trước hạn mà bị phạt trả lãi trước hạn 1-5%, tức nếu có nguồn thu từ dự án để trả nợ thì sẽ bị phạt. Tôi đề xuất miễn phí trả nợ trước hạn, hoặc nếu có chỉ 1%", ông Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội lại kiến nghị các nhà băng tạo điều kiện cho các DNNVV có thể tiếp cận vốn bằng cách đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, không phân biệt đối xử, giảm bớt tiêu chuẩn, tiêu chí để DNNVV tiếp cận vốn.
“Hãy đồng hành cùng doanh nghiệp để hiểu doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi, có các điều kiện sản xuất kinh doanh tốt thì hãy cho vay tín chấp, đừng quá đòi hỏi tài sản bảo đảm vì thực sự là giờ không có để mà cầm cố vay vốn”, bà Trịnh Thị Ngân, đại diện Hiệp hội DNNVV Hà Nội đề xuất.
Từ phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Tổng giám đốc Nagakawa cho biết là một doanh nghiệp tư nhân đa ngành, chi phí tài chính của công ty chiếm 3-4% chi phí hoạt động. Riêng vốn vay chiếm 65-70% chi phí tài chính. Do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, doanh nghiệp này rất lo lắng vào mỗi thời điểm cuối năm vì sợ ngân hàng giải ngân chậm trong lúc đợi cấp hạn mức tín dụng mới, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Cũng theo bà Thương, các ngân hàng đỏi hỏi tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay lớn khiến hạn mức tín dụng của doanh nghiệp bị thu hẹp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Hoa - Công ty TNHH Vật tư và Kết cấu thép – lại kỳ vọng ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất hoặc đưa ra các gói lãi suất ưu đãi cho các ngành sắt thép, thủy điện… Cũng theo ông Hoa, việc tái cấp hạn mức tín dụng thời gian qua luôn bị kéo dài thời gian, và thêm rắc rối về tài sản đảm bảo, bởi vậy, ông Hoa bày tỏ mong muốn phía ngân hàng sẽ linh động hơn trong thẩm định hồ sơ vì đã có quan hệ lâu dài và hiểu biết với nhau.
“Ngoài việc cấp tín dụng thường xuyên, cần phải có sự linh hoạt trong từng thời điểm cụ thể, hỗ trợ để DN có thể tiếp cận vốn trong từng dự án”, ông Hoa đề xuất.
Ngân hàng phân trần chuyện không hạ chuẩn, đau đầu vì thừa vốn
Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó TGĐ Vietcombank cam kết từ nay tới cuối năm, ngân hàng này sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Năm nay, Vietcombank sẽ giảm 1.850 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ các khoản vay hiện hữu.
Theo Vietcombank, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng này cao gấp 6 lần tăng trưởng tín dụng, do đó, Vietcombank đang phải chịu áp lực rất lớn trong giải ngân vốn. Tuy nhiên, không vì thế mà ngân hàng hạ chuẩn cho vay.
Ông Tùng cũng chia sẻ thực tế thời gian qua, có những DN đến vay vốn ngân hàng, bị ngân hàng từ chối do phương án kinh doanh không tốt, tài chính không minh bạch, đã quay lại cảm ơn ngân hàng vì đã “không cho vay vốn, vì nếu cho vay, rủi ro cao không chỉ cho ngân hàng, mà còn cho chính DN”.
“Hiện ngân hàng đang thừa tiền, cũng đang đau đầu vì tìm mọi cách đảy vốn ra nền kinh tế, thế nhưng phòng ngừa rủi ro vẫn là mục tiêu hàng đầu khi cho vay vốn. Vì vậy, ngay chính bản thân DN, cũng cần phải có những giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo uy tín và lòng tin đối với ngân hàng, để 2 bên cùng nhau hỗ trợ và phát triển”, ông Tùng nói.
Theo lãnh đạo Vietcombank, việc không thể hạ chuẩn tín dụng vì nợ xấu sẽ phát sinh, khiến chi phí vốn ngân hàng của ngân hàng có thể tăng lên.
"Chi phí vốn của Vietcombank thấp là do tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp. Nếu không duy trì được chuẩn mực cấp tín dụng, sẽ tăng chi phí vốn và ảnh hưởng đến quyền lợi của những khách hàng tốt trong tương lai", ông Tùng nói.
Về phí trả nợ trước hạn, ông Tùng cho biết ngân hàng linh hoạt, mong khách hàng thấu hiểu do ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng. Về việc giải ngân vốn cho doanh nghiệp chậm, ông Tùng nói ngân hàng sẽ rà soát để có những thay đổi phù hợp.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng với địa bàn quan trọng về cả chính trị và kinh tế như Hà Nội, việc tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp để phát triển, cung cấp nguồn tài chính cho phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó đóng góp vào phát triển chung của Hà Nội là rất quan trọng. Với doanh nghiệp, giảm lãi suất là quan trọng, nhưng đôi khi, là thái độ của ứng xử, cách thức phục vụ, thủ tục hành chính cần rút gọn, đơn giản hóa để hỗ trợ cũng quan trọng không kém.
Trước các ý kiến của doanh nghiệp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN sẽ tổng hợp các ý kiến để tìm các giải pháp tháo gỡ. Những ý kiến của doanh nghiệp không chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng, mà liên quan tới các bộ ngành khác, cũng như về cơ chế hành chính, thủ tục pháp lý… thì NHNN sẽ tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ, đồng thời tham mưu đễ tháo gỡ. Còn với những ý kiến trực tiếp phản ánh tới ngành ngân hàng, NHNN sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về phần mình, doanh nghiệp cũng cần phải minh bạch tài chính, minh bạch dòng tiền để các ngân hàng thương mại có cơ sở cho vay vốn. Đối với đề xuất về chuẩn tín dụng, NHNN sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại cân đối các thủ tục, rút gọn bớt để hỗ trợ doanh nghiệp, song phải đảm bảo không để xảy ra rủi ro…