Tại hội nghị “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức chiều ngày 21/9 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nagakawa tự giới thiệu là doanh nghiệp tư nhân được thành lập 21 năm hoạt động đa ngành niêm yết trên sàn HNX. Doanh thu 2.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 10 -15%.
Bà Huyền Thương cho hay, khi làm việc với các ngân hàng gặp rất nhiều thuận lợi, các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn khó khăn, ngân hàng vẫn duy trì và không cắt giảm nguồn vốn của doanh nghiệp. Tất cả ngân hàng có quan hệ với Nagakawa đều cắt giảm lãi suất theo đúng chỉ đạo của NHNN. Doanh nghiệp và ngân hàng thường xuyên làm việc để tháo gỡ vướng mắc.
“Tuy nhiên, trong thời gian vừa rồi chúng tôi gặp một số vướng mắc khó khăn mà chi nhánh ngân hàng không giải quyết được mà cần các cấp cao hơn”, bà Huyền Thương nói.
Trong đó là câu chuyện lãi suất giảm nhưng chưa đáp ứng được với nhu cầu doanh nghiệp. Một số ngân hàng hợp tác với Nagakawa, trong đó có Vietcombank đã nhiều lần giảm lãi suất theo các chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay theo từng thời kỳ.
“Tuy nhiên, các ngân hàng cần xem xét giảm thêm lãi suất và phí dịch vụ liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn này”, bà Huyền Thương nói.
Cũng theo bà Huyền Thương, khi lãi suất cao thì doanh nghiệp không tối ưu được chi phí trong bối cảnh thị trường có mức độ cạnh tranh cao. Dẫn đến các chỉ số tài chính của doanh nghiệp suy giảm trong khi ngân hàng vẫn duy trì việc đánh giá xếp hạng doanh nghiệp theo cách thông thường, làm cho doanh nghiệp giảm khả năng tiếp cận vốn giá rẻ hơn.
“Rất mong ngân hàng điều chỉnh tiêu chí đánh giá và điều kiện ưu đãi lãi suất trong bối cảnh khó khăn này”, bà Huyền Thương nói.
Trả lời câu hỏi của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng về việc lãi suất chiếm bao nhiêu phần trăm so với tổng chi phí và đòn bẩy tài chính của Công ty là vay vốn là bao nhiêu, bà Huyền Thương cho biết, chi phí vận hành thường rơi vào 20%, trong đó có chi phí giao nhận, chi phí tài chính và các chi phí duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
"Riêng chi phí tài chính chiếm khoảng 3-4%, là chi phí rất cao so với một doanh nghiệp như chúng tôi, đặc biệt khi đòn bẩy tài chính của chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi hoạt động dựa trên nguồn vốn từ ngân hàng rất là lớn, vì vậy khi lãi suất cao như vậy ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp”, bà Huyền cho biết.
“Doanh nghiệp có chủ động gì trong việc theo dõi đòn bẩy tài chính của mình trong bối cảnh lãi suất thay đổi? Nếu doanh nghiệp cứ đầu tư trong khi thế giới lạm phát đang rất cao, cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát lạm phát, doanh nghiệp có chủ động gì không?", bà Hồng đặt câu hỏi tiếp.
Trả lời vấn đề này, bà Huyền Thương chia sẻ: “Trong cơ cấu chi phí tài chính của chúng tôi có chi phí trả cho các ngân hàng, các định chế tài chính, cho các nhà phân phối, cho các hệ thống sàn thương mại điện tử, siêu thị. Trong 3-4% chi phí tài chính thì chi phí lãi vay chiếm khoảng 68 - 70%. Doanh nghiệp sẽ căn cứ vào tình hình nguồn vốn đã có và sẽ có để sắp xếp kế hoạch kinh doanh”.