Doanh nghiệp tăng tốc nối lại sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi các tỉnh thành công bố nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp tăng tốc nối lại sản xuất để đảm bảo các đơn hàng, phục hồi chuỗi sản xuất sau những tháng bị đình trệ bởi dịch Covid-19.
Doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố đang tăng tốc nối lại sản xuất. Doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố đang tăng tốc nối lại sản xuất.

Thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), sau khi các tỉnh, thành phố công bố nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp tăng tốc nối lại sản xuất, tăng kết nối và hỗ trợ đón lao động từ quê về nhà máy nhằm đảm bảo hoàn thành các đơn hàng, phục hồi chuỗi sản xuất sau những tháng bị đình trệ bởi dịch Covid-19.

Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, tại tỉnh Bình Dương, đến 14/10, hầu hết doanh nghiệp quan tâm thủ tục để trở lại sản xuất - kinh doanh; quy trình xét nghiệm trong quá trình sản xuất; hoạt động theo mô hình “3 xanh”.

Đến nay, các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp tại Bình Dương đã hoạt động lại 100%, tuy nhiên công suất còn kém xa so với thời điểm trước dịch.

Tại tỉnh Bến Tre cho biết, hoạt động của các doanh nghiệp tương đối ổn định; các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cơ bản đã được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Tính đến ngày 14/10/2021, toàn tỉnh có 2.258 doanh nghiệp đang hoạt động với 67.015 lao động (tỷ lệ 55%/tổng số doanh nghiệp hoạt động; tăng 1.593 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 239% so với khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg). Trong đó có 08 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với 863 lao động; 2.250 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới với 66.152 lao động.

Tại Đồng Nai, hiện 82% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, trong đó các công ty lớn như Changshin, Pouchen, Taekwang Vina, Pousung… đều tăng lượt lao động trở lại nhà máy tham gia sản xuất, số lao động trở lại các nhà máy theo đó cũng gia tăng từng ngày, là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, đến nay đã có 1.402/1.713 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đi vào hoạt động trở lại (chiếm tỷ lệ 82%). Tốc độ các doanh nghiệp phục hồi rất nhanh, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Trong khi đó, kể từ khi TP.HCM mở cửa trở lại, đến nay khoảng hơn 34.000 công nhân, lao động ở các tỉnh quay trở lại các nhà máy làm việc, nhưng ở bình diện chung, các doanh nghiệp đều thiếu lao động.

Sau gần 3 tháng nghỉ phòng dịch, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam với quy mô 56.000 người vẫn đang thiếu nhiều lao động. Để thu hút lao động, doanh nghiệp đã kết nối, tăng hỗ trợ, như về tận quê để đón người lao động. Nhờ đó, số lượng công nhân đã tăng theo từng ngày. Dự kiến theo lộ trình, mỗi tuần công ty sẽ có thêm 10.000 lao động trở lại làm việc.

Riêng tại Hà Nội, sau khi thành phố Hà Nội nới lỏng, các doanh nghiệp cũng đang tăng tốc sản xuất để đảm bảo các đơn hàng mới, phục hồi sản xuất. Ở 9 Khu công nghiệp tại Hà Nội, lượng doanh nghiệp hoạt động lại bình thường đã đạt trên 95%. 661 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo Covid-19 tại doanh nghiệp với 3.600 tổ Covid-19 an toàn.

Thống kê cho thấy, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong 8 tháng qua, Hà Nội ghi nhận hơn 13.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.687, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch, tính từ tháng 7 đến 15/9. Trong số 1,3 triệu lao động nêu trên, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Lao động rời thành phố lớn, trung tâm công nghiệp về các vùng quê diễn ra liên tục từ tháng 7 đến nay. Tuy nhiên, số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách.

TS. Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động lưu ý, để hút lao động sớm trở lại nhà máy, các doanh nghiệp cần liên hệ thường xuyên với người lao động để nắm tình hình và hỗ trợ ngay khi cần thiết; Phối hợp với chính quyền các địa phương của người lao động di cư thu xếp phương tiện, chi phí xét nghiệm, ưu tiên tiêm vaccine để họ trở về nhà máy càng sớm càng tốt.

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC), có tới 89% người lao động di cư mong muốn trở lại làm việc tại các nhà máy hiện tại.

Đây là tín hiệu lạc quan về nguồn lao động cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố phía Nam khi việc lưu thông giữa các tỉnh, thành đã dần thuận lợi nhờ nới lỏng biện pháp chống dịch

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục