Thấm đòn dịch bệnh
Từ giữa tháng 9/2021, việc nới lỏng giãn cách đã thúc đẩy sự phục hồi của các doanh nghiệp chế biến thủy sản, song kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9 chỉ đạt trên 628 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm 36%, các loại cá biển khác giảm 65%, tôm giảm 21% so với cùng kỳ.
Ngoại trừ xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng trưởng nhẹ ở mức 3%, đạt 159 triệu USD, xuất khẩu sang các thị trường khác tiếp tục sụt giảm. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu có mức giảm mạnh nhất, với gần 50%; các thị trường Nhật Bản, Canada, Anh, Australia giảm từ 35 - 45%; EU, Nga giảm trên 15% và Hàn Quốc giảm 5%.
Lý giải nguyên nhân sụt giảm của xuất khẩu tháng 9, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, từ giữa tháng 7/2021, TP.HCM, 18 tỉnh phía Nam và các tỉnh Nam Trung Bộ (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận…) là khu vực trọng tâm của ngành thủy sản Việt Nam (chiếm 90 - 95% kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn quốc) phải thực hiện giãn cách xã hội theo các mức độ khác nhau.
“Trong 2 tháng qua, chỉ có 30% số nhà máy duy trì sản xuất cầm chừng, 70% số nhà máy không đủ điều kiện phải tạm ngừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy, thậm chí ngừng hoàn toàn”, ông Hòe cho hay.
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC), trong tháng 8/2021, sản lượng và giá trị xuất khẩu của MPC giảm lần lượt 30% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn hàng về khá đều đặn, nhưng do áp dụng sản xuất “3 tại chỗ” khiến các nhà máy của Minh Phú tại Cà Mau, Hậu Giang chỉ đạt 25% công suất nên xuất khẩu giảm sâu.
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), trong nửa đầu tháng 8, Công ty thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, nửa tháng sau được nới lỏng nhưng hoạt động chưa trở lại bình thường. Kết quả, sản xuất tôm tháng 8 đạt 1.618 tấn, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị tiêu thụ đạt 11,1 triệu USD, giảm 56%.
Với Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC), tổng doanh thu tháng 8 đạt 705 tỷ đồng, giảm 8% so với tháng 7 chủ yếu do mảng cá tra giảm 14%. Tháng 9, doanh thu xuất khẩu của VHC đạt 658 tỷ đồng, giảm 7% so với tháng 8.
Xuất khẩu cuối năm còn nhiều điểm nghẽn
Cuối năm là mùa cao điểm xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản, do nhu cầu tiêu thụ của các thị trường xuất khẩu tăng vọt trong dịp lễ, Tết.
Tuy nhiên, VASEP dự báo, với tình hình hiện tại, xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 giảm ít nhất 25% so với cùng kỳ, ước đạt 692,2 triệu USD. Trong 2 tháng cuối năm 2021, dù các doanh nghiệp nỗ lực thích ứng, khả năng xuất khẩu cũng chỉ tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Ông Hòe cho biết, đến đầu tháng 9, chỉ có 30 - 40% doanh nghiệp đánh giá đủ khả năng phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, 60-70% số doanh nghiệp còn lại cho rằng rất khó hoặc cần thêm thời gian để bắt nhịp trở lại.
Câu chuyện khôi phục sản xuất của doanh nghiệp chế biến thủy sản đang gặp nhiều lực cản, như dòng tiền cạn kiệt, giá cả đầu vào leo thang và thiếu nhân lực trầm trọng.
Theo ước tính của VASEP, có khoảng 300.000 lao động trực tiếp trong ngành chế biến thủy sản đã mất việc làm trong giai đoạn vừa qua, nhiều người trong số họ đã về quê, nên việc khôi phục sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, từ khi dịch bệnh bùng phát, nguyên liệu bị ùn ứ, giá giảm, người dân không tiếp tục thả nuôi, khiến diện tích nuôi trồng giảm, tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguyên liệu ngay sau khi các doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
“Nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng (tôm, cá tra…) sẽ thiếu từ 20 - 30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10 - 20% trong những tháng cuối năm”, ông Hòe nhận định.
Hệ lụy của việc chậm khôi phục sản xuất của ngành chế biến thủy sản là Việt Nam có thể mất đi thị phần từ những thị trường xuất khẩu lớn.
Ông Lê Văn Quang chia sẻ, nhiều khách hàng đã yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đơn hàng đã ký để họ kịp tung ra thị trường dịp Noel. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể đáp ứng được do thiếu lao động, chưa kể đơn hàng nợ còn rất nhiều. Nếu không giao được đơn hàng, đối tác sẽ mua của các nước khác, dẫn tới việc mất khách hàng và phải cần tới 3 - 5 năm mới có thể khôi phục được thị trường.