Doanh nghiệp sơn “rối” vì hàng giả hoành hành

(ĐTCK) Tình trạng sơn giả, sơn kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường không chỉ “móc túi” người tiêu dùng mà còn khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất điêu đứng.
Thị trường sơn đang vàng thau lẫn lộn Thị trường sơn đang vàng thau lẫn lộn

Muôn vàn cách “bắt chước”

Là một nhà thầu có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng, anh Nguyễn Công Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển xây dựng Tấn Tài cho biết, thị trường sơn hiện nay rất phức tạp, nếu không tinh ý và không phải lấy hàng từ mối quen thì chính thợ thi công cũng rất dễ lấy phải hàng kém chất lượng.

Theo anh Tấn, phương thức để “chế” được một thùng sơn rất đa dạng. Ví dụ như “thùng thật sơn giả” là một tình trạng khá phổ biến trong lĩnh vực kinh doanh sơn hiện nay. Rất nhiều hãng sơn như Jotun; Galaxy; Dulux; Everest; Mykolor… đều chống hàng giả bằng cách làm ra những chiếc thùng sơn đặc biệt giúp khác hàng phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật. Nắm bắt được yếu tố này, những người buôn bán không có uy tín sẽ mua lại những thùng sơn của các đơn vị xây dựng rồi chiết loại sơn “rẻ tiền” vào.

Cũng với thủ thuật “thùng thật sơn giả”, nhiều chủ cửa hàng có thể mua hóa chất ở các chợ chuyên bán hóa chất về để tự pha chế thành sơn, sau đó đóng vào thùng rồi bán cho người tiêu dùng.

Một “chiêu” nữa đang được sử dụng rộng dãi hiện nay để “móc túi” người tiêu dùng là người bán sẽ mua sơn thật chất lượng cao, sau đó rút bớt khoảng 10 – 15% khối lượng bên trong sang 1 thùng mới. Như vậy, từ 7 - 9 thùng ban đầu đã có ngay 1 thùng sơn nữa.

“Sản xuất sơn giả dạng này thì không cần có kỹ thuật hay kiến thức, lại nhanh chóng, dễ dàng làm hàng loạt. Cách làm sơn giả này rất an toàn, hầu như không bị cơ quan chức năng bắt, vì mỗi lần chỉ khui vài thùng, việc này diễn ra rất nhanh và dù bắt quả tang cũng không thể khép họ vào tội khui thùng sơn được”, nhà thầu này cho biết thêm.

Doanh nghiệp sản xuất lao đao

Trước việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất sơn đã tự bảo vệ mình bằng cách đăng tải những chi tiết để nhận biết hàng chính hãng lên trang web của mình.

Đơn cử, phương pháp kiểm tra sản phẩm chính hãng mà hãng sơn Dulux và Maxilite của AkzoNobel đưa ra là cào lớp phủ bạc trên tem để lấy mã an ninh rồi soạn tin nhắn xác thực gửi về tổng đài.

Còn đối với hãng sơn Jotun thì chỉ đưa được ra cách nhận diện và phân biệt hàng thật, hàng nhái cho người tiêu dùng là dựa vào chiếc vỏ bằng kim loại, không giống như các hãng sơn khác. Trong khi đó,  vỏ thùng sơn chống thấm của Jotun, sơn Jotun Jotaplast mịn nội thất và sơn lót chống kiềm trên thị trường hiện được làm bằng nhựa.

Đối với doanh nghiệp trong nước, nhãn hiệu Kova đã khẳng định được thương hiệu với những sản phẩm của mình. Tuy nhiên, với sản phẩm sơn chống thấm ngoài trời Kova CT-11A hiện nay trên thị trường đã xuất hiện hàng giả. Để giúp người tiêu dùng phân biệt được rõ ràng, công ty này đã đưa ra một số đặc điểm như: màu sắc hàng thật là trắng xanh, hàng giả là trắng đục; màu in trên sản phẩm thật luôn sắc nét, đậm và in chuyển nhiệt, còn trên hàng giả là dùng công nghệ in khung lụa nên không sắc nét…

“Do CT-11A KOVA rất được ưa chuộng và có độ phủ sóng rộng rãi trên cả nước nên có một số nơi đã làm nhái hoặc làm giả sản phẩm này của KOVA. Trong thời gian qua, cơ quan công an đã vào cuộc và xử lý các vụ việc làm giả sản phẩm KOVA”, đại diện hãng sơn này nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất sơn trong nước cho rằng, hàng nhái, hàng giả quả thật đang làm điên đầu các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bởi để có được một sản phẩm đưa ra thị trường, doanh nghiệp phải đầu tư từ khâu nghiên cứu thị trường, thực hiện các thủ tục pháp lý, thiết kế, sản xuất, tiếp thị, tổ chức hệ thống bán hàng, phân phối… Làm cật lực và tốn kém rất nhiều mới xây dựng được một thương hiệu sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Nhưng khi hàng bán chạy thì rất dễ bị kẻ gian làm hàng giả.

Trong khi đó, biết là sản phẩm bị làm giả nhưng doanh nghiệp không dám lớn tiếng, chỉ âm thầm trình báo với quản lý thị trường. Đơn giản vì để người tiêu dùng biết thông tin hàng bị làm giả, họ tẩy chay sản phẩm đó ngay vì sợ mua trúng đồ giả. Nếu lộ tin, doanh nghiệp có thuyết phục gãy lưỡi người tiêu dùng cũng lắc đầu vì chẳng biết tin ai.

Do đó, có thể thấy, doanh nghiệp nỗ lực để tự cứu mình là đương nhiên, nhưng vai trò của cơ quan chức năng, cụ thể là quản lý thị trường, công an kinh tế vô cùng quan trọng. Khi có tin báo từ doanh nghiệp bị làm hàng giả, các cơ quan này cần vào cuộc triệt phá kịp thời và xử lý theo pháp luật các cơ sở làm hàng giả thì doanh nghiệp chân chính mới có thể đứng vững và phát triển.         

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục