Doanh nghiệp rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Sau thành công năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu hơn 7,1 tỷ USD, ngành rau quả Việt Nam đẩy mạnh đầu tư cho chế biến sâu và đặt mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm nay.
Doanh nghiệp rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD

Bước nhảy vọt về xuất khẩu

Năm 2024, ngành hàng rau quả đạt được nhiều thành công lớn về sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường và xuất khẩu.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu rau quả năm qua ghi nhận mức cao kỷ lục, đạt 7,12 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2023.

Đây là thành quả cho nỗ lực không ngừng của nông dân và doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.

So với con số 1,84 tỷ USD của năm 2015, ngành hàng rau quả đã có bước phát triển “nhảy vọt” trong một thập kỷ qua.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit) nhấn mạnh, với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu rau quả lớn trong khu vực.

Năm 2024, nhu cầu tiêu thụ rau quả toàn cầu tăng, bất chấp những ảnh hưởng từ lạm phát cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài. Việt Nam, với nguồn cung rau quả ổn định, chất lượng ngày càng được cải thiện và việc tận dụng tốt cơ hội các FTA mang lại, đã khai thác thành công nhiều thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản...

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), 10 tháng năm 2024, nước này nhập khẩu rau, hoa, củ, quả và sản phẩm chế biến đạt trên 46,67 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhập khẩu rau, hoa, củ, quả và sản phẩm chế biến từ Việt Nam đạt 479 triệu USD.

EU là thị trường tiêu thụ lớn và ổn định đối với hầu hết các loại trái cây và rau củ tươi. Năm 2024, thị trường này nhập khẩu rau, hoa, củ, quả và sản phẩm chế biến từ Việt Nam đạt 214 triệu USD, tăng 3,5% so với năm 2023.

Tăng nhập mạnh nhất từ Việt Nam là thị trường Trung Quốc, với kim ngạch trên 4,2 tỷ USD.

Sầu riêng tiếp tục khẳng định vị thế là “vua” của ngành trái cây xuất khẩu, với 3,2 tỷ USD.

Mục tiêu xuất khẩu vượt 8 tỷ USD

Năm 2025, xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục duy trì kỷ lục mới, với tốc độ tăng trưởng dự kiến trên 10% so với năm 2024.

Kế hoạch đặt ra cho ngành hàng rau quả năm 2025 dựa trên nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng trên thế giới. Bên cạnh đó, nhiều loại trái cây của Việt Nam đã khẳng định được vị thế tại các thị trường xuất khẩu, đồng thời một số chủng loại trái cây chủ lực dự kiến được cấp phép xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Chẳng hạn, mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi sẽ rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc, chanh dây đang đàm phán những bước cuối cùng để sang Mỹ…

Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả cũng đang đối diện với nhiều khó khăn khi các quốc gia tăng cường kiểm tra hàng hoá nhập khẩu.

Bộ Công thương khuyến cáo, chất lượng hàng rau quả chưa ổn định, sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn có một số lô hàng bị cảnh báo còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...; mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa bền vững; năng lực tuân thủ các yêu cầu thị trường nước ngoài của một số doanh nghiệp chưa cao, còn vi phạm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và những quy định khác.

Mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam đã có thông báo gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam liên quan việc sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU. Theo đó, với sầu riêng của Việt Nam, EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%.

Trong khi đó, việc các thị trường nhập khẩu rau quả Việt ngày càng dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật, buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group cho hay, không có thị trường nào là dễ tính, nên các nhà cung ứng phải thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ đối tác, chuyển hướng phát triển sản xuất xanh, sản xuất bền vững, liên kết chặt chẽ giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp để tổ chức sản xuất đạt chuẩn ở từng mắt xích trong chuỗi cung ứng.

Về dài hạn, ngành rau quả cần tăng đầu tư chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu. Đầu tư chế biến sâu giúp nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam, nhưng đây cũng là khâu yếu của ngành nông nghiệp. Vì thiếu vắng nhà máy chế biến tầm cỡ giúp giải quyết đầu ra cho nông sản, nên trong vụ thu hoạch, không ít sản phẩm không tiêu thụ kịp, nông dân phải đổ bỏ như thanh long, dưa hấu, cà rốt…

Mỗi năm, Việt Nam sản xuất hơn 30 triệu tấn rau, quả, nhưng chỉ hơn 20% trong số này được chế biến. Tín hiệu đáng mừng là 3 năm trở lại đây, rau quả qua chế biến xuất khẩu đã vượt 1 tỷ USD. Rau quả chế biến không chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản, mà còn tăng giá trị hàng hóa gấp 3-4 lần so với sản phẩm tươi.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục