Hoãn, hủy tăng vốn do thị trường không thuận lợi
Còn nhớ, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (mã IDJ) đã rất tự tin với kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.470 tỷ đồng lên 3.669 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự kiến phát hành hơn 19 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, gần 7,4 triệu cổ phiếu theo hình thức ESOP, chào bán gần 173,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 20 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tại thời điểm đó, giá cổ phiếu IDJ dao động từ 17.000-20.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán liên tục giảm mạnh khiến giá cổ phiếu IDJ giảm theo, xuống dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu), nên cuối năm 2022, IDJ quyết định hủy kế hoạch phát hành.
Hiện tại, IDJ muốn khởi động lại kế hoạch phát hành tăng vốn để phục vụ cho các dự án đang triển khai như Apec Mandala Grand Phú Yên, Diamond Park Lạng Sơn - giai đoạn 2, Cụm công nghiệp Nam Hồng - Hồng Phong, đồng thời hợp tác đầu tư tại các dự án Phương Thảo, Thiên Đường Hồng, Cúc Phương…
Theo lãnh đạo IDJ, kế hoạch tăng vốn vẫn phải dựa trên nhiều yếu tố như biến động của thị trường chứng khoán, giá phát hành… bởi ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cổ đông nên Công ty sẽ xem xét thời điểm phù hợp. Hiện giá cổ phiếu IDJ đang giao dịch quanh mức 8.000 đồng/cổ phiếu, giảm 70% so với giai đoạn đầu năm 2022, nếu không sớm vượt qua mệnh giá thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện tăng vốn.
Với Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, mã DIG), doanh nghiệp này liên tục phải điều chỉnh số lượng cổ phiếu và mức giá phát hành để phù hợp với thực tế thị trường nhưng vẫn không tăng được vốn.
Theo kế hoạch ban đầu, DIG dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu với mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi giá cổ phiếu giảm theo chiều hướng chung của thị trường, DIG quyết định nâng số lượng chào bán lên 150 triệu cổ phiếu với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu, trước khi điều chỉnh giảm cả mức giá chào bán về 15.000 đồng/cổ phiếu lẫn lượng cổ phiếu phát hành xuống 100 triệu cổ phiếu nhằm huy động 1.500 tỷ đồng để phục vụ dự án Khu đô thị du lịch Long Tân tại 2 xã Long Tân và Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Không chỉ 2 doanh nghiệp trên, một loạt doanh nghiệp khác cũng ra thông báo hủy kế hoạch tăng vốn, cho dù đã được thông qua và đưa vào nghị quyết đại hội cổ đông từ năm 2022. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán biến động theo chiều hướng bất lợi, khiến nhiều cổ phiếu giảm về dưới mệnh giá, trong khi giá phát hành đã thông qua lại cao hơn mức giá này.
Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chia sẻ, ở thời điểm lên kế hoạch phát hành, giá cổ phiếu giao dịch ở mức xấp xỉ 30.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó giảm một mạch về vùng giá 6.000-7.000 đồng/cổ phiếu khiến doanh nghiệp phải hủy kế hoạch này.
Hiện tại, thị giá cổ phiếu vẫn ở quanh mức này nên việc phát hành bằng mệnh giá là không thể. Do vậy, doanh nghiệp đang cân nhắc trình đại hội cổ đông phương án phát hành dưới mệnh giá cho phù hợp với thực tế.
“Công ty đang rất khát vốn, bởi tín dụng ngân hàng khó tiếp cận, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng không dễ dàng như trước đây, trong khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu không phải lúc nào cũng thuận lợi vì phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường chứng khoán. Thực sự rất khó để huy động vốn ở giai đoạn hiện nay”, vị chủ tịch này than thở.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã ASM) đã lên phương án phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị phát hành hơn 2.019 tỷ đồng. Hiện tại, thị giá cổ phiếu ASM đã giảm về mức xấp xỉ 9.000 đồng/cổ phiếu buộc Ban lãnh đạo Công ty phải cân nhắc lại thời điểm cũng như mức giá phát hành.
“Chúng tôi đang nghiêng về phương án chờ thị trường chứng khoán phục hồi cho thị giá cổ phiếu tăng lên và giữ nguyên phương án phát hành như kế hoạch ban đầu”, một lãnh đạo cấp cao của ASM cho hay.
Khởi động lại kế hoạch tăng vốn
Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc DIG chia sẻ, Công ty vẫn giữ nguyên kế hoạch phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu, cho dù giá cổ phiếu DIG đang giao dịch quanh mức 14.700 đồng/cổ phiếu (kết thúc phiên 22/2, cập nhật phiên cuối tuần), tức giảm gần 80% so với vùng đỉnh (tháng 1/2022).
Hiện nay, pháp luật đã “mở” hơn khi cho phép phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, quan trọng là các doanh nghiệp có phương án phát hành và kế hoạch sử dụng vốn được cổ đông thông qua.
Không chỉ giá cổ phiếu giảm, mà kết quả kinh doanh năm 2022 của DIG cũng kém tích cực khi ghi nhận doanh thu đạt 1.909 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 197 tỷ đồng, mới hoàn thành 38% kế hoạch doanh thu và 10% mục tiêu lợi nhuận đề ra tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4/2022.
“Bên cạnh nguồn vốn, một thách thức lớn khác đối với DIG cũng như các doanh nghiệp bất động sản thời điểm này là vướng mắc pháp lý dự án chậm được tháo gỡ. Để thực hiện một dự án, chỉ riêng việc hoàn tất các hồ sơ, thủ tục đã mất rất nhiều thời gian, điều này làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp”, ông Tăng nói.
Còn ông Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (mã C4G) cho biết, trong quý III/2022, Công ty tạm dừng đăng ký chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn do thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi. Hiện tại, kế hoạch tăng vốn được khởi động lại và C4G đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép phát hành hơn 112 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, giá chào bán dự kiến bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, C4G sẽ nâng vốn điều lệ từ 2.247 tỷ đồng lên 3.371 tỷ đồng.
“Việc tăng vốn trong giai đoạn này là rất cần thiết. Nguồn tiền thu được sau phát hành sẽ được C4G dành một phần thanh toán các chi phí, các khoản công nợ phải trả cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ, đồng thời bổ sung thêm vào nguồn vốn lưu động”, ông Huỳnh thông tin thêm.
Ngày 10/3 tới, Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam - Viconship (mã VSC) sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành hơn 121 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Nếu phát hành thành công, VSC sẽ tăng vốn điều lệ lên hơn 2.250 tỷ đồng, gấp đôi hiện tại. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền huy động tối đa hơn 1.210 tỷ đồng. VSC cho biết, sẽ dùng 1.200 tỷ đồng để đầu tư chi phối một doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển có trụ sở tại TP. Hải Phòng thông qua hoạt động chuyển nhượng cổ phần; số tiền còn lại dùng để bổ sung vốn lưu động.
Những doanh nghiệp đang tạm dừng kế hoạch tăng vốn như Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng - Ladophar (mã LDP) hay Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) cũng cho biết, sẽ khởi động lại kế hoạch này và trình cổ đông thông qua tại kỳ đại hội cổ đông năm nay. Để có thể thực hiện được, nhiều doanh nghiệp tính đến việc hạ mức giá phát hành, giảm lượng cổ phiếu chào bán, đồng thời đưa ra các mục đích sử dụng vốn hợp lý, thiết thực hơn để thuyết phục cổ đông.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, ở góc độ quản lý, Ủy ban sẵn sàng cấp phép cho doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn khi hoàn thiện đầy đủ hồ sơ và công bố thông tin minh bạch, đúng pháp luật. Hiện nay, pháp luật đã “mở” hơn khi cho phép phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, quan trọng là các doanh nghiệp có phương án phát hành và kế hoạch sử dụng vốn được cổ đông thông qua.