Bể “game” tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau đợt giảm giá mạnh của thị trường chứng khoán vừa qua, hàng loạt công ty niêm yết đã thay đổi kế hoạch tăng vốn.
Kế hoạch tăng vốn của nhiều doanh nghiệp niêm yết bị thay đổi, do diễn biến bất lợi của TTCK Kế hoạch tăng vốn của nhiều doanh nghiệp niêm yết bị thay đổi, do diễn biến bất lợi của TTCK

Mới đây, CTCP Tập đoàn Sao Mai (mã ASM) thông báo hủy phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới), với lý do kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và thị trường không thuận lợi.

Ban đầu, Sao Mai dự kiến phát hành 168,26 triệu cổ phiếu, với giá 12.000 đồng/cổ phiếu để huy động 2.019,16 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến dùng 1.615,8 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; 253,4 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Phát triển du lịch An Giang; 80,47 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Du lịch An Giang và 69,4 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Du lịch Đồng Tháp.

CTCP Louis Capital (mã TGG) cũng hủy kế hoạch chào bán tổng cộng 54,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ với giá 12.500 đồng/cổ phiếu. Trước đó, đại hội cổ đông thường niên 2022 của Công ty đã thông qua kế hoạch chào bán gần 27,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1:1) cho cổ đông hiện hữu với giá 12.500 đồng/cổ phiếu; và chào bán 27,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 12.500 đồng/cổ phiếu.

CTCP Tập đoàn Tư vấn đầu tư và xây dựng Kiên Giang (mã CKG) cũng thông qua chủ trương tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Được biết, cuối tháng 8/2022, công ty này đã thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 13,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 201 tỷ đồng. Mục đích huy động vốn là thanh toán nợ vay đến hạn, các khoản nợ phải trả cho đơn vị thi công, tiền mua vật liệu, tiền lương, tiền công cán bộ, nhân viên.

Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, mã DIG) trình cổ đông kế hoạch chào bán tối đa 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.500 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền được Công ty đầu tư vào dự án Khu đô thị du lịch Long Tân. Như vậy, sau hơn 5 tháng kể từ đại hội cổ đông thường niên năm 2022 (diễn ra hồi cuối tháng 5), DIC Corp đã “hạ giá” chào bán cổ phiếu còn một nửa (từ 30.000 đồng/cổ phiếu xuống 15.000 đồng/cổ phiếu) .

CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) cũng thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 58 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 580 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra đầu năm, TDH thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 120 triệu cổ phiếu riêng lẻ trong năm nay, với giá 12.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.440 tỷ đồng. Như vậy, so với mức dự kiến đầu năm, Công ty hạ giá chào bán 20%, lượng cổ phiếu chào bán cũng giảm hơn một nửa, từ 120 triệu xuống còn 58 triệu đơn vị. Mục đích sử dụng vốn cũng được thay đổi, từ sử dụng để hợp tác, đầu tư phát triển Dự án Khu dân cư Đông Trung tại xã Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương do CTCP Bất động sản Đông Trung làm chủ đầu tư sang hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư Nhã Đạt phát triển kinh doanh dự án Khu dân cư Nhã Đạt tại ấp Long Thạnh, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An…

Việc các doanh nghiệp đồng loạt huỷ hoặc thay đổi kế hoạch phát hành thêm xuất phát từ e ngại kế hoạch khó thành công thành công trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực, hàng loạt cổ phiếu giảm từ 50 - 70% giá trị từ đỉnh, khiến mức giá chào bán không còn hấp dẫn. Chẳng hạn, thị giá cổ phiếu ASM tại ngày 29/9 chỉ còn 14.300 đồng/cổ phiếu, về gần mức dự kiến chào bán; DIG về 30.000 đồng/cổ phiếu, đúng bằng mức giá chào bán ban đầu. Thậm chí, thị giá cổ phiếu TDH rơi về 5.250 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức giá chào bán cũng thời điểm cuối tháng 3/2022.

Không phát hành thêm cổ phiếu trong bối cảnh khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, kênh trái phiếu doanh nghiệp gần như “đóng băng” sau vụ Tân Hoàng Minh, nhiều dự án đầu tư mới của các doanh nghiệp chắc chắn bị ảnh hưởng.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục