Doanh nghiệp niêm yết triển khai kế hoạch kinh doanh ngay sau kỳ nghỉ Tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty đại chúng đang hối hả bắt tay vào triển khai kế hoạch sản xuất – kinh doanh 2021.
Doanh nghiệp niêm yết triển khai kế hoạch kinh doanh ngay sau kỳ nghỉ Tết

Tăng tốc từ đầu năm

Năm 2021 được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) xác định tiếp tục là một năm có nhiều thách thức. Lý do là mảng khai thác mủ cao su, lĩnh vực kinh doanh đóng góp tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn vẫn gặp khó, do giá mủ cao su vẫn ở mức thấp. Khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su vẫn chịu áp lực cạnh tranh gay gắt.

Trong khi đó, mảng kinh doanh khu công nghiệp - mảng hoạt động mới của Tập đoàn chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Lãnh đạo GVR cho biết, Tập đoàn phấn đấu khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có, xây dựng kế hoạch có tăng trưởng so với năm 2020 và tập trung hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2021 qua công tác quản lý giá thành đối với sản phẩm cao su, phát huy tối đa hiệu quả những ngành nghề, sản phẩm có lợi thế, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu Tập đoàn.

Năm nay, GVR đặt mục tiêu doanh thu đạt 27.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,2% và 15% so với mức thực hiện trong năm 2020. Riêng công ty mẹ, mục tiêu doanh thu đạt 4.610 tỷ đồng, tăng 2,5% so với thực hiện được của năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 2.700 tỷ đồng.

GVR cho biết, kế hoạch năm 2021 được xây dựng trên cơ sở tiềm năng của các đơn vị thành viên và phù hợp với đặc thù sản xuất nông nghiệp. Nếu các vướng mắc về cơ chế chuyển đổi đất đai, thoái vốn sớm được khơi thông thì hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn sẽ cao hơn nhiều, vì có thể khai thác hết các thế mạnh vốn có của Tập đoàn.

GVR đề ra 9 nhóm giải pháp để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2021, trong đó đáng chú ý là các giải pháp: quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất đai; thực hiện xen canh, luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát huy tối đa hiệu quả của sản phẩm găng tay y tế trong điều kiện tiêu thụ thuận lợi; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở thêm thị trường mới, tăng cường tỷ lệ bán cho các đơn vị trực tiếp sản xuất, tăng cường công tác thu mua để tăng doanh thu cũng như thực hiện vai trò dẫn dắt, điều tiết thị trường…

Tập đoàn Sơn Hà cũng đã bắt tay ngay vào triển khai kế hoạch kinh doanh năm nay, tập trung phát triển các sản phẩm ngành nước, năng lượng, bất động sản và gia dụng. Ngay từ giữa tháng 1/2021, Sơn Hà đã khánh thành hai dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất 1.757 KWp tại Quảng Nam.

Dự án do Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE) – công ty thành viên của Sơn Hà làm chủ đầu tư. Dự kiến mỗi năm, hai dự án này sẽ phát lên lưới điện quốc gia gần 2,5 triệu KWh điện. Tại hai dự án này, SHE sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái FreeSolar do chính Tập đoàn Sơn Hà nghiên cứu, phát triển.

Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, Giám đốc SHE cho biết, Công ty sẽ tiếp tục theo đuổi định hướng phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững.

Tận dụng cơ hội mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp, Tập đoàn Sơn Hà đã quyết định mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, hoàn thiện hệ sinh thái đa ngành bằng việc đầu tư dây chuyền lắp ráp xe điện EVgo tại Bắc Ninh.

Tận dụng cơ hội mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp, Tập đoàn Sơn Hà đã quyết định đầu tư dây chuyền lắp ráp xe điện EVgo tại Bắc Ninh.

Mục tiêu của Công ty là trong vòng 5 - 10 năm tới, nhà máy lắp ráp xe điện này sẽ trở thành 1 trong 3 nhà sản xuất, lắp ráp cung cấp xe điện lớn nhất Việt Nam, chiếm 10 - 20% thị phần xe hai bánh trong nước (khoảng 300.000 - 600.000 xe/năm).

Vượt qua rào cản

Hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết đã và đang giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm động lực tăng trưởng.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp. Câu chuyện thiếu container rỗng đang là một mối lo lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu vì hàng hóa sẽ bị tồn đọng, không xuất được, đồng thời chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Tình trạng này dự báo sẽ kéo dài đến hết tháng 3/2021.

Có doanh nghiệp chia sẻ, chi phí cho mỗi container xuất đi đã tăng 700%, nhưng nhiều đơn đặt hàng cũng không thể giao "vì bị hãng tàu huỷ".

Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TNG, đơn hàng của TNG đã nhận đến tháng 6 năm nay, các nhà máy đã vận hành sản xuất sản phẩm cho đơn hàng tháng 2 và tháng 3. Công ty không lo thiếu đơn hàng nhưng lại gặp khó khăn trong việc xuất hàng đi vì thiếu container.

Năm 2021 cũng là một năm khó lường với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (MPC). Theo ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc MPC, năm 2021 vẫn là một ẩn số. MPC chuẩn bị sẵn các kịch bản để linh hoạt trong kế hoạch kinh doanh.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp ngành bán lẻ như Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT).

Năm 2020, FPT Retail ghi nhận doanh số lũy kế đạt 14.667 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do dịch Covid-19 làm sức mua thị trường ICT giảm mạnh.

Bên cạnh đó, FPT Retail cũng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu (số lượng cửa hàng Long Châu mở mới đạt 130 cửa hàng) và tiến hành thử nghiệm chuỗi phân phối mỹ phẩm Fbeauty làm chi phí đầu tư gia tăng, lợi nhuận trước thuế giảm so với cùng kỳ, đạt 28 tỷ đồng.

Năm nay, FPR Retail đặt kế hoạch là năm đầu tiên hệ thống nhà thuốc Long Châu có lãi, với số lượng cửa hàng đạt 420 và doanh thu đạt 4.300 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2020. Trước đó, lãnh đạo Công ty đã xác định chấp nhận bù lỗ trong thời gian đầu tham gia thị trường nhưng sẽ chính thức bùng nổ từ năm 2021.

Xác định 2021 tiếp tục là năm đầy thách thức và biến động, các doanh nghiệp tận dụng từng cơ hội ngay từ đầu năm để có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Không đợi dịch bệnh đi qua mới xúc tiến đầu tư

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC).
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC).

Tính đến hết năm 2019, KBC đã tạo lập quỹ đất khu công nghiệp lên đến 5.278 ha, chiếm gần 5,5% diện tích đất khu công nghiệp trên cả nước và 938,6 ha đất khu đô thị. Dự kiến, KBC sẽ phát triển thêm quỹ đất lớn hàng nghìn héc-ta trong năm 2021.

Cho đến nay, tổng vốn đầu tư FDI thu hút vào các khu công nghiệp của KBC đạt hàng chục tỷ USD, trong đó có nhiều dự án đầu tư quy mô hàng tỷ USD của nhiều tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn như LG Electronics, LG Display, LG Innotek, Canon, Foxconn, JA Solar, Goertek, Hanwha…

Ngay khi có làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia khác bắt đầu từ khi chiến tranh thương mại diễn ra, đặc biệt là sau khi dịch bệnh Covid-19 cho thấy thế giới đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nhận thấy đây là cơ hội cho Việt Nam, KBC đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn đất sạch có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt tại Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh quy mô 300 ha (Bắc Ninh), Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3 quy mô 678 ha (Hải Phòng) và một số khu công nghiệp mới ở các tỉnh, thành phố mới với quy mô mỗi dự án vài trăm ha để sẵn sàng đón đầu xu hướng chuyển dịch này.

Các địa phương nơi KBC phát triển các khu công nghiệp đều có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, thủ tục hành chính gọn nhẹ và cũng tạo các điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp FDI trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn tạo động lực cho phát triển kinh tế; tích cực triển khai đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành chuỗi cung ứng.

KBC luôn chủ động làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư tại các khu công nghiệp của chúng tôi có nhu cầu mở rộng cũng như các nhà đầu tư đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam từ trước để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới lại tiến hành thủ tục đầu tư.

Khi làm việc với các nhà đầu tư ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng về đất, hạ tầng cơ sở, chúng tôi còn đưa ra các ưu đãi về chi phí, hỗ trợ tối đa trong các thủ tục xin cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư để đem đến môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư.

Xuất xưởng lô hàng 2.348,3 tấn ngay ngày đầu tiên đi làm

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC).
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC).

Sáng 17/2/2021, ngày đầu tiên cả nước đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết, PVCFC đã xuất xưởng 2.348,3 tấn sản phẩm phục vụ bà con.

Đây là con số ấn tượng, kỳ vọng một năm sản xuất - kinh doanh hiệu quả.

Công tác bốc hàng, chuyên chở đã được chúng tôi chuẩn bị từ sớm.

Năm 2021, PVCFC xác định tiếp tục chú trọng thị trường trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên bên cạnh mở rộng hơn nữa ở miền Bắc và tăng cường xuất khẩu sang các nước châu Á như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ... và nhiều thị trường quốc tế khác.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ