Chứng khoán hưởng lợi từ triển vọng sáng kinh tế 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhờ khả năng kiềm chế dịch bệnh tốt và khu vực xuất khẩu khả quan, kinh tế Việt Nam đã duy trì được đà tăng trưởng trong năm 2020, mở ra triển vọng tích cực cho năm 2021.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

Nền tảng vững chắc...

Kết quả được Tổng cục Thống kê công bố những ngày cuối năm 2020 khá ấn tượng khi Việt Nam bật lên trên các nền kinh tế khác, đạt được mức tăng trưởng GDP 2,91% so với năm 2019. Chỉ số này giúp Việt Nam giữ vững vị trí hàng đầu trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong năm 2020.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI tăng 3,23%, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,06%, tích lũy tài sản tăng 4,12% so với năm 2019. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa xác lập kỷ lục mới với 543,9 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Cán cân thương mại qua các năm (Đơn vị: tỷ USD).

Cán cân thương mại qua các năm (Đơn vị: tỷ USD).

Đáng chú ý, mặc dù tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 28,5 tỷ USD, bằng 75% so với năm 2019 do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh và mở rộng dự án.

Lạm phát của việt nam qua các năm.

Lạm phát của việt nam qua các năm.

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam với con số thống kê chính thức từ Bộ lên tới gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, góp vốn mua cổ phần, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam.

Trong số này, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh nhà đầu tư toàn thế giới phòng thủ, co cụm trước đại dịch, khách hàng của nhiều công ty khu công nghiệp niêm yết thông báo tạm hoãn kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong năm 2020 do hạn chế đi lại. Kết quả trên được đánh giá tích cực so với các nền kinh tế khác.

Câu chuyện về tăng trưởng đầu tư công mạnh mẽ (tăng hơn 40%) cũng là điểm sáng trong năm 2020, hỗ trợ cho nhiều địa phương và doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ tác động tích cực đến sự vận động của thị trường chứng khoán. Năm 2019, GDP danh nghĩa tăng 9,4% với cung tiền M2 tăng 14,8%. Năm 2020, GDP danh nghĩa thấp hơn nhiều song tăng trưởng M2 đạt gần 14%. Điều này cho thấy nguồn cung tiền trên thị trường vẫn dồi dào, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, cũng như dòng tiền chảy mạnh trên thị trường chứng khoán.

Tăng trưởng GDP của các quốc gia Đông Nam Á.

Tăng trưởng GDP của các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại TP.HCM và Đà Nẵng chia sẻ, hơn 2.000 thành viên của Hiệp hội đều quan tâm tới Việt Nam, không chỉ vì những thành quả độc nhất vô nhị của Việt Nam vượt qua đại dịch, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức ổn định trong trạng thái bình thường, mà còn bởi triển vọng từ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.

Theo lập luận của vị doanh nhân này, sự tăng nhanh tỷ lệ tầng lớp trung lưu từ 13% dân số năm 2014 tới xấp xỉ 33% năm 2020 cùng với chất lượng lao động đang được nâng cao trong nhiều ngành kinh tế mũi nhọn khiến Mekong Capital và các thành viên của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam phải có cái nhìn đầy đủ hơn về Việt Nam với những mối quan tâm mang tính trọng tâm.

“Đây chính là những lý do đầy thuyết phục giải thích cho câu hỏi “tại sao không chọn Việt Nam” cần đưa ra cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội trong một giai đoạn hết sức đặc biệt như hiện nay”, ông Chad Ovel nói.

... Cho năm bản lề 2021

Năm 2021, tâm điểm chú ý của giới đầu tư đang dồn về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra vào tháng 1 với nhiều định hướng mới cho đất nước và nền kinh tế. 2021 cũng là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5%/năm.

Kế hoạch 5 năm sẽ có 2 giai đoạn: 2021 - 2022 (giai đoạn phục hồi) và 2023 - 2025 (giai đoạn tăng tốc). Do vậy, đối với năm 2021, những thông điệp được đưa ra tại các cuộc họp gần đây cho thấy Chính phủ vẫn tiếp tục việc nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện chính sách tài khóa mở rộng.

Tại cuộc họp triển khai Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 tăng thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm so với chỉ tiêu Quốc hội giao, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.

Từ thông điệp này cũng như các động thái chính sách gần đây, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng tiếp tục chính sách nới lỏng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới đều thực hiện chiến lược tương tự và USD có thể tiếp tục giảm giá.

Dù vậy, VND có thể tăng giá với các chuyển biến tích cực của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong khi lãi suất có thể thoát đáy vào giữa năm 2021 do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và kinh tế phục hồi.

Năm 2020, tăng trưởng tín dụng đạt 11,5%, bởi vậy năm 2021, tín dụng có thể tăng 13 - 14%, trở về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Thậm chí, với những động thái chính sách gần đây siết chặt hơn kênh trái phiếu, đồng thời áp dụng các điều kiện chặt chẽ về huy động vốn qua thị trường chứng khoán, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ vượt kỳ vọng của các thành viên thị trường.

Cũng không thể không nhắc đến những thay đổi về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư khi rất nhiều luật mới có hiệu lực từ năm 2021, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP), Luật Bảo vệ môi trường…

Khảo sát các doanh nghiệp VNR 500 của Vietnam Report mới đây cho thấy, có 58,1% doanh nghiệp lớn cho biết có kế hoạch mở rộng đầu tư đối với lĩnh vực kinh doanh chủ lực trong năm 2021 và những năm tới; 51,2% doanh nghiệp lên kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh sang lĩnh vực mới trong giai đoạn 2021 - 2022; 52,2% doanh nghiệp tiến hành tìm kiếm thị trường mới; 30,2% doanh nghiệp thực hiện các dự án liên doanh/liên kết và 11,6% doanh nghiệp sẽ thực hiện các dự án mua bán - sáp nhập.

Chứng khoán tác động tích cực

Dưới tác động của các chính sách vĩ mô được dự phóng như trên, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 liệu có tiếp tục duy trì mức tăng trưởng lạc quan, kéo sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài?

Trên thực tế, VN-Index liên tục tăng trưởng vượt trội hơn so với chỉ số MSCI Frontier Market trong 5 năm qua. Tính từ đầu năm, VN-Index tiếp tục tăng mạnh so với chỉ số các thị trường cận biên của MSCI.

Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của dòng tiền, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình tăng nhiều hơn 12% so với VN30 trong năm 2020, sau 3 năm liên tiếp kém hiệu quả hơn nhóm VN30.

Câu chuyện được quan tâm lớn nhất trong năm 2021 là những thông tin xoay quanh việc nâng hạng thị trường.

Trong đợt đánh giá mới nhất, MSCI đã công bố tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Market 100 sẽ tăng từ 12,5% lên 28,76% vào tháng 11/2021 sau 5 giai đoạn. Hiện tại, Việt Nam có tỷ trọng 14,2% trong rổ chỉ số này. Đây có thể là yếu tố tích cực thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2021.

Đây cũng được kỳ vọng là lực kéo mới cho VN-Index sau một năm bán ròng của khối ngoại khiến cho tỷ trọng của nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh chỉ còn chưa đầy 10% trên thị trường chứng khoán Việt Nam (từ mức gần 20% trong 5 năm qua).

Nếu bước đi bằng cả 2 chân, khối nội và khối ngoại, rất có thể thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục có những diễn biến bất ngờ.

Hiếu Minh – Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục