Lo giảm biên lợi nhuận
Quý IV/2020, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) đạt doanh thu hợp nhất 1.166 tỷ đồng, tăng hơn 14%; lợi nhuận sau thuế 109,5 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2019 và ghi nhận quý có lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2017.
Hoạt động xuất khẩu tích cực trong quý cuối năm 2020 đến từ nhu cầu tiêu thụ lốp phục hồi tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ, Brazil, Malaysia cũng như từ thị trường nội địa là cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh của DRC trong năm 2021 tiếp tục khả quan, nhất là khi nhà máy radial giai đoạn 1 đã được khấu hao hết vào tháng 8/2020 và hầu hết các khoản nợ dài hạn đã được thanh toán vào cuối năm 2020, giúp Công ty giảm mạnh chi phí.
Tuy vậy, giá cao su tăng cao gần đây có thể khiến bức tranh kinh doanh của DRC trở nên kém sáng.
Ngày 11/3/2021, giá hợp đồng cao su tự nhiên kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo đạt 272,9 JPY/Kg, cao hơn 2,1 lần so với mức giá cuối tháng 6/2020 và ở vùng giá cao nhất kể từ năm 2018.
Xu hướng tăng của giá cao su tự nhiên được dự báo sẽ chưa sớm hạ nhiệt khi Công ty Nghiên cứu Cao su Quốc tế cho biết, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2020 giảm gần 6% do thời tiết bất thường, bệnh rụng lá ở cây cao su và dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nước khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, nhu cầu cao su tự nhiên năm 2021 nhiều khả năng sẽ tăng trưởng trở lại nhờ hoạt động sản xuất trên toàn cầu hồi phục sau những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và tiêm phòng vắc-xin. Ngoài ra, thị trường cao su được hỗ trợ khi giá dầu tăng nhanh và giá USD giảm.
Cao su tự nhiên, cao su tổng hợp (sản xuất từ dầu mỏ), than đen là những nguyên vật liệu quan trọng trong hoạt động sản xuất săm lốp, chiếm gần 60% chi phí nguyên vật liệu đầu vào, trong đó cao su tự nhiên chiếm đến 35%.
Việc giá các nguyên vật liệu này tăng mạnh đang khiến nhiều nhà đầu tư e ngại về việc biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng, tương tự như giai đoạn 2016 - 2017.
Báo cáo mới đây về DRC của Công ty Chứng khoán TP.HCM nhận định, giá cao su tăng 50% trong tháng 10 và 11/2020 không ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp trong quý IV/2020 do doanh nghiệp đã tích lũy hàng tồn kho với chi phí thấp trong quý III/2020, nhưng dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp quý I/2021 sẽ bị ảnh hưởng.
Lo ngại biên lợi nhuận giảm do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng đối với DRC hay Cao su Miền Nam (CSM), Cao su Sao Vàng (SRC) cũng đang là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp khác.
Sáng 8/3/2021, giá dầu Brent Biển Bắc vượt mốc 70 USD/thùng - cao nhất kể từ tháng 10/2018, sau khi có tin tức về các cơ sở sản xuất dầu của Ả rập Xê út bị tấn công. Trước đó, giá dầu duy trì xu hướng tăng từ tháng 11/2020, hiện đạt mức tăng gần 90%.
Hiệu quả hoạt động của một số doanh nghiệp niêm yết dự kiến bị tác động bởi giá xăng dầu, cao su tăng là HVN, VJC, DRC, CSM, SRC, DPM…
Giá dầu tăng cao kéo theo xu hướng tăng giá của khí gas tự nhiên, dầu đốt… Giá một loại nhiên liệu khác là than đá cũng tăng mạnh. Giá hợp đồng tương lai than Newcastle trên Sàn giao dịch liên lục địa đầu tháng 3/2021 đạt 80 USD/tấn, tăng 60% so với đầu tháng 9/2020.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực của FAO theo dõi những thay đổi giá quốc tế hàng tháng đối với rổ ngũ cốc, hạt có dầu, sản phẩm sữa, thịt và đường, đạt trung bình 116 điểm vào tháng 2/2021, cao hơn so với mức 113,2 điểm của tháng 1, tương ứng với mức tăng 1,2%, ghi nhận tháng tăng thứ 9 liên tiếp, chạm mức cao nhất kể từ tháng 7/2014.
Trong rổ danh mục của FAO, giá đường tăng 6,4% trong tháng 2 trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung niên vụ 2020/2021 sẽ giảm ở các nước sản xuất chính và nhu cầu mạnh mẽ từ châu Á. Chỉ số giá dầu thực vật tăng 6,2% lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2012, với giá dầu cọ tăng tháng thứ 9 liên tiếp, do lo ngại về tồn kho thấp ở các quốc gia xuất khẩu lớn. Giá sữa tăng 1,7%, chỉ số giá thịt tăng 0,6%...
Tại thị trường trong nước, sau đợt điều chỉnh giá cuối tháng 2/2021 của liên Bộ Tài chính - Công thương, giá bán lẻ nhiều loại mặt hàng xăng dầu hiện ở mức cao nhất trong 1 năm trở lại đây.
Với các doanh nghiệp vận tải như Vietnam Airlines (HVN) hay VietJet (VJC), giá dầu tăng dẫn đến giá nhiên liệu bay tăng sẽ khiến tình hình kinh doanh khó khăn hơn, bởi chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 40% chi phí hoạt động, trong khi dịch bệnh khiến lưu lượng khách giảm nên khó có thể chuyển áp lực tăng chi phí đầu vào sang giá vé.
Trong lĩnh vực nhiệt điện, Công ty cổ phần Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) cũng đang phải đối mặt với thách thức kép khi nhu cầu tiêu thụ điện giảm, ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ, còn giá khí đầu vào tăng trở lại. Chưa có số liệu về tình hình hoạt động trong 2 tháng đầu năm nay, nhưng theo số liệu đến tháng 12/2020, giá khí đầu vào bình quân của NT2 là 6,192 USD/triệu BTU, ghi nhận tháng tăng thứ 3 liên tiếp, với mức tăng gần 11% so với tháng 9/2020.
Đối với các doanh nghiệp phân bón như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau…, nguyên liệu khí đầu vào chiếm khoảng 60% chi phí sản xuất urê, nên giá khí đầu vào tăng là một trong những rủi ro lớn nhất trong bối cảnh tiêu thụ đầu ra chịu ảnh hưởng bởi thời tiết tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp, sức ép cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Mặc dù vậy, giá phân urê bán lẻ có diễn biến tăng, có thể giúp doanh nghiệp sản xuất chuyển áp lực chi phí do giá nguyên liệu tăng sang giá bán, hoặc hưởng lợi từ lượng hàng tồn kho giá vốn thấp (nếu có).
Tại ngành nhựa, giá dầu thế giới tăng cao khiến các doanh nghiệp như Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP)... chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi nguyên liệu đầu vào là hạt nhựa được sản xuất từ những chế phẩm của dầu mỏ, khí thiên nhiên và biến động cùng chiều với giá dầu.
Kỳ vọng hưởng lợi
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đầu tháng 3/2021 có giá chào bán từ 518 - 522 USD/tấn, tiếp tục xu hướng tăng. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính bình quân, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng 15,4% so với tháng 1/2020.
Nằm trong xu hướng tăng của giá gạo thế giới, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) cho biết, hai đơn hàng xuất khẩu đầu năm 2021 của doanh nghiệp đã được giao ở mức giá rất cao, 450 tấn gạo Jasmine 85 xuất sang thị trường Singapore có giá 680 USD/tấn và 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài được giao cho khách hàng ở Malaysia với giá 750 USD/tấn.
Sau năm 2020 đạt kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu tăng 47,7%, lợi nhuận sau thuế tăng 46,5% so với năm 2019 nhờ nhu cầu và giá tăng, việc giá gạo được dự báo ở mức cao trong năm 2021 kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng.
Trong ngành mía đường, các doanh nghiệp như Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), Mía đường Sơn La (SLS) công bố doanh thu, lợi nhuận tăng trong nửa đầu niên độ tài chính 2020/2021, biên lợi nhuận cải thiện khi giá đường thế giới phục hồi, kéo giá trong nước tăng theo.
Cụ thể, đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE gần đây giao dịch quanh mức 16,2 US cent/lb, cao nhất kể từ giữa năm 2017. Xu hướng tăng của giá đường đã kéo dài từ đầu tháng 5/2020 đến nay, với mức tăng 75% (cuối tháng 2/2021, có lúc giá mặt hàng này vượt 18 US cent/lb).
Các doanh nghiệp mía đường năm nay còn được kỳ vọng hưởng lợi sau khi đầu tháng 2/2021, Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Sau khi bị áp thuế, giá đường từ Thái Lan tương đương hoặc cao hơn giá đường Việt Nam, giúp giảm áp lực cạnh tranh khi sản lượng đường thô nhập khẩu giảm, còn giá đường nội địa có thể tăng.
Trong lĩnh vực cao su, trái với lo ngại của nhóm ngành săm lốp, các doanh nghiệp chuyên sản xuất mủ cao su tự nhiên như Cao su Phước Hòa (PHR), Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Tây Ninh (TRC)… kỳ vọng hưởng lợi từ việc giá mủ tăng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 1/2021 là mức 1.611 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 12/2020.