Năng lượng: Dầu lần đầu giảm trong 3 tuần, khí tự nhiên lần đầu tăng 3 tuần liên tục
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 15/1, giá dầu giảm mạnh do thông tin số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn được coi là động lực thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu toàn cầu, trong khi các quốc gia khác "đóng băng" hoạt động kinh tế vì đại dịch.
Cụ thể, dầu thô Brent giảm 1,32 USD (-2,3%) xuống 55,1 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,21 USD (-2,3%), xuống 52,36 USD/thùng. Tính chung cả tuần, dầu Brent giảm 1,56%, dầu thô Mỹ giảm 0,38% - tuần giảm giá đầu tiên trong vòng 3 tuần của 2 loại dầu này, mặc dù đầu tuần đạt mức cao nhất trong gần 1 năm.
Trong khi đó, giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng gần 3% do dự báo thời tiết lạnh hơn, dẫn tới nhu cầu sưởi ấm trong tuần cuối của tháng 1/2021 cao hơn, đồng thời xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tiếp tục đạt gần mức kỷ lục sau khi giá khí tự nhiên trên toàn cầu tăng.
Theo đó, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn New York tăng 7,1 US cent (+2,7%) lên 2,737 USD/mmBTU, tính cả tuần tăng 1,37%, qua đó ghi nhận lần đầu tiên tăng liền 3 tuần liên tiếp kể từ tháng 10/2020.
James Hatzigiannis, giám đốc chiến lược thị trường thuộc Ploutus Capital Advisors nhận định, dầu thô đã chứng kiến đà tăng ổn định trong vài tuần đầu tiên của năm 2021, cho nên khó tránh một đợt điều chỉnh. Ông cũng chỉ ra một yếu tố khác, đó là nhu cầu của Trung Quốc có thể giảm vì nước này "tăng dự trữ một cách có chiến lược” vào năm 2020 khi giá dầu ở mức thấp lịch sử. Ông dự báo, nhu cầu dầu sẽ tăng đáng kể vào cuối mùa Xuân khi tốc độ lây lan Covid-19 bắt đầu giảm đáng kể.
Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Mỹ) ngày 15/1 cũng công bố, số liệu mới nhất cho thấy số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ trong tuần qua đã tăng tuần thứ 8 liên tiếp cho thấy sản lượng dầu của nước này dự kiến sẽ tăng lên. Trong khi đó, một số dự báo chỉ ra rằng, hoạt động du lịch của Mỹ sẽ không phục hồi trở lại cho đến quý III/2021.
Kim loại: Vàng giảm tuần thứ 2, đồng cũng điều chỉnh giảm, sắt thép tăng giá
Ở nhóm kim loại quý, đóng cửa phiên cuối tuần 15/1, giá vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1% xuống 1.827,9 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn New York giảm 1,2% xuống 1.829,9 USD/ounce. Tính chung cả tuần giá giảm 1,1%.
Như vậy, vàng đã giảm tuần thứ 2 liên tục do USD tiếp tục tăng sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đề xuất gói kích thích mới trị giá 1.900 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường cấp cao Jeffrey Halley thuộc OANDA nhận định, các biện pháp kích thích sẽ gây ra tình trạng tăng giá trên các thị trường tài sản và với việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell loại bỏ bất kỳ triển vọng tăng lãi suất hoặc giảm chương trình mua trái phiếu sớm, vàng sẽ lại được hỗ trợ.
Đồng quan điểm, nhà tư vấn Harshal Barot phụ trách khu vực Nam Á thuộc Metals Focus cho rằng, ngoài những "cơn gió ngược" trong ngắn hạn, nếu đồn đoán lạm phát bắt đầu tăng nhanh, vàng sẽ lại trở nên hấp dẫn. Có khả năng vàng sẽ bứt phá trên mốc 2.000 USD/ounce một lần nữa.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá nhìn chung giảm do số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục tăng, đe dọa cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Số liệu cho thấy, nền kinh tế Anh giảm lần đầu tiên trong tháng 11/2020 kể từ đợt đóng cửa Covid-19 đầu tiên vào đầu năm 2020, trong khi số trường hợp nhiễm bệnh tại Đức tăng lên hơn 2 triệu người.
Theo đó, phiên 15/1, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,3% xuống 7.945 USD/tấn; kẽm giảm 2,3% xuống 2.693,5 USD/tấn - thấp nhất kể từ ngày 17/11/2020. Tính chung cả tuần, giá giảm gần 2%.
Trong nhóm sắt thép, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 1,5% lên 1.053 CNY/tấn, giá quặng sắt 62% Fe nhập khẩu vào Trung Quốc phiên liền trước tăng 1 USD lên 172,5 USD/tấn.
Giá thép cây trên sàn Thượng Hải phiên này cũng tăng 1,9% lên 4.360 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 1,4% lên 4.489 CNY/tấn, thép không gỉ tăng 0,7% lên 13.970 CNY/tấn.
Nông sản: Đồng loạt tăng giá
Kết thúc phiên 15/1, giá lúa mì tại Mỹ tăng bởi Nga có kế hoạch tăng gấp đôi thuế xuất khẩu ngũ cốc, trong khi giá ngô và đậu tương giảm do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi giá tăng lên mức cao nhất nhiều năm vào đầu tuần.
Cụ thể, trên sàn Chicago, giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 5-1/2 US cent lên 6,75-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 6,93 USD/bushel - cao nhất kể từ tháng 5/2014. Giá lúa mì đỏ cứng, vụ đông kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 7-3/4 US cent lên 6,44-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2014.
Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 2-3/4 US cent xuống 5,31-1/2 USD/bushel và giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 13-3/4 US cent xuống 14,16-3/4 USD/bushel.
Tính chung cả tuần, giá ngô tăng hơn 7%, đậu tương tăng hơn 3%, lúa mì tăng hơn 5,7%.
Nga có kế hoạch sẽ áp thuế xuất khẩu lúa mì ở mức 50 euro/tấn kể từ ngày 1/3/2021, tăng so với mức thuế ban đầu (25 euro/tấn) được áp dụng từ ngày 15/2/2021, một động thái nhằm hạ nhiệt giá lương thực nội địa.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ giảm dự báo nguồn cung ngô và đậu tương Mỹ đã thúc đẩy giá đậu tương tăng lên mức cao nhất 6,5 năm và giá ngô cao nhất 7,5 năm trong ngày 12/1/2021.
Nguyên liệu công nghiệp: Cao su giảm giá, đường và cà phê duy trì đà tăng
Giá đường thô phiên cuối tuần 15/1 giảm 1,3% xuống 16,45 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất hơn 3,5 năm (16,75 US cent/lb) trong phiên trước đó, do hoạt động đẩy mạnh mua vào và lo ngại về nguồn cung thắt chặt. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vẫn tăng 5,8%. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 3,3 USD xuống 461,7 USD/tấn.
Giá cà phê arabica tăng phiên thứ 4 liên tiếp và đạt mức cao nhất 4 tháng ở phiên này. Theo đó, arabica kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE tăng 0,8 US cent (+0,6%) lên 1,2815 USD/lb, trong đầu phiên đạt 1,3175 USD/lb - cao nhất kể từ ngày 8/9/2020.
Giá robusta kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn London cũng tăng 19 USD lên 1.353 USD/tấn.
Tính chung cả tuần, giá 2 loại cà phê tẳng khoảng 4%, được hỗ trợ bởi đồng real Brazil tăng mạnh.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng sau khi ông Joe Biden đưa ra gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD để khởi động nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giá cao su trên sàn Thượng Hải tăng cũng hỗ trợ giá cao su tại Nhật Bản tăng, giữa bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng về sự phục hồi nền kinh tế vững chắc của Trung Quốc.
Theo đó, giá cao su kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Osaka tăng 4,7 JPY (+2%) lên 243,1 JPY (2,4 USD)/kg. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá cao su giảm gần 1,3%. Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải phiên này tăng 340 CNY, lên 14.575 CNY (tương đương 2.251 USD)/tấn.
Nhập khẩu cao su của Trung Quốc bao gồm cao su tự nhiên và tổng hợp trong năm 2020 tăng 13,6% so với năm trước đó.