Thị trường hàng hóa tuần từ 4-11/12: Đồng loạt tăng giá

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK)  Thông tin tốt về vắc-xin Covid-19 và giá trị đồng USD tiếp tục suy yếu đã tác động tích cực lên hầu hết các mặt hàng trên thị trường hàng hóa thế giới tuần qua.

Ảnh Internet Ảnh Internet

Kim loại: Vàng tăng tuần thứ 3, quặng sắt tiếp tục phá đỉnh

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng thế giới kết thúc phiên 18/12 giao dịch quanh ngưỡng 1.884 USD/ounce, tăng 20-23 USD so với phiên trước đó và tính cả tuần từ 11-18/12 tăng hơn 2,3%, cũng là tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp.

Giá vàng thế giới đang tiến sát mốc 1.900 USD/ounce một cách khá chắc chắn khi những tiến triển trong đàm phán gói kích thích kinh tế đã gây sức ép lên USD và cam kết của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc duy trì lãi suất ở mức thấp cho đến khi nền kinh tế Mỹ hồi phục đã hỗ trợ thêm cho kim loại quý này.

Theo giới chuyên gia, trong thời gian tới, thậm chí là một vài năm tới, việc các nước bơm tiền để hồi phục kinh tế sẽ dẫn tới lạm phát và đây là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho mặt hàng kim loại quý nói chung và vàng nói riêng.

Thực tế, ngoài vàng, cả bạc cùng bạch kim cùng bật tăng trong tuần qua sau khi bị chốt lời mạnh trong tuần trước đó. Cụ thể, bạc ghi nhận mức tăng trên 8% và bạch kim tăng hơn 2% trong tuần từ 11-18/12, trong khi tuần trước giảm lần lượt hơn 14% và gần 4,8%.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, đà tăng cũng được duy trì trong tuần qua, cho dù gặp không ít sức ép, mà đáng kể nhất là quặng sắt.

Quặng sắt được coi là mặt hàng nóng nhất trong năm nay khi ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp do lạc quan về nhu cầu và lo ngại về nguồn cung. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Đại Liên ngày 18/12 tăng 6,2% lên 1.073,5 CNY (164,15 USD)/tấn và cả tuần tăng gần 3%. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này đã tăng tới 123%.

Giá quặng sắt trên sàn Singapore tăng 4,1% lên 163,4 USD/tấn.

Tính từ đầu tháng đến nay, giá quặng sắt trên cả 2 sàn Đại Liên và Singapore tăng hơn 20%, khi mỏ khai thác quặng sắt Vale Brazil hôm 2/12/2020 thông báo giảm mục tiêu sản lượng năm 2020, 2021 và được thúc đẩy bởi nhu cầu thép Trung Quốc tăng mạnh. Ngoài ra, giá quặng sắt còn được hỗ trợ bởi xuất khẩu quặng sắt từ nước cung cấp hàng đầu là Australia giảm.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 3,7%, thép cuộn cán nóng tăng 4% và thép không gỉ tăng 0,9%. Tồn trữ thép tại 184 nhà máy thép Trung Quốc trong tuần tính đến 16/12/2020 đạt 5,08 triệu tấn, giảm 0,9% so với tuần trước đó.

Với đồng, sau khi phá vỡ mốc 8.000 USD/tấn (đạt 8.028 USD/tấn - cao nhất kể từ tháng 2/2013) ở tuần trước đó đã chịu sức ép chốt lời trong tuần từ 11/-18/12 khi một số nhà đầu tư thận trọng về nhu cầu thực tế khi giá đồng tăng cao.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,8% xuống 7.982 USD/tấn trong phiên 18/12. Trong khi đó, giá đồng trên sàn Thượng Hải tăng lên mức cao nhất hơn 9 năm là 59.500 CNY (9.095,36 USD)/tấn. Giá đồng trên cả 2 sàn London và Thượng Hải có tuần tăng thứ 7 liên tiếp.

Giá đồng cùng với thị trường chứng khoán và các tài sản rủi ro khác tăng trong mấy tuần gần đây do được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan về sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau thông tin tích cực về vắc-xin Covid -19.

Giá chì giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 2.037 USD/tấn do tồn trữ chì tại đây tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 9/10/2020 và tăng 20% trong tuần qua.

Giá thiếc trên sàn London giảm 0,2% xuống 19.960 USD/tấn, sau khi đạt 20.245 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 4/2019.

Năng lượng: Dầu tăng tuần thứ 7 liên tục, giá khi cũng tăng cao nhất 2 tuần qua

Giá dầu tăng lên mức cao nhất 9 tháng và có tuần tăng thứ 7 liên tiếp khi các nhà đầu tư tập trung vào việc đưa ra vắc-xin Covid-19 và USD chưa ngừng suy giảm.

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/12, dầu thô Brent tăng 76 US cent, tương đương 1,5%, lên mức 52,26 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 52,48 USD/thùng - cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Dầu WTI cũng tăng 74 US cent, tương đương 1,5%, lên mức 49,1 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 49,28 USD/thùng - cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Giá dầu tăng trong tuần khi được hỗ trợ bởi lượng tồn trữ dầu thô Mỹ giảm hơn so với dự kiến, cho dù số lượng giàn khoan dầu và khí trong tuần tăng 8 lên 346 giàn - cao nhất kể từ tháng 5/2020, theo Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co BKR.N. Bên cạnh đó, việc giá trị đồng USD vẫn trong đà suy yếu khiến giá dầu trở nên rẻ hơn khi người mua sử dụng tiền tệ khác.

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 2 tuần do dự báo xuất khẩu khí tự nhiên đạt mức cao kỷ lục, thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm vào cuối tháng 12/2020 tăng. Cụ thể, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn New York tăng 6,4 US cent, tương đương 2,4%, lên mức 2,7 USD/mmBTU - cao nhất kể từ ngày 2/12/2020. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên tăng hơn 4% sau khi tăng gần 1% trong tuần trước đó.

Nông sản: Lúa mì tăng mạnh nhất 4 tháng, ngô và đậu tương giảm nhẹ

Giá đậu tương tại Mỹ tăng lên mức cao nhất gần 7 năm do dự báo nhiều mưa tại một số khu vực trồng trọng điểm của Nam Mỹ vẫn không chắc chắn, đe dọa triển vọng vụ thu hoạch khi nhu cầu toàn cầu tăng mạnh.

Bên cạnh đó, dự báo tồn trữ đậu tương tại Mỹ giảm, trong khi nhu cầu từ các nhà chế biến Mỹ và các nhà nhập khẩu như Trung Quốc tăng mạnh cũng thúc đẩy giá đậu tương tăng.

Cu thể, trên thị trường Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 18-3/4 US cent lên 12,2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 12,24-3/4 USD/bushel - cao nhất kể từ ngày 30/6/2014. Tương tự, giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 5 US cent lên 4,37-1/2 USD/bushel. Tính cả tuần, 2 mặt hàng này đều tăng hơn 5%.

Ngược lại, giá lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 1/2 US cent xuống 6,08-1/4 USD/bushel trong phiên cuối tuần quan 18/12 và tính cả tuần giảm hơn 1% - cũng là mặt hàng hiếm hoi đi ngược xu hướng tăng giá chung trong tuần qua.

Nguyên liệu công nghiệp: Duy trì sắc xanh

Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Osaka tăng 2,2 JPY, tương đương 0,9%, lên mức 246,2 JPY (2,4 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 7,03%.

Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 320 CNY lên 14.840 CNY (tương đương 2.270 USD)/tấn.

Giá cao su trên sàn Osaka tăng gần 1%, được hỗ trợ bởi nhu cầu từ nước mua hàng đầu là Trung Quốc tăng mạnh và sản lượng cao su tại các nước Đông Nam Á giảm, thúc đẩy giá cao su có tuần tăng hơn 7%.

Một thông tin khác cũng hỗ trợ giá cao su, đó là Trung Quốc sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cao su từ Mỹ, Hàn Quốc và EU bắt đầu từ ngày 20/12/2020, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE giảm 1,35 US cent, tương đương 1,1% về mức 1,2525 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 3 tháng trong đầu tuần qua, song tính chung cả tuần vẫn tăng 3%.

Trong phiên 18/12, giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 7 USD, tương đương 0,5%, về mức 1.380 USD/tấn và cả tuần vẫn tăng gần 1,7%

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE giảm 1,6% xuống 14,44 US cent/lb trong phiên 18/12, thậm chi đã có thời điểm đạt 14,76 US cent/lb - cao nhất 1 tuần qua. Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 5,1 USD về mức 398,3 USD/tấn.

Giá đường giảm do sự không chắc chắn về luật cứu trợ virus corona tại Mỹ và số trường hợp nhiễm virus trên toàn cầu tăng gây áp lực thị trường. Dù vậy, tính chung cả tuần, giá đường vẫn nhích nhẹ.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1,4% (tương đương 48 ringgit) trong phiên 18/12 - cũng là phiên tăng thứ 3 liên tiếp, lên mức 3.426 ringgit (849,07 USD)/tấn do sản lượng giảm và xuất khẩu được cải thiện.

Xuất khẩu sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong giai đoạn từ 1-15/12/2020 tăng 9,5% so với cùng kỳ tháng trước, lên mức 725.380 tấn, Societe Generale de Surveillance cho biết. Trong khi đó, tồn trữ dầu cọ của Malaysia trong tháng 11/2020 giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 năm do sản lượng giảm và xuất khẩu giảm hơn so với dự kiến, theo Ủy ban Dầu cọ Malaysia.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục