Doanh nghiệp niêm yết đẩy mạnh tái cơ cấu vào cuối năm

(ĐTCK) Thoái vốn để thu hồi tiền đầu tư, chuyển đổi sang lĩnh vực kinh doanh mới triển vọng hơn… là những hoạt động đã và đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp trong mùa kinh doanh cuối năm.
Doanh nghiệp niêm yết đẩy mạnh tái cơ cấu vào cuối năm

Hội đồng quản trị Tổng công ty Ðầu tư xây dựng phát triển - DIC Corp (DIG) vừa ra quyết định thoái toàn bộ 7,9% vốn tại Công ty cổ phần Vina Ðại Phước bằng hình thức chuyển nhượng trọn lô.

Tổng giá trị chuyển nhượng không thấp hơn 230 tỷ đồng. DIG yêu cầu đối tác ký hợp đồng và thanh toán toàn bộ tiền chuyển nhượng trước ngày 25/12/2019, nếu muộn hơn thì hợp đồng sẽ bị hủy bỏ và hai bên sẽ phải thỏa thuận lại về đơn giá chuyển nhượng.

Trước đó, vào tháng 11/2019, Ðại hội đồng cổ đông bất thường của DIG đã thông qua việc nhận sáp nhập Công ty cổ phần Du lịch và thương mại DIG.

Cùng với đó, DIG bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh, bao gồm sản xuất món ăn, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh lương thực, vận tải, điều hành du lịch…

Việc DIG đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh ghi nhận sự sụt giảm.

Báo cáo hợp nhất quý III/2019 cho thấy, DIG đạt 1.287 tỷ đồng doanh thu thuần trong 9 tháng đầu năm, giảm 21% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 93,4 tỷ đồng (trong đó phần của cổ đông Công ty mẹ là 44,9 tỷ đồng), giảm 27% so với cùng kỳ, cho dù lợi nhuận của riêng quý III/2019 tăng trưởng 38% lên gần 64 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Ðầu tư Sao Thái Dương (SJF) quyết định thoái hết vốn khỏi 1 trong 4 công ty con là Công ty Phát triển công nghệ Sky Life Farms.

Tính đến hết quý III/2019, SJF nắm giữ 97,55% cổ phần công ty con này. Sky Life Farms thành lập từ năm 2009, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó trồng trọt, chăn nuôi là lĩnh vực chính.

Ngay sau khi thoái vốn khỏi Sky Life Farms, SJF đã chi 156,8 tỷ đồng thành lập Công ty cổ phần Sunstar EcoTech Việt Nam.

Công ty này hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học, xây dựng, thương mại và vận tải, có vốn điều lệ 160 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu của SJF là 98%.

Ðộng thái trên cho thấy, SJF đang có bước chuyển hướng trong lĩnh vực kinh doanh từ nông nghiệp sang công nghệ sinh học, thương mại vận tải, xây dựng.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý III/2019, SJF ghi nhận gần 144 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ 2018 và báo lỗ 6,5 tỷ đồng do lãi gộp quá thấp, không đủ bù các khoản chi phí (lãi gộp trong kỳ chỉ đạt 2,5 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ).

Ðây cũng là quý đầu tiên SJF thua lỗ kể từ khi niêm yết năm 2017.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, SJF đạt doanh thu 609 tỷ đồng, tăng 71% so cùng kỳ 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 75%, chỉ đạt 10,5 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh kém tích cực đã ảnh hưởng tới cổ phiếu doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu SJF liên tục dò đáy, hiện dao động quanh mức 2.000 đồng/cổ phiếu.

Tại Tổng công ty Phát điện 3 - Genco 3 (PGV), Hội đồng quản trị Tổng công ty đã thông qua phương án thoái vốn góp tại Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH).

Hiện Genco 3 đang sở hữu hơn 63 triệu cổ phần, tương đương 30,55% vốn của VSH. Dự kiến, Genco 3 sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần VSH trong quý IV/2019.

Việc Genco 3 thoái vốn tại VSH được cho là do tình trạng kinh doanh kém khả quan tại doanh nghiệp này.

VSH báo lỗ ròng 4 tỷ đồng trong quý III/2019, kinh doanh dưới giá vốn trong tình thế doanh thu sụt giảm mạnh. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, VSH đạt doanh thu thuần 286 tỷ đồng, giảm 42% và lãi ròng 107 tỷ đồng, giảm hơn 61% so với cùng kỳ 2018.

Ngoài VSH, Genco 3 còn đang thực hiện công tác chuyển nhượng vốn tại 2 thành viên khác là Công ty cổ phần Ðiện Việt Lào và Công ty cổ phần Nhiệt điện Nhơn Trạch.

Trong hoạt động kinh doanh, Genco 3 đang cho thấy kết quả tích cực. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Genco 3 đạt 32.822 tỷ đồng doanh thu và 488,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 12% và 69% so với cùng kỳ 2018.

Cập nhất mới nhất trong 10 tháng đầu năm, doanh thu sản xuất điện của Genco 3 đạt 36.090 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và hoàn thành trên 80% chỉ tiêu cả năm.

Với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), doanh nghiệp này cũng đã thoái vốn tại nhiều công ty thành viên kinh doanh kém hiệu quả.

Trong đó, thoái hết vốn tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Hợp tác lao động với nước ngoài, Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu.

Ðồng thời, dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam từ 51% xuống 49% và Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship từ 51% xuống 36%.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục