Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Những “mô men chậm”

Bức tranh doanh nghiệp nhà nước với đa phần là màu trầm khiến lãnh đạo một số đơn vị - những doanh nghiệp là điểm sáng, đang làm tốt nhiệm vụ được giao, thể hiện được vai trò dẫn dắt - không khỏi bức xúc.
Nếu những bước tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không được cải thiện, thì những doanh nghiệp trì trệ, chậm chuyển đổi có thể xâm lấn rộng hơn. Nếu những bước tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không được cải thiện, thì những doanh nghiệp trì trệ, chậm chuyển đổi có thể xâm lấn rộng hơn.

Nhưng những điểm sáng này không đủ để thay đổi bức tranh chung. Nếu những bước tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không được cải thiện, thì những doanh nghiệp trì trệ, chậm chuyển đổi - những “mô men chậm” - có thể xâm lấn rộng hơn.

Vào thời điểm này, danh sách doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2019-2020 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn tất, chuẩn bị trình Chính phủ lại dày đặc những tên được chuyển từ kế hoạch của các năm trước sang, do chưa hoàn thành. Nhiều doanh nghiệp vì nhiều lý do, xin điều chỉnh lộ trình...

Phải nói rõ, danh sách này được xây dựng, rà soát dựa trên đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và chính các doanh nghiệp, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong hai năm tới.

Song câu hỏi đã có ai chịu trách nhiệm của những sự chậm trễ, thậm chí là chậm dần đều này trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được trả lời một cách chính thức. Thứ nữa, việc xử lý trách nhiệm được thực hiện thế nào cũng chưa rõ ràng.

Đây không phải lần đầu tiên, những câu hỏi như trên được đề cập. Thậm chí, yêu cầu gắn kết quả thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vào một trong số các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu cơ quan được giao làm đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Thậm chí, trong Chỉ thị 01/2019/CT-TTg về tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước ban hành ngay những ngày đầu năm 2019, Thủ tướng đã yêu cầu cụ thể cả việc xác định rõ trách nhiệm cá nhân lẫn chế tài xử lý theo hưởng đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn.

Nhưng có lẽ, chế tài vẫn chưa đủ mạnh.

Khoan nói đến hậu quả rất lớn của những chậm trễ này. Chỉ tính về mặt thực thi nhiệm vụ, kỷ luật hành chính, nếu không có ai phải chịu trách nhiệm những quy định không được tuân thủ một cách nghiêm khắc, thì thói quen thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ sẽ được dung dưỡng. Hơn thế, động cơ làm đúng, làm hết trách nhiệm không được khuyến khích.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã gọi hiện tượng này là động cơ ngược, đang thúc đẩy “mô men chậm” trong hành vi của các công chức. Thậm chí, trong bối cảnh nhiều khó khăn phát sinh do những tồn tại lưu cữu trong hoạt động của không ít doanh nghiệp, muốn giải được có tư duy mới, cách làm mới, thì làm chậm nhiều khi được coi là cách để né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Chưa kể thực trạng nếu không thay đổi, thì quyền lực, quyền lợi của nhiều vị trí liên quan đến doanh nghiệp nhà nước sẽ được giữ nguyên…

Tất nhiên, để thay đổi động cơ, xoay chiều chuyển động của các cá nhân, đơn vị có trách nhiệm, giải pháp lâu dài, mang tính quyết định vẫn là cơ chế, thể chế thúc đẩy sự sẵn sàng trong cải cách, đổi mới không chỉ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Trước mắt, để đảm bảo các nguồn lực của kinh tế nhà nước trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, thì việc thực thi nghiêm ngặt kỷ luật hành chính và nghiêm túc xử lý các hành vi vi phạm làm chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là các giải pháp có thể làm ngay, sẽ có tác động ngay.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục