Ông Yoichi Kobayashi, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Mekong - Nhật Bản, đại diện JCCI cho biết, các vấn đề mà DN Nhật Bản quan tâm hiện nay là: tiến trình và hiệu quả việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ Việt Nam; việc đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên để phát triển các lĩnh vực quan trọng trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam, trong đó tập trung vào ngành công nghiệp điện tử và chế biến thực phẩm; chính sách tăng cường hỗ trợ phát triển khu vực DN vừa và nhỏ để khu vực này tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng và phát triển kinh tế; vấn đề cải thiện chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao khả năng hợp tác và tăng tính hấp dẫn của thị trường.
Để tăng cường thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản tới đầu tư tại Việt Nam, ông Yoichi cho rằng, cần nỗ lực hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nên thành lập cơ quan 1 cửa hỗ trợ đầu tư, hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực thi hệ thống luật và tăng cường tuyên truyền thực thi để triển khai một cách thống nhất.
Liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực, theo ông Yoichi, sử dụng hiệu quả số lượng sinh viên Việt Nam đã và đang học tập tại Nhật Bản, kết nối nguồn nhân lực chất lượng cao này với các DN của Nhật và Việt Nam hiện lên tới hơn 26.000 người là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác giữa hai bên.
Đặc biệt, ông Yoichi chia sẻ mô hình, chính sách hỗ trợ phát triển các DN vừa và nhỏ mà Nhật Bản đang áp dụng. Cụ thể, các DN sau khi được JCCI hỗ trợ và tiến cử sẽ nhận được một khoản vay từ các công ty, cơ quan tài chính, mà không cần phải bảo lãnh hay thế chấp tài sản. Khoản vay tối đa cho các DN theo hình thức này lên tới 20 triệu Yên, lãi suất cao nhất là 1%/năm, với thời hạn cho vay từ 7 - 10 năm.
“Mô hình này đã hỗ trợ hiệu quả các DN vừa và nhỏ của Nhật Bản và chúng tôi mong muốn Việt Nam tham khảo để tăng cường hỗ trợ phát triển khu vực DN vừa và nhỏ, giúp khu vực này tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam”, ông Yoichi nói.
Một vấn đề khác, ông Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho biết, các DN Nhật Bản đang gặp khó khăn khi đầu tư tại Việt Nam bởi quy định về hạn chế nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng, quy định về nhập cảnh theo dạng miễn thị thực, quy định về lương tối thiểu, làm thêm giờ, khoảng cách 5% trong bảng lương, vấn đề sửa đổi Nghị định 102/2013/NĐ-CP về lao động nước ngoài.
Theo đại diện JBAV, dự kiến cấm nhập khẩu các thiết bị đã qua sử dụng quá 10 năm là nghiêm ngặt; mặt khác, cơ quan kiểm định nước ngoài khó có thể đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn và tiêu chuẩn Việt Nam; việc kiểm tra đối với các loại máy móc tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Do đó, JBAV đề xuất, nên thay quy định về thời gian sử dụng bằng quy định đảm bảo tính năng, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 20/2014/TT-KHCN, thay vì thời hạn trong dự thảo sửa đổi Thông tư 20 hiện nay là 1/1/2016.
Bên cạnh đó, ông Tokuyama đề xuất: nới lỏng điều kiện và quy định nhập cảnh cho người Nhật Bản vào Việt Nam mà không cần thị thực; tăng lương tối thiểu nên cân nhắc phù hợp với tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động; giảm bớt điều kiện 5 năm kinh nghiệm đối với lao động nước ngoài xuống 3 năm; nới quy định về giới hạn làm thêm giờ…, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Nhật Bản nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung khi hoạt động tại Việt Nam, qua đó tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ghi nhận và tiếp thu các kiến nghị, đề xuất từ phía Nhật Bản, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng khẳng định, Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho các DN trong và ngoài nước hoạt động và kinh doanh. Việt Nam sẽ tiếp tục xem xét các kiến nghị, đề xuất, hiện thực hóa thành các giải pháp nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh.