Khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn là khu vực nắm giữ nguồn lực lớn nhất của nền kinh tế.
Tổng hợp số liệu tại các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, trong giai đoạn 2011-2019, số lượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã giảm khoảng 2 lần, nhưng tổng giá trị tài sản tăng 1,3 lần, tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tăng 1,8 lần, tổng lợi nhuận tăng 1,1 lần, nộp ngân sách nhà nước tăng 1,1 lần. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước thua lỗ giảm từ trên 20% năm 2011 xuống còn 15% năm 2018. Vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp đến năm 2019 là gần 1,5 triệu tỷ đồng.
Trong Top 5, Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, có 4 doanh nghiệp nhà nước gồm EVN, PVN, Viettel, Petrolimex.
Trong đó, 2 tập đoàn có quy mô lớn nhất là PVN và EVN cùng nhau nắm giữ 48% nguồn vốn kinh doanh và 46% vốn chủ sở hữu nhà nước.
Ba tập đoàn (PVN, EVN và Viettel) cùng tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận và 52% nộp ngân sách của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Cách đây vài năm, trong lần đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2011-2020, TS. Nguyễn Đình Cung, Chuyên gia kinh tế đã gọi đây là khu vực tràn trề nguồn lực, năng lực và điều kiện khi đặt kỳ vọng vào sự sớm xuất hiện của những thương hiệu lớn nhất Việt Nam trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín.
Ông cũng là người đề xuất coi khu vực doanh nghiệp nhà nước là trọng tâm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Với nguồn lực hiện có, doanh nghiệp nhà nước thuận lợi hơn cả trong việc tiếp cận, ứng dụng các thành quả mới của công nghệ. Khi đó, khu vực này sẽ có thêm điều kiện làm tròn vài động lực tăng trưởng, dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế…
Nhưng giờ đây, ông Cung không còn hào hứng nói về điều này.
Vì để thực hiện các mục tiêu đầy thách thức trên, doanh nghiệp nhà nước phải đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty và được tổ chức uy tín quốc tế xếp hạng, công nhận; có được một vài doanh nghiệp nhà nước niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán lớn trên thế giới. Trong khi đó, khoảng hơn 20 năm trở lại đây, mỗi khi đánh giá về doanh nghiệp nhà nước, luôn xuất hiện kết luận chung là có tiến bộ, có cải thiện, nhưng hiệu quả còn thấp so với yêu cầu, đóng góp chưa tương xứng... Đặc biệt, các nỗ lực cơ cấu lại doanh nghiệp mới tập trung vào hai phần việc là cổ phần hóa, thoái vốn. Mục tiêu tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp nhà nước, áp đặt cơ chế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập đối với doanh nghiệp nhà nước gần như chưa đạt được.
Hơn nữa, nhìn vào những doanh nghiệp nhà nước đang tạo ra phần lớn lợi nhuận và giá trị gia tăng cho khu vực này, cơ bản là hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có mức độ cạnh tranh thấp, tập trung vào ngành khai thác tài nguyên và tận dụng điều kiện tự nhiên (khai khoáng) hoặc những ngành, lĩnh vực do doanh nghiệp nhà nước thống lĩnh, chi phối thị trường (viễn thông, năng lượng).
Ở những ngành có cạnh tranh cao giữa các thành phần kinh tế như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo…thì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước khá thấp.
Rất có thể, áp lực cạnh tranh đã khiến khu vực doanh nghiệp này lộ rõ những hạn chế về năng lực kinh doanh, về khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường… Thậm chí, trong lúc cả nền kinh tế đang chịu tác động lớn, chưa thể tính hết của Covid - 19, ông Cung nuối tiếc: “Đáng ra đây là lúc, doanh nghiệp nhà nước có thể thể hiện vai trò tiên phong của mình”.
Trong bối cảnh hiện tại, sẽ rất khó để doanh nghiệp nhà nước lớn lên, cả về quy mô và năng lực cạnh tranh nếu khu vực này không được hoạt động trong thể chế thị trường đầy đủ, không được quản trị theo thông lệ quốc tế tốt.