Doanh nghiệp nhà nước lo bị “bó chân, bó tay”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc mở rộng đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như thêm nhiều quy định áp dụng khác đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ quá tải, trì trệ, mất cơ hội kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp.
Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp mở rộng đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp mở rộng đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác

Mở rộng doanh nghiệp chịu tác động

Dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật số 69/2014/QH13, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (cấp 1) và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (doanh nghiệp cấp 2) không phân biệt tỷ lệ vốn góp của nhà nước, tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp cấp 1.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung thủ tục so với quy định tại Luật số 69/2014 như doanh nghiệp cấp 1 phải xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi cử đại diện phần vốn tại doanh nghiệp cấp 2, phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn tại doanh nghiệp cấp 2 và đầu tư vốn, góp vốn mua cổ phần mua phần vốn góp của doanh nghiệp cấp 2.

Đặc biệt, quá trình đầu tư của doanh nghiệp có thêm nhiều thủ tục, trong đó doanh nghiệp phải thực hiện lập đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án như đối với dự án của doanh nghiệp cấp 1 (trình Quốc hội/Thủ tướng Chính phủ/cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với các dự án có quy mô vốn 20.000 tỷ đồng trở lên/từ 5.000 tỷ đồng đến dưới 20.000 tỷ đồng/từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng).

Các điều khoản nêu trên, theo nhận định của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, sẽ ảnh hưởng lớn tới các đối tượng, đặc biệt là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cấp 2.

Ông Phạm Xuân Hoàn, Trưởng ban Pháp chế, Công ty cổ phần Viễn thông FPT cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 nên cân nhắc, xem xét lại phạm vi điều chỉnh của Luật. Hiện tại, Viễn thông FPT đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, nên việc quy định doanh nghiệp F2 thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ gây khó khăn trong việc chờ xin ý kiến từ doanh nghiệp F1. Trong khi đó, Công ty hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, truyền hình, thuộc lĩnh vực công nghệ, đòi hỏi quyết định đầu tư cần nhanh và chính xác.

Ông Tạ Hữu Doanh, Trưởng ban Tổng hợp - Pháp chế, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đồng quan điểm trên khi cho rằng, không chỉ chậm trễ, mà thực tế còn khó có thể thực hiện được, bởi ở những doanh nghiệp F1 đầu tư tới doanh nghiệp F2, nếu sở hữu tỷ lệ cổ phần thấp sẽ không có quyền chi phối, quyết định doanh nghiệp F2. Các quyết định chỉ đạo từ F1 xuống F2 nếu phải áp dụng theo dự thảo Luật sẽ rất khó khả thi.

Ông Lê Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP cho biết, thực tế hiện nay có những doanh nghiệp mà tỷ lệ vốn góp của Nhà nước hoặc tỷ lệ vốn của doanh nghiệp F1 rất nhỏ. Trong những trường hợp này, thông qua người đại diện, Nhà nước hoặc doanh nghiệp F1 không có khả năng chi phối, quyết định vấn đề quan trọng của doanh nghiệp F2, dẫn đến hiệu quả quản lý theo phạm vi không đạt được.

Với cách xác định phạm vi mở rộng như tại dự thảo Luật (không phân biệt loại hình doanh nghiệp cấp 1, không phân biệt tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp cấp 1 tại doanh nghiệp cấp 2), dưới góc nhìn của bà Vũ Thị Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp cấp 2 cần quản lý sẽ rất lớn, khối lượng công việc phải xử lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn sẽ vượt quá khả năng đáp ứng, gây quá tải, trì trệ và nguy cơ mất cơ hội kinh doanh, tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp.

Cân nhắc phạm vi áp dụng

Cần phân định rõ hơn giữa doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước, đi kèm là phương thức quản lý đối với đối tượng doanh nghiệp cấp 1, cấp 2.

Trong các cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự án Luật, không ít lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia tham chiếu nội dung Nghị quyết số 12-NQ/TW với quan điểm chỉ đạo và yêu cầu “doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối...”.

Đáng nói là ở phiên bản đầu tiên của dự thảo Luật được Bộ Tài chính trình Thường trực Chính phủ ngày 15/3/2024 quy định: chỉ áp dụng với doanh nghiệp cấp 1 và doanh nghiệp cấp 2 có vốn đầu tư trên 50% của doanh nghiệp cấp 1, nhưng đến lần dự thảo thứ hai lại có sự điều chỉnh theo hướng “siết chặt” hơn.

Tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 4/4/2024 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024, Chính phủ yêu cầu đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác” bảo đảm khả thi, phù hợp với Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về xác định “doanh nghiệp nhà nước”, “vốn nhà nước”.

Góp ý cho nội dung này, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước kiến nghị, cần phân định rõ hơn giữa doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước, đi kèm là phương thức quản lý đối với đối tượng doanh nghiệp cấp 1, cấp 2.

“Đối với doanh nghiệp cấp 2, nghiên cứu phân cấp những nội dung nào, như phê duyệt chiến lược, đề án tái cơ cấu, giao nhiệm vụ hàng năm có thể xin thêm ý kiến chủ sở hữu. Còn đối với các nội dung về chủ trương đầu tư, tăng giảm vốn hay quản lý các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp cấp 2 có thể giao, phân cấp cho người đại diện và hội đồng thành viên, hội đồng quản trị của doanh nghiệp này”, ông Nguyễn Chí Thành đề xuất.

Ông Tạ Hữu Doanh và ông Lê Văn Thanh cho biết, các tập đoàn, tổng công ty mà họ đang công tác ủng hộ phương án về đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (F2) là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ để phù hợp với Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cũng như thực tế điều hành và quản trị tại các doanh nghiệp.

Tại cuộc họp cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Chính phủ tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian.

Thủ tướng chỉ đạo, cần thiết kế cơ chế, chính sách để giải phóng nguồn lực tại doanh nghiệp; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng; có quy định đặc thù với các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; giao quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho người đại diện phần vốn nhà nước. Đồng thời, các cơ quan nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước (xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để giám sát kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật).

Chuyện doanh nghiệp nhà nước bị “bó chân, bó tay” trong đầu tư cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh thường kỳ đã được nhận diện và nhắc đến nhiều lần. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp nhà nước ngày 15/6/2024, Thủ tướng nhận xét: hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nhà nước, quy trình, thủ tục báo cáo phê duyệt còn nhiều tầng nấc, chưa phân cấp triệt để, phải được sự chấp thuận của nhiều cơ quan.

Bởi vậy, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang kỳ vọng việc sửa Luật số 69/2014/QH13 lần này sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay, thay vì có xu hướng thắt chặt và gây thêm khó khăn.

Anh Việt - Hà Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục