Doanh nghiệp nghìn tỷ đổ bộ sàn UPCoM

(ĐTCK) Tính từ đầu năm nay đến ngày 22/10, đã có gần 65 DN đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014, đặc biệt, trong đó có nhiều DN có quy mô vốn lớn. Mặc dù vậy, nếu chiếu theo Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ thì vẫn còn nhiều DN đang đứng ngoài sàn.
Số lượng DN đang đứng ngoài sàn UPCoM còn rất lớn (khoảng 380 DN) Số lượng DN đang đứng ngoài sàn UPCoM còn rất lớn (khoảng 380 DN)

Những DN nghìn tỷ lên UPCoM

Sàn UPCoM không chỉ tăng mạnh về số lượng mà ngày càng thu hút thêm nhiều DN nghìn tỷ lên sàn. Tháng 9/2015, CTCP Tài nguyên Ma San (MSR) đã đăng ký giao dịch hơn 703,5 triệu cổ phiếu trên UPCoM, tương đương hơn 7.035 tỷ đồng theo mệnh giá. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của công chúng đầu tư. MSR là thành viên của Tập đoàn Masan, đang quản lý và khai thác Mỏ Núi Pháo tại Thái Nguyên.

Ngày 21/10, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) đã chính thức đăng ký giao dịch 110 triệu cổ phiếu trên sàn giao dịch UPCoM với mã chứng khoán MTA, đây là cổ phiếu thứ 65 đăng ký giao dịch trên UPCoM trong năm 2015 và là DN thứ 231 thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn này.

Ông Dương Tất Thắng, Tổng giám đốc Mitraco cho biết, việc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM là bước đệm, sau đó Công ty có thể tính đến việc chuyển cổ phiếu sang sàn HNX. Mitraco là một trong những DN lớn ở miền Trung, đang hướng tới việc phát triển thành tập đoàn kinh tế đa ngành. Công ty hoạt động đa lĩnh vực như khai thác chế biến sâu các loại khoáng sản, cảng biển, nông nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ… 9 tháng đầu năm 2015, Mitraco đạt 70 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 70% kế hoạch cả năm. Công ty cũng đặt mục tiêu trong năm 2016 sẽ đạt 125 tỷ đồng lợi nhuận với tỷ lệ trả cổ tức dự kiến từ 8 - 11%/năm.

Được biết, HNX cũng vừa chấp thuận cho Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) được đăng ký giao dịch 155 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM, với mã chứng khoán GEX. Mảng hoạt động chính của GEX bao gồm sản xuất kinh doanh các thiết bị điện dùng trong công nghiệp, nông nghiệp và dân dụng. Theo đó, Gelex dự kiến sẽ chính thức đăng ký giao dịch trên UPCoM vào ngày 26/10 tới.

Một điểm chung giữa nhiều DN lớn đang đăng ký niêm yết trên sàn UPCoM là tỷ lệ nắm giữ của cổ đông Nhà nước rất lớn. Tại Mitraco, trong số hơn 1.100 tỷ đồng vốn điều lệ của Công ty, UBND tỉnh Hà Tĩnh nắm giữ 83% vốn điều lệ, tương đương với 109,56 triệu cổ phần. Mitraco cũng đang tính đến việc bán 19,54 triệu cổ phần, tương đương 14,48% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược. Trong khi đó, tại Gelex, trong số 1.550 tỷ đồng vốn đầu tư của chủ sở hữu thì Nhà nước nắm giữ 1.220 tỷ đồng (chiếm 78%), còn lại các cổ đông khác nắm giữ 330 tỷ đồng.

Đối với Tổng công ty Viglacera, dù đã nộp hồ sơ niêm yết trên HNX nhưng cuối cùng, Công ty đã xin rút hồ sơ và chuyển sang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 15/10 vừa qua. Với mức vốn điều lệ 2.645 tỷ đồng, Viglacera đã đăng ký giao dịch 264,5 triệu cổ phiếu mang tên VGC.

Sẽ có chế tài với những DN ngoài sàn

HNX cho biết, nếu thực hiện theo đúng Quyết định 51/2014 quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN thì sẽ có khoảng gần 400 DN phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký giao dịch trên TTCK trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng DN đang đứng ngoài sàn còn rất nhiều (khoảng 380 DN), trong khi thời hạn 1/11/2015, buộc các DN phải thực hiện theo Quyết định 51, đang đến gần.

Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, với những giải pháp hỗ trợ giao dịch trên thị trường UPCoM như nới rộng biên độ dao động giá lên 20% và cải thiện các điều kiện giao dịch…, sàn UPCoM đang được cải thiện cả về lượng và “chất”.

Bằng chứng là sàn đang thu hút được rất nhiều DN có quy mô vốn lớn. Bà Lan cũng cho biết, HNX đã kiến nghị và đề xuất với UBCK, Bộ Tài chính xây dựng quy chế xử phạt đối với những DN chưa tuân thủ theo quy định. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, HNX đang thực hiện cập nhật danh sách các DN vi phạm nghĩa vụ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và Sở đang cân nhắc việc công bố danh sách DN này.

Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico) cho biết, Tổng Công ty đã thực hiện cổ phần hóa từ năm 2013, sau nhiều thời gian cân nhắc giữa việc chọn niêm yết hay đăng ký giao dịch, Vilico đã quyết định giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán VLC vào ngày 26/10 tới. Với mức vốn điều lệ 631 tỷ đồng, hơn 63,1 triệu cổ phiếu VLC sẽ được chính thức giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.800 đồng/cổ phiếu.

Với những giải pháp hỗ trợ giao dịch cũng như chế tài buộc các DN phải tuân thủ theo đúng quy định, sàn UPCoM dự kiến sẽ tiếp tục thu hút nhiều DN lên sàn từ nay đến cuối năm.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục