Những “tân binh” tháng 8
Trong tháng 8 vừa qua, sàn UPCoM đón nhận thêm 7 “tân binh”: C71, PIC, LAI, PTE, VNP, VMA, PHH. Thực tế, số lượng DN đăng ký giao dịch trên UPCoM không ngừng tăng, trong đó có những công ty có quy mô vốn lớn, hoạt động hiệu quả, giúp thanh khoản trên thị trường cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, bức tranh giao dịch chung của UPCoM tháng 8 không mấy sáng sủa.
Trong tháng 8, tổng khối lượng giao dịch trên UPCoM là hơn 48 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch 327,2 tỷ đồng, thấp nhất kể từ đầu năm. UPCoM-Index đóng cửa tháng 8 tại 53,65 điểm, giảm 4,07% so với cuối tháng 7. Nhìn chung, các cổ phiếu lên sàn trong thời gian này có thanh khoản thấp, nhưng một số mã tạo được “sóng”.
Cổ phiếu LAI của CTCP Đầu tư Xây dựng Long An IDICO, lên sàn ngày 10/8, đến nay vẫn chưa có giao dịch. Cổ phiếu VMA của CTCP Công nghiệp Ô tô-Vinacomin chưa có giao dịch kể từ ngày chào sàn 28/8. Cổ phiếu C71 của CTCP 471 chào sàn ngày 3/8 với khối lượng 5 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu 12.000 đồng/CP. Sau hơn 1 tháng có mặt trên thị trường, C71 có 5 ngày được giao dịch. Hiện cổ phiếu C71 “bất động” tại mức giá tham chiếu 13.100 đồng/CP.
C71 có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp, thương mại, dịch vụ. Năm 2014, Công ty đạt tổng doanh thu 702 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7,3 tỷ đồng, tỷ suất ROE đạt 11,84%. Năm 2015, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7,4 tỷ đồng, ROE 12%, cổ tức trên 10%. 6 tháng đầu năm 2015, C71 đạt doanh thu thuần 449,5 tỷ đồng, tăng 39%; lợi nhuận sau thuế 3,5 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 713 đồng.
Hai cổ phiếu PTE của CTCP Xi măng Phú Thọ và PIC của CTCP Đầu tư Điện lực 3 có diễn biến khá bình lặng, dù gia nhập UPCoM từ đầu tháng 8. Chỉ có cổ phiếu VNP của CTCP Nhựa Việt Nam tạo “sóng” khi mức giá tham chiếu cho phiên chào sàn ngày 18/8 là 2.000 đồng/CP. Sau 5 phiên giao dịch, VNP đạt mức tăng trên 100%, đóng cửa phiên 24/8 là 4.300 đồng/CP. Sau đó, giá cổ phiếu này có vài phiên giảm sàn, rồi phục hồi, cuối tuần qua giảm trở lại, đóng cửa tại 2.900 đồng/CP. Trong 18 phiên, VNP có 8 phiên đạt khối lượng giao dịch ở mức “vạn”, trong đó phiên 1/9 là 8,4 vạn.
Lên sàn muộn nhất trong tháng 8 (31/8) là cổ phiếu PHH của CTCP Hồng Hà Việt Nam. PHH chào sàn với giá tham chiếu 6.100 đồng/CP, giá giao dịch bình quân trong phiên là 6.600 đồng/CP. Cổ phiếu này có thanh khoản trong 2 ngày đầu tiên với hơn 20.000 đơn vị được khớp lệnh/phiên. Sau khi đạt mức giá 6.700 đồng/CP ngày 4/9, PHH đã trải qua 4 ngày “khô hạn”, đến phiên cuối tuần qua có 9.000 đơn vị được chuyển nhượng với giá bình quân 6.200 đồng/CP.
PHH có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, lĩnh vực hoạt động chính là xây lắp, bất động sản. Năm 2015, PHH đặt mục tiêu tổng doanh thu 1.579 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 47 tỷ đồng, cổ tức 10%. 6 tháng đầu năm 2015, PHH đạt hơn 150 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2014; lợi nhuận gộp đạt 21 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái đạt gần 27 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế giảm 91,3%, chỉ đạt 147 triệu đồng.
MCI “mở hàng” cho tháng 9
Ngày 8/9, 3,5 triệu cổ phiếu MCI của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển vật liệu IDICO chào sàn UPCoM (nâng tổng số DN đăng ký giao dịch trên sàn này lên 215 DN), với giá tham chiếu 3.000 đồng/CP, nhưng hiện chưa có giao dịch. MCI đang đảm nhận vai trò quản lý một đại lý xăng dầu của PVOil, hàng tháng cung cấp cho khách hàng 50.000 - 80.000 lít xăng dầu các loại. Bên cạnh đó, Công ty sản xuất gạch, ngói, đất sét nung, với thương hiệu Tuy Hạ - Đồng Nai.
Công ty hiện có 3 dây chuyền sản xuất với sản lượng 70 triệu viên/năm của Italia. Ngoài ra, MCI dần chú trọng vào hoạt động xây lắp. Năm 2013 và 2014, doanh thu của MCI lần lượt đạt 74,4 tỷ đồng và 34,8 tỷ đồng. Năm 2015, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 101 tỷ đồng.
Triển vọng lượng hàng “khủng”
Theo kế hoạch sắp xếp DNNN giai đoạn 2014 - 2015, cả nước cần thực hiện cổ phần hóa 432 DN. Trong năm 2014 đã thực hiện sắp xếp được 167 DN, cổ phần hóa 143 DN. Như vậy, năm 2015 có 289 DNNN thuộc diện cổ phần hóa. 6 tháng đầu năm, cả nước thực hiện cổ phần hóa 61 DN, hơn 200 DNNN còn lại sẽ tiến hành cổ phần hóa trong 2 quý cuối năm.
Theo lịch đấu giá của HNX, dự kiến trong tháng 9 sẽ có 8 DNNN thực hiện IPO. Trong đó, một số đơn vị có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng là Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội, Tổng công ty Mía đường I, Tổng công ty Chè Việt Nam.
Đặc biệt, thống kê của Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho thấy, hơn 380 DN phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký giao dịch trên TTCK trong năm nay, theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN.
Con số trên thực tế có thể còn lớn hơn. Quyết định 51 quy định, DN sau cổ phần hóa buộc phải lên sàn UPCoM trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN. Đối với DN đã chính thức chuyển thành CTCP trước ngày Quyết định này có hiệu lực (1/11/2014), thì thời hạn bắt buộc là 1 năm kể từ khi Quyết định có hiệu lực.
Nếu số DN nêu trên lên sàn đúng hạn, thì cùng với hơn 200 DN đang đăng ký giao dịch hiện tại, sàn UPCoM dự kiến có một lượng hàng gần 600 DN, lớn hơn cả 2 sàn niêm yết (HOSE và HNX).
* Ngày 10/9, HNX đã có văn bản về việc chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của CTCP Tài nguyên Masan.
* HĐQT Tổng công ty Viglacera-CTCP đã quyết định sẽ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM trong quý III - quý IV2015, với giá tham chiếu 10.600 đồng/CP.