Người tiêu dùng thay đổi
Trước đây, để tìm kiếm thông tin về nhà đất, khách hàng gần như chỉ có duy nhất một lựa chọn, đó là qua các nhân viên môi giới, hoặc các "cò đất". Một phần nhỏ may mắn hơn có thể tìm hiểu thông qua người thân, bạn bè và giao dịch trực tiếp với người bán.
Tuy nhiên, sự phát triển của internet cùng sự ra đời của các nền tảng công nghệ đã thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận thông tin bất động sản.
Nhờ công nghệ, người mua nhà có thể chủ động tìm kiếm các thông tin theo cách tiếp cận rất cụ thể theo khu vực, theo giá, theo diện tích, thậm chí theo yếu tố phong thủy như mong muốn, đồng thời cũng có luôn các sản phẩm tương tự để so sánh.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, những kênh thông tin điện tử về bất động sản như Rightmove.co.uk, Zoopla.co.uk hay Zillow.com nắm giữ những thông tin tới từng chi tiết về ngôi nhà, bao gồm cả lịch sử giao dịch, hay những đánh giá về chất lượng sống của ngôi nhà và cả những nhà hàng xóm xung quanh.
Giá niêm yết và thông tin người môi giới rõ ràng, khi quan tâm, khách hàng chỉ cần liên hệ trực tiếp hoặc để lại thông tin, sẽ có người gọi, trao đổi rồi tiến hành đàm phán và giao dịch.
Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới. Tính trong giai đoạn 2015 - 2017, lượng người Việt dùng smartphone đã tăng tới 18%.
Bên cạnh đó, với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người, tỷ lệ sử dụng internet chiếm hơn 60%, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet.
Một thống kê đáng chú ý là thời gian sử dụng internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng/ngày. Điều này chứng minh rằng, người Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng để phục vụ các nhu cầu khác nhau.
Số liệu cập nhật từ CBRE Việt Nam cho thấy, với lĩnh vực bất động sản, những năm gần đây, dù các giao dịch điện tử trong lĩnh vực này diễn ra chưa nhiều do đây là sản phẩm đặc thù, có giá trị lớn, nhưng thống kê không đầy đủ của một trang mua bán bất động sản cho thấy, có tới khoảng 76% người có nhu cầu thường xuyên nghiên cứu sản phẩm trên internet trước khi quyết định mua.
Trong đó, 74% trong số này tiếp cận thông tin về dự án qua các trang tìm kiếm, 36% qua mạng xã hội và 33% qua website mua bán bất động sản hoặc môi giới. Đồng thời, tỷ lệ sử dụng internet để so sánh các lựa chọn với nhau và khách hàng sau khi mua chia sẻ kinh nghiệm trên mạng xã hội bằng nhau với 40%. Trong khi, 52% số người tìm kiếm đánh giá từ người dùng khác, 57% giao dịch thực tế được bắt nguồn từ internet.
Và cuộc đua của các đại gia
Với những con số ấn tượng như vậy, không khó hiểu làn sóng đầu tư vào công nghệ và các nền tảng thương mại điện tử phục vụ người tiêu dùng ngày càng nở rộ, trong đó có hoạt động phân phối bất động sản.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, không chỉ các công ty khởi nghiệp, mà nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đang ngày càng quan tâm và đổ tiền vào cuộc chạy đua làm "cò đất" trên internet tại Việt Nam.
Tháng 10/2018, trang thông tin batdongsan.com.vn công bố, đã được mua lại bởi Tập đoàn công nghệ bất động sản PropertyGuru - một “ông trùm” trong lĩnh vực môi giới bất động sản trên internet và thành công ở nhiều nước châu Á.
Ảnh: Shutterstock
Tương tự, Genesia Ventures (Nhật Bản), Access Venture (Hàn Quốc) và Mynavi Corporation (Nhật Bản) mới đây cũng đã rót vốn vào Homedy.com - một trang tin ứng dụng công nghệ tìm kiếm bất động sản.
Trước đó, Homedy cũng đã gọi vốn thành công lần đầu tiên sau khi khởi nghiệp từ năm 2015 từ Quỹ Genesia Ventures. Theo chia sẻ của lãnh đạo Homedy, việc gọi vốn thành công đã giúp Công ty có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mạnh vào Big data (dữ liệu lớn).
Một startup non trẻ khác cũng đã ra mắt nền tảng giao dịch bất động sản thông minh là Homehub.vn. Nền tảng này cho phép phát triển ứng dụng công nghệ, phân tích Big data trong giao dịch và môi giới bất động sản.
Nền tảng này sẽ không có gì nổi bật nếu không có sự chống lưng của một số đại gia bất động sản. Theo đó, HomeHub.vn đang là đối tác chiến lược với những doanh nghiệp lớn trong làng bất động sản như Novaland, Sun Group, Him Lam và HD Mon.
Không kém phần cạnh tranh,
CENLand, một thành viên của CEN Group tuần trước đã ra mắt Cenhomes.vn, sử dụng song song trên cả máy tính lẫn ứng dụng trên smartphone, nâng cấp từ Nghemoigioi.vn, một sản phẩm ra mắt trước đó khoảng gần 2 năm.
Việc ra mắt Cenhomes.vn, ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc CenHomes không giấu diếm tham vọng muốn chiếm lĩnh việc phân phối bất động sản qua mạng bằng việc có thể phục vụ cả người mua lẫn người bán một cách thuận tiện hơn.
Trước đó, Homeland Group, một doanh nghiệp tại Đà Nẵng cũng đặt tham vọng xây dựng một ứng dụng trên internet và smartphone có thể kết nối với tất cả các môi giới và người mua trên mọi miền, đồng thời khách hàng cũng có thể tìm kiếm các dự án theo ý muốn thông qua hệ thống siêu thị dự án mà doanh nghiệp này đang xây dựng.
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng trở nên thông minh và khó tính hơn, việc hàng loạt doanh nghiệp đầu tư phát triển và hoàn thiện các công nghệ tiện ích trên phục vụ cho các hoạt động môi giới bất động sản được xem là xu thế tất yếu.
Trong đó, sự ra đời của các kênh thông tin không chỉ mang tới sự thuận tiện cho người mua mà còn góp phần làm giảm chi phí quảng cáo, thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng của nhân viên môi giới. Sự thay đổi này cũng buộc nhân viên kinh doanh, môi giới phải chủ động và chuyên nghiệp hơn.
Với phương thức truyền thống, để bán hàng, nhân viên phải dùng nhiều đến giấy tờ, đưa khách hàng đến tham quan dự án. Còn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tất cả máy móc, thiết bị hiện đại sẽ dần thay thế.
Do đó, trong tương lai các "chợ" bất động sản online được kỳ vọng không chỉ giúp thị trường có thanh khoản hơn, mà còn góp phần tạo ra sự minh bạch cho thị trường. Cụ thể, với người mua nhà, giao dịch online giúp họ có được sự lựa chọn chính xác nhất thông qua việc minh bạch hoá thông tin và dịch vụ tư vấn tức thời, giúp họ mua được căn nhà như ý với giá gốc từ chủ đầu tư.
Còn về phía chủ đầu tư, mô hình này sẽ giúp phủ rộng tới lượng khách hàng lớn hơn, đa dạng hơn, đồng thời tiết kiệm một phần đáng kể chi phí bán hàng. Bên cạnh đó, sàn giao dịch online được nhìn nhận là không chứa đựng bất kỳ rủi ro nào, bởi khách hàng được tiếp cận thông tin đa chiều và cụ thể, ngay cả việc đặt cọc cũng được xác thực bởi các tổ chức thanh toán quốc tế.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com