Doanh nghiệp méo mặt với chi phí đầu vào

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất đang đối diện với bài toán giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí bị đội lên cao trong khi giá bán chưa tăng kịp.
Các doanh nghiệp thủy sản đang nhìn thấy rõ ảnh hưởng của việc giá thức ăn chăn nuôi tăng. Ảnh Dũng Minh Các doanh nghiệp thủy sản đang nhìn thấy rõ ảnh hưởng của việc giá thức ăn chăn nuôi tăng. Ảnh Dũng Minh

Nhu cầu nguyên liệu vượt cung

Xuất khẩu dệt may khởi sắc hơn từ nửa đầu tháng 3, nhưng theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các doanh nghiệp ngành dệt đang chịu nhiều áp lực bởi chi phí nguyên liệu tăng cao.

Từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, giá sợi tăng tới 25%. Nguyên nhân là vụ bông vừa qua, sản lượng thu hoạch thấp trong khi tồn kho bông toàn thế giới cũng giảm. Trong khi đó, giá vải bán ra lại chưa tăng.

Câu chuyện tăng giá nguyên liệu không chỉ diễn ra ở ngành dệt may. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc chia sẻ, giá nguyên liệu thép cán nóng tăng nhanh, đơn hàng mua trong tháng 3 là 650 USD/tấn, đơn hàng mua cho tháng 5 là 830 USD/tấn.

Hiện tại, Đại Thiên Lộc chưa lên được kế hoạch kinh doanh năm 2021 vì ngoài việc giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh thì còn khó khăn trong việc mua nguyên liệu sản xuất. Với tình trạng khan hàng, thiếu hàng nguyên liệu như hiện tại, có khả năng Công ty phải tạm dừng sản xuất.

Giá nguyên liệu đang tăng mạnh trên toàn cầu, do đại dịch Covid-19 khiến nguồn cung nguyên liệu khan hiếm và chuỗi cung ứng trên toàn cầu gặp nhiều khó khăn, khiến hoạt động giao hàng bị chậm trễ.

Các doanh nghiệp thủy sản đang nhìn thấy rõ ảnh hưởng của việc giá thức ăn chăn nuôi tăng.

Giá thức ăn nuôi tôm đã tăng từ 1,695 - 5,03% so với năm 2020, trong đó chủ yếu là giá thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng tăng.

Các doanh nghiệp ngành dệt đang chịu nhiều áp lực bởi chi phí đầu vào nguyên liệu tăng cao. Từ đầu năm đến nay, giá sợi đã tăng tới 25%

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)

Tại Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng thêm 1.500 đồng/kg kể từ ngày 1/3/2021 như C.P.9922 một bao 25 kg có giá 972.500 đồng.

Còn Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam từ ngày 1/4/2021 áp giá bán mới với tất cả các sản phẩm thức ăn tôm cao hơn 1.200 đồng/kg. Công ty TNHH Tongwei đã tăng giá thức ăn tôm từ ngày 5/2/2021 với mức tăng từ 1.200 - 1.400 đồng/kg.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân chính khiến các sản phẩm thức ăn chăn nuôi tôm tăng mạnh thời gian qua. Được biết, so với năm 2020, giá nguyên liệu đầu vào của ngành này tăng 16 - 51% và chủ yếu là các sản phẩm nhập khẩu.

Giá đậu nành nhập khẩu tăng liên tục từ đầu năm đến nay đẩy chi phí của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG), Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) lên cao, vì đậu nành là nguyên liệu thức ăn cá tra. Giá đậu nành tăng từ 8.000 đồng lên mức gần 14.000 đồng/kg kéo theo giá nguyên liệu đầu vào của ngành nuôi cá tra tăng khoảng 20% so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Huy, cán bộ phòng kinh doanh một doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho biết, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng trung bình tăng từ 4 - 5%. Sản phẩm thức ăn hỗn hợp cho lợn siêu nạc 15 – 30 kg có giá bán trong tháng 1/2021 là 11.370 đồng/kg thì đến tháng 3/2021 là 11.770 đồng/kg, tương đương mức tăng 400 đồng/kg.

Theo báo cáo mới nhất của các chuyên gia phân tích thực phẩm và kinh doanh ngành hàng nông nghiệp thuộc RaboResearch, những vấn đề trọng tâm của ngành chăn nuôi trong năm 2021 vẫn xoay quanh giá thức ăn tăng cao, những thách thức không ngừng liên quan đến Covid-19. Theo các chuyên gia, phải mất hai năm để nền kinh tế vững vàng trở lại và ngành chăn nuôi cần phải vượt qua khó khăn để phục hồi.

Ông Andrew Harker, Phó giám đốc IHS Market tại Việt Nam nhận xét, những khó khăn trong việc mua hàng từ nước ngoài do thiếu container chuyển hàng và do nhu cầu nguyên vật liệu của thế giới vượt quá khả năng cung cấp đã dẫn đến kéo dài thời gian giao hàng. Những mất cân bằng này tiếp tục làm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng mạnh trong tháng 2.

Căng mình chống chọi

Với những doanh nghiệp may mặc, việc giá bông tăng chưa tác động đến chi phí đầu vào vì nguyên liệu đầu vào của họ là vải (các doanh nghiệp dệt chưa tăng giá bán). Tuy vậy, một số doanh nghiệp đã sớm lên kế hoạch ứng phó với tình hình mới.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (TNG) cho biết, Công ty đã nhập sẵn khối lượng lớn nguyên liệu để chuẩn bị cho việc tăng sản lượng đơn hàng trong năm 2021.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nỗ lực gia tăng đơn hàng để đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu, nhằm giảm thiểu tác động của nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Tuy nhiên, bài toán này cũng không dễ giải.

Hiệp hội Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 2/2021, tôm vẫn là sản phẩm xuất khẩu có giá trị lớn nhất trong cơ cấu hàng thủy sản Việt Nam với giá trị 376 triệu USD, chiếm 37,7% tổng giá trị xuất khẩu, tuy nhiên tổng giá trị xuất khẩu tôm giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm 1,9%.

Sụt giảm mạnh nhất là mặt hàng tôm sú (giảm 35,5%), tôm biển giảm 7,1% và tôm chân trắng tăng 8,1%. Xuất khẩu vào các thị trường lớn đều ghi nhận giảm nhẹ (tại Nhật Bản giảm 7,1%, Mỹ giảm 1,4%, EU giảm 3,6%).

Tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), doanh thu tháng 2/2021 ghi nhận 436 tỷ đồng, giảm 31% so với tháng trước. Hầu hết các mảng kinh doanh đều sụt giảm, trong đó cá tra giảm 31%, phụ phẩm giảm 20%. Doanh thu xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Vĩnh Hoàn trong tháng 2 giảm 27%, tại châu Âu giảm 38%...

Lũy kế hai tháng đầu năm, tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 1.068 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ 2020, chủ yếu nhờ mức tăng trưởng cao của mảng phụ phẩm (phụ phẩm tăng 83% trong khi cá tra chỉ tăng 0,3%).

Không chỉ doanh nghiệp ngành chăn nuôi, thủy sản, những doanh nghiệp ngành ô tô, xây dựng, điện tử điện máy… cũng chịu áp lực khi giá nhựa đang tăng mạnh.

Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Stanley Brothers (SBSI) cho biết, giá hạt nhựa PE, PP giảm từ đầu năm 2020, tạo đáy vào tháng 5 và hồi phục mạnh mẽ trong tháng 7, 8.

Từ đầu tháng 12/2020 cho đến nay, thảm họa bão tuyết tại Texas và việc trì hoãn cắt giảm sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã kéo theo giá dầu thế giới và giá hạt nhựa tăng mạnh.

Tại khu vực Đông Nam Á, nguồn cung nhìn chung khan hiếm do các chuyến hàng bị trì hoãn trong bối cảnh thiếu container và chỗ đỗ tàu do ảnh hưởng của Covid-19. Giá dầu thô thế giới được dự báo vẫn tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021 và đi ngang trong nửa cuối năm.

Như vậy, với sự hồi phục của giá hạt nhựa, doanh thu mảng hạt nhựa phụ gia cũng như thương mại được kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong năm 2021.

Theo đó, các doanh nghiệp ngành nhựa hưởng lợi nhưng các doanh nghiệp sản xuất cần nguyên liệu nhựa gồm công nghiệp ô tô, xây dựng, điện tử điện máy, bao bì… sẽ gặp áp lực tăng chi phí.

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh nghiệp toàn cầu đã quay trở lại đẩy mạnh sản xuất khi có những thông tin tích cực về vắc-xin Covid-19.

Các doanh nghiệp trong nước cũng đang tích cực phục hồi sản xuất, tuy nhiên sự khan hiếm nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng cao đang là thách thức lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục