Giải bài toán cắt giảm chi phí logistics

0:00 / 0:00
0:00

Một trong những lý do khiến hàng hóa Việt Nam giảm sức cạnh tranh quốc tế là chi phí dịch vụ logistics cao. Cắt giảm chi phí logistics, giúp doanh nghiệp nội giành thị phần là bài toán không dễ.

Quy mô ngành logistics ước tính khoảng 40 - 42 tỷ USD, nhưng nhiều năm nay, doanh nghiệp Việt vẫn đang “lép vế” so với các doanh nghiệp ngoại. Quy mô ngành logistics ước tính khoảng 40 - 42 tỷ USD, nhưng nhiều năm nay, doanh nghiệp Việt vẫn đang “lép vế” so với các doanh nghiệp ngoại.

Chi phí logistics cao vì đâu?

Chi phí dịch vụ giao nhận vận chuyển - logistics tại Việt Nam hiện tương đương khoảng 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với Trung Quốc, Malaysia, Philippines; cao gần gấp đôi so với các nước phát triển và cao hơn khoảng 14% so mức bình quân toàn cầu. Đặc biệt, chi phí vận tải đang ở mức quá cao, chiếm 30 - 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác.

Một lần nữa, bài toán cắt giảm chi phí nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất nhập khẩu và doanh nghiệp trong hội nhập tiếp tục được đưa ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, có 3 vấn đề cốt yếu mà ngành logistics Việt Nam cần cải thiện để giảm chi phí là hạ tầng, thủ tục hành chính và kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước.

Theo Niên giám thống kê Vận tải và Logistics Việt Nam 2019, cả nước có 630.000 km đường bộ, nhưng mới có gần 2.000 km đường cao tốc. “80% lưu lượng hàng hóa của doanh nghiệp được vận chuyển bằng đường bộ, nhu cầu về những tuyến đường cao tốc hoàn thiện là rất cần thiết”, ông Lộc nói.

Chi phí vận tải đường bộ cao, nhưng doanh nghiệp có rất ít sự lựa chọn với các phương thức vận tải khác, bởi hệ thống đường sắt trong nước khá lạc hậu và thiếu kết nối vào các cảng hàng hóa, đường thủy nội địa chưa được chú trọng khai thác hiệu quả.

Thêm vào đó, hoạt động kiểm tra chuyên ngành khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính còn phổ biến, khiến chi phí logistics bị đội lên. Sự kết nối lỏng lẻo giữa các doanh nghiệp gây lãng phí tài nguyên lớn, khi có tới 70% xe chở hàng chấp nhận chạy không tải ở chiều về vì không thể tìm được khách hàng.

“Đây là những nguyên nhân khiến chi phí logistics của doanh nghiệp trong nước rất thiếu tính cạnh tranh”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ghi nhận ngành logistics của Việt Nam có nhiều cải thiện trong những năm gần đây, song bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc điều hành Danh mục dự án Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vẫn khuyến nghị cần tiếp tục hạ chi phí logistics để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nói riêng và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nói chung.

Cụ thể, Việt Nam đã cải thiện Chỉ số Hoạt động logistics (LPI), từ thứ hạng 53 (năm 2010) lên 39 (năm 2018) và xếp hạng cao hơn một số nước láng giềng như Malaysia, Indonesia và Philippines; nhưng xếp sau Thái Lan, Singapore, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc). Trong cuộc khảo sát LPI gần đây, mức phí và lệ phí logistics tại Việt Nam vẫn cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. 80% doanh nghiệp nói rằng, mức phí vận tải đường bộ tại Việt Nam cao hoặc rất cao so với mức trung bình của khu vực là 40%. Tương tự, 40% doanh nghiệp cho biết, phí cảng và sân bay tại Việt Nam cao hoặc rất cao so với mức trung bình khu vực là 30 - 35%.

Cách nào để giành thị phần trong tay khối ngoại?

Logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 16%/năm. Quy mô ngành logistics ước tính khoảng 40 - 42 tỷ USD, nhưng nhiều năm nay, doanh nghiệp Việt vẫn đang “lép vế” so với các doanh nghiệp ngoại.

Độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện đã rất lớn với 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực cùng Hiệp định RCEP vừa được ký kết, xuất khẩu hàng hóa gia tăng… là dư địa để ngành logistics tăng trưởng, nhưng cùng với đó, sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cũng sẽ ngày càng lớn.

Công ty Logistics AWOT Global Logistics Việt Nam, một công ty logistics toàn cầu cho hay, ngoài các doanh nghiệp FDI, Công ty đang phục vụ rất nhiều khách hàng là các doanh nghiệp Việt Nam. Với lợi thế có trụ sở tại 8 quốc gia trên thế giới, AWOT đưa ra giá dịch vụ khá cạnh tranh. Doanh nghiệp này có thể thuê bao cả đội tàu hay máy bay, điều mà các doanh nghiệp Việt Nam rất khó thực hiện.

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu rau quả sang EU, Mỹ, Nhật, Canada, Tập đoàn Vina T&T chủ yếu chọn dịch vụ logistics của các doanh nghiệp FDI, vì đặc thù xuất khẩu trái cây tươi cần phải vận chuyển “tốc độ” và giữ được độ tươi ngon. Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T thừa nhận, doanh nghiệp FDI đang giành thế áp đảo trên thị trường logistics Việt Nam với mức giá cạnh tranh và phương thức vận chuyển linh hoạt.

Để giải tỏa những điểm nghẽn của ngành logitstics, đại diện VCCI và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đều cho rằng, cần tiếp tục đầu tư cải thiện về hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành để kéo giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp, giảm bớt chi phí không chính thức.

Việc tăng cường kết nối và hình thành hệ sinh thái cộng sinh giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau và với các doanh nghiệp FDI là vô cùng cần thiết để khơi thông dòng chảy logistics, thúc đẩy hình thành các dịch vụ môi giới trung gian trong ngành.

Trong nỗ lực cắt giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh, Công ty Logistics và Khai thác cảng Lokasport - một doanh nghiệp nội - đã ứng dụng công nghệ, tân dụng nền tảng số hóa để tìm kiếm khách hàng, giảm lãng phí cho các chuyến xe ở chiều về. Ông Lê Mạnh Cương, Giám đốc Lokasport cho biết, ứng dụng nền tảng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp liên kết với các khách hàng hiệu quả hơn, tối ưu hóa hoat động vận tải hàng hóa.

Nếu không tìm cách cắt giảm chi phí, việc các FTA đi vào thực thi sẽ mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp vào Việt Nam nhiều hơn, khiến thị phần của doanh nghiệp nội vốn đã nhỏ, sẽ ngày càng teo tóp.

Tính đến cuối năm 2019, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 4.000 doanh nghiệp trong nước, trong đó có khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức.

Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics...

Nguồn: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục