Nhiều DN đang bức xúc vì Thông tư 219/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật Thuế GTGT quy định cơ sở kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên mới được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Hệ lụy lớn nhất của bất cập trên là những DN nhỏ và vừa không được xuất hóa đơn GTGT, nên rất khó bán hàng, khiến DN nhỏ và vừa vốn đã yếu lại càng yếu. Do DN phải trực tiếp sử dụng hóa đơn bán hàng, nên các đối tượng mua hàng của DN sẽ không được khấu trừ thuế GTGT. Do đó, tất cả các loại thuế đầu vào phải tính vào chi phí, nên giá thành hàng hóa đội lên rất nhiều.
Quy định bất hợp lý hiện tại còn thể hiện tư duy ngược. Đó là trước đây cơ quan thuế khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể, quy mô nhỏ nâng cấp hoạt động theo mô hình công ty để hạch toán cho rõ ràng, thì nay, với quy định mới của Luật Thuế GTGT sửa đổi, lại bắt các DN hạ cấp xuống thành hộ kinh doanh cá thể.
Bất cập trên không phải xuất phát từ Thông tư 219, mà bắt nguồn từ Luật Thuế GTGT sửa đổi, khi quy định: phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ gồm: cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh…
Dẫu vậy, theo phản ánh của nhiều DN, Thông tư 219 đặt ra nhiều điều kiện rối rắm, bất hợp lý, nên gây thêm khó cho DN, thưa ông?
Đúng là Thông tư 219 đặt ra nhiều điều kiện rắc rối, gây khó cho DN. Cụ thể, khi đưa ra điều kiện để được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, Thông tư 219 đã đưa ra nội dung bất cập: cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế gồm DN mới thành lập có mua tài sản cố định, máy móc có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên ghi trên hóa đơn mua tài sản cố định, máy móc trước khi thành lập (không bao gồm ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống của cơ sở kinh doanh không hoạt động vận tải, du lịch…).
Với những DN chỉ kinh doanh dịch vụ như công ty tư vấn, công ty luật, thì bắt họ mua tài sản cố định từ 1 tỷ đồng trở lên mới được khấu trừ thuế là vô lý, vì DN không có nhu cầu.
Bất hợp lý của quy định ngưỡng doanh thu 1 tỷ đồng còn gây thiệt hại cho DN. Trước đây, khi chưa có quy định này, DN tự in hóa đơn GTGT, nay nằm trong diện không đạt doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên, thì không thể sử dụng loại hóa đơn này, mà phải đi in hóa đơn trực tiếp. Nhìn vào chi phí bỏ ra in hóa đơn của 1 DN có thể không lớn, nhưng với hàng vạn DN rơi vào tình cảnh này, thì gây thiệt hại lớn cho DN và nền kinh tế.
Được biết, khi góp ý cho dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi trước đây, một số chuyên gia, DN, trong đó có ông, đã phản đối bổ sung quy định DN phải đạt ngưỡng doanh thu 1 tỷ đồng mới được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Theo ông, một quy định bất hợp lý như vậy tại sao vẫn được thông qua, để nay gây khó cho DN?
Chúng tôi phản đối việc bổ sung nội dung trên vào Luật, nhưng Ban soạn thảo không tiếp thu, mà đưa ra nhiều lý lẽ bảo vệ. Cái lý mà Bộ Tài chính với tư cách là đơn vị chủ trì soạn thảo Dự án luật đưa ra là, nhiều DN mới thành lập không phải để kinh doanh, mà nhằm mục đích mua bán hóa đơn để chiếm dụng tiền thuế GTGT của Nhà nước.
Số lượng hồ sơ xin được khấu trừ thuế GTGT của các DN tăng lên rất nhiều, trong khi biên chế của ngành thuế không tăng, nên khối lượng công việc của ngành thuế tăng mạnh… Do đó, theo Ban soạn thảo, việc quy định đạt ngưỡng doanh thu 1 tỷ đồng/năm mới được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế là cần thiết.
Tuy nhiên, thực tế áp dụng Luật đang cho thấy, trong khi mục tiêu của việc đưa ra quy định trên là để góp phần ngăn chặn thành lập DN “ma” để mua bán hoá đơn nhằm chiếm đoạt tiền thuế chưa mang lại kết quả rõ nét, thì rất nhiều DN đang hoạt động bình thường đã phải gặp khó.