Doanh nghiệp lữ hành “kết bè” vượt bão

Sau tất cả, Covid-19 chính là bước ngoặt lịch sử của ngành kinh tế xanh, để giờ đây doanh nghiệp lữ hành nỗ lực “kết bè” để tạo cục diện mới và bứt phá.
Các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh liên kết để vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong ảnh: Một tour du lịch tại Côn Đảo

“Kết bè” vượt bão

Năm 2020, một trong những hoạt động du lịch mang nhiều dấu ấn của lữ hành là các liên minh kích cầu du lịch. Thấy rõ nhất là những cảnh khách hàng xếp hàng dài để săn tour khuyến mại. Giá giảm kịch sàn, người dân Việt Nam được trải nghiệm các dịch vụ đẳng cấp vốn chỉ dành cho khách quốc tế “nhà giàu”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, thì hoạt động kích cầu cũng bộc lộ nhược điểm như thời gian kích cầu ngắn, dẫn đến hạn chế về truyền thông và bán sản phẩm; số lượng dịch vụ theo giá kích cầu ít, hoặc đi kèm những điều kiện khó thực hiện; sự lệch pha trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu giữa các bên.

Buồn hơn là khi chương trình kích cầu bắt đầu tạo được hiệu ứng thì xuất hiện tình trạng phá cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ như: tăng giá; bổ sung những chương trình khuyến mại hấp dẫn hơn cho khách hàng trực tiếp, các doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp khác; hình thành thêm liên minh cạnh tranh với nhau, thậm chí cạnh tranh giữa chính các đơn vị trong liên minh...

Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Tổng giám đốc Flamingo Redtours nhận định: “Điều này đã phá vỡ trật tự kinh doanh, gây hỗn loạn thị trường, quyền lợi của các thành viên không được bảo đảm".

Đồng tình với quan điểm cần có sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động lữ hành, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng: “Cần khắc phục tình trạng doanh nghiệp lữ hành nhái lại sản phẩm của nhau. Việc doanh nghiệp không tự xây dựng sản phẩm dẫn đến những sản phẩm na ná nhau, mà muốn tạo ra sản phẩm khác biệt thì cần kỹ thuật, nguồn nhân lực và chuyển đổi số”.

Năm 2021 xác định vẫn là năm khó khăn của ngành du lịch, bởi vậy vai trò của liên minh, liên kết cần phải đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa. Muốn vậy, theo ông Hoan, hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung những giá trị mới.

“Du lịch trong nước là phao cứu sinh của ngành năm 2021. Khi miếng bánh chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu, mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, bổ sung những dịch vụ gia tăng để thu hút khách chi tiêu quay trở lại nhiều lần”, ông Hoan nhấn mạnh.

Mặt khác, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên, từ cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ tại điểm đến, phương tiện vận chuyển cho đến công ty lữ hành, cơ quan thông tấn báo chí thì hoạt động liên minh kích cầu mới hiệu quả.

Đổi mới phương thức quản lý, vận hành

Năm 2020, ngành du lịch chứng kiến hàng ngàn doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động. Có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng 3 lần so với năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 là 312.200 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa.

Trước cơn bão Covid-19 hoành hành, những người cầm trịch của ngành nhận ra chỉ phát triển bền vững mới có thể cứu được du lịch. Và cũng chỉ phát triển theo hướng đó mới có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng, đòi hỏi ngày càng cao của du khách, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển du lịch trên thế giới.

Phương châm “linh hoạt, thích ứng và hiệu quả” đã và đang được các hãng lữ hành áp dụng triệt để nhằm duy trì hoạt động doanh nghiệp, giữ nguồn nhân lực. Theo các chuyên gia, để làm được việc đó, doanh nghiệp cần tập trung vào 4 giải pháp: phát triển du lịch bền vững; tăng cường vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch cộng đồng; chuyển đổi số trong lữ hành; cơ cấu lại thị trường, sản phẩm du lịch và xúc tiến.

“Việc nâng cao năng lực về phát triển bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp ứng phó tốt hơn với các rủi ro hiện tại và trong tương lai. Nhân lực của các doanh nghiệp sẽ được nâng cao năng lực trên nhiều góc độ như: nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, phát triển và khác biệt hóa sản phẩm du lịch bền vững, marketing du lịch bền vững, vận hành doanh nghiệp du lịch bền vững, quản trị doanh nghiệp du lịch bền vững, kiểm toán du lịch bền vững”, ông Phùng Quang Thắng nói.

Trên thế giới, công nghệ số trong lữ hành đã được ứng dụng rộng rãi và nhiều nền tảng số đã thâm nhập vào hoạt động của doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. Đáng tiếc là thực tế các doanh nhiệp lữ hành nội đa số quy mô nhỏ và vừa, chưa thực sự bắt kịp xu thế.

Đại diện nhiều đơn vị lữ hành cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ quyết định và buộc họ nếu muốn tồn tại lâu dài cần chuyển mình với công nghệ đổi số phù hợp và hiệu quả. Bởi chuyển đổi sẽ làm thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, chuỗi giá trị cũng như hệ sinh thái giá trị doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, ngành du lịch muốn phát triển bền vững cần phải đi bằng kiềng ba chân với ba lĩnh vực nòng cốt: nội địa, inbound và outbound. Do đó, cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc nới lỏng đi lại trong khu vực và thế giới, khôi phục du lịch quốc tế trở lại.

Trong bối cảnh mới đó, doanh nghiệp lữ hành cần phải đổi mới phương thức quản lý và kinh doanh. Đồng thời, tăng cường liên kết, rút kinh nghiệm trong liên minh kích cầu nội địa cũng là cơ sở để đi tắt, đón đầu kích cầu du lịch inbound và outbound, tạo bứt phá khi thị trường phục hồi.

Hạnh Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục