Doanh nghiệp loay hoay với biến động chính sách ngoại tệ

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh quý I và cả năm 2016 của nhiều DN có nợ vay ngoại tệ, các DN có quan hệ vay mượn ngoại tệ lâu nay sẽ chịu tác động lớn từ biến động tỷ giá, cũng như các chính sách liên quan đến cho vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/4/2016. 
Doanh nghiệp loay hoay với biến động chính sách ngoại tệ

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) đã phản ánh kết quả kinh doanh quý I của DN với con số lỗ ròng lên tới 157 tỷ đồng.

Xét về hoạt động kinh doanh chính, doanh thu quý I của PPC giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.707 tỷ đồng do giá bán điện bình quân quý I/2016 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Giá vốn hàng bán biến động giảm cùng chiều với doanh thu, tỷ lệ giảm gần 12% về 1.654 tỷ đồng. Doanh thu giảm, tuy nhiên giá vốn giảm ít hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, chỉ đạt 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lợi nhuận gộp lên tới 134 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi nhuận gộp cùng với doanh thu tài chính gần 98 tỷ đồng không thể bù đắp khoản chi phí tài chính lên tới 285 tỷ đồng của PPC trong kỳ. Trong đó, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá mà PPC phải ghi nhận gần 262 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, trong quý I/2016, PPC ghi nhận con số lỗ ròng lên tới gần 157 tỷ đồng, trong khi quý I/2015 đạt lãi ròng gần 52 tỷ đồng.

Đến thời điểm ngày 31/3/2016, số dư nợ vay của hợp đồng vay dài hạn của EVN (vay lại hợp đồng vay vốn của JBIC) còn lại là 22,2 tỷ JPY. Đây chính là khoản vay có ảnh hưởng trọng yếu đến việc trích lập chi phí chênh lệch tỷ giá của PPC trong thời gian qua. 

Trên sàn niêm yết, khá nhiều DN sẽ chịu tác động tương tự PPC khi có khoản vay ngoại tệ lớn, đơn cử như CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau, CTCP Nhiệt điện dầu khí Nhơn Trạch 2, CTCP Nhiệt điện Bà Rịa…

Không chỉ các DN vay nợ ngoại tệ lớn, tác động từ quy định, kể từ ngày 1/4/2016, các ngân hàng không còn được cho vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh trong nước cũng sẽ tác động lớn đến các DN, bởi lãi suất vay ngoại tệ trước đây thường chỉ bằng một nửa lãi suất vay VND. Như vậy, chi phí tài chính của nhiều DN sẽ đội lên gấp đôi so với trước đây.

Đại diện CTCP Tập đoàn Minh Phú  cho biết, lâu nay họ vẫn vay ngoại tệ của một số ngân hàng với lãi suất khoảng 3-4%/năm, sau đó đổi ra tiền đồng để thanh toán việc mua nguyên liệu trong nước. Là DN xuất khẩu tôm, nên Minh Phú luôn có nguồn thu ngoại tệ để trả các ngân hàng sau đó.

Việc vay ngoại tệ đã giúp DN tiết kiệm không ít chi phí tài chính. Tuy nhiên, theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, Công ty không còn được vay USD để đổi ra tiền đồng nữa. Trong khi đó, lãi suất tiền đồng lại cao gấp đôi so với lãi suất vay USD, dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên, từ đó làm giá thành hàng hóa của Công ty bị đội lên, giảm khả năng cạnh tranh.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, chủ tịch một DN lớn cho biết, hiện có rất ít DN thực hiện được chính sách vay USD với các ngân hàng. Họ phải thỏa mãn nhiều điều kiện khắt khe như có nguồn USD về bán cho ngân hàng đủ tương ứng với nguồn DN đã vay. Quan trọng hơn, tín nhiệm của ngân hàng đối với DN phải ở mức rất cao, dựa trên khả năng trả nợ, dòng tiền tốt…

Không có năng lực tốt như những DN nọ, tổng giám đốc một công ty chuyên kinh doanh hàng thực phẩm rất lo lắng. Chi phí tài chính tăng, buộc công ty phải tính đến việc tăng giá bán sản phẩm, nhưng nếu không tính toán kỹ sẽ mất thị phần vào tay các đối thủ nước ngoài, bởi họ đang có lợi thế vốn vay rẻ khi xuất hàng cùng nước sở tại vào Việt Nam.

Thách thức này cũng được ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch CTCP Đầu tư và thương mại TNG nhấn mạnh rằng, lãi suất tiền đồng mà các DN dệt may như TNG đang được ngân hàng áp dụng là 7-8%/năm. trong khi lãi suất vay vốn của các đối thủ đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc chỉ bằng non nửa.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục