Ông Trương Văn Phước: Càng chống, dân càng găm giữ ngoại tệ

Trong vòng 4 tháng cuối năm 2015, tiền gửi ngoại tệ tăng mạnh, chứng tỏ găm giữ ngoại tệ tăng lên. Đặc biệt, kỳ hạn gửi ngoại tệ đang chuyển từ kỳ hạn sang không kỳ hạn, gây nhiều rủi ro thanh khoản.
TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Nhiều chính sách được Ngân hàng nhà nước ban hành năm 2016 đã giúp thị trường ngoại hối, tỷ giá ổn định. Tuy nhiên, điều nghịch lý là hiện tượng găm giữ ngoại tệ trong dân không giảm mà thậm chí lại còn có chiều hướng gia tăng.

Theo số liệu mà TS. Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NSFC) cung cấp,  năm 2015, huy động vốn tăng 16,1% so với năm 2014, trong đó VND tăng 16,3% (năm 2014 là 19,3%); ngoại tệ tăng 14,3% (trong khi năm 2014 chỉ tăng 4,7%). Đáng nói, tăng trưởng huy động ngoại tệ lại tăng đột biến trong 4 tháng cuối năm (từ tháng 9 - 12/2015), tức trùng với thời điểm NHNN hạ lãi suất huy động ngoại tệ về 0%. 

Nguyên nhân của việc tình trạng găm giữ tăng lên là việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đã tác động tới tâm lý người dân và họ đã chuyển sang mua ngoại tệ, gửi vào hệ thống ngân hàng.

"Rõ ràng có vấn đề ở đây, chống đô la hóa giúp tỷ giá ổn định nhưng tỷ lệ đô la hóa lại tăng lên”, ông Phước nêu lên nghịch lý.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đang có rất nhiều "vấn đề" trên thị trường ngoại tệ. Thứ nhất, huy động ngoại tệ tăng trong khi tín dụng ngoại tệ giảm cho thấy, tình trạng găm giữ, tích trữ ngoại tệ trong dân tăng cao. "Việc đưa lãi suất USD về 0 cũng không làm giảm nhu cầu tích trữ ngoại tệ của thị trường”, ông Lê Đức Thúy bình luận.

Cũng theo chuyên gia này, cơ cấu kỳ hạn huy động ngoại tệ đang hé lộ nhiều vấn đề nhạy cảm, khi tiền gửi ngoại tệ đã được người dân chuyển hết về mức không kỳ hạn (do lãi suất huy động USD tất cả kỳ hạn đều đã về 0%). 

Đây có lẽ cũng là nguồn cơn của một vấn đề khá khó hiểu hiện nay: Huy động vốn ngoại tệ tăng cao, lãi suất huy động vốn ngoại tệ rẻ (chỉ 0%) nhưng các ngân hàng lớn vẫn phải xin vay hàng trăm triệu USD từ các ngân hàng nước ngoài. Việc ngân hàng Vietinbank vừa ký hợp đồng vay 200 triệu USD với 18 ngân hàng quốc tế lớn là một ví dụ điển hình.

H.T
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục