
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 16/7 giảm 500.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 118,60 – 121,60 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 19,5 USD xuống mức 3.322,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích và lên trên 3.340 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 98,57 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 25.168 đồng/USD, tăng 20 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.970 – 26.330 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 120.300 USD xuống 117.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã dần hồi phục và lên trên 118.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,21 USD (-0,32%), xuống 66,26 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,24 USD (-0,35%), xuống 68,47 USD/thùng.
VN-Index tăng gần 15 điểm
Nhà đầu tư giao dịch thận trọng ngay từ sớm khiến VN-Index chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu, dù dòng tiền nhìn chung vẫn khá tích cực trên bảng điện tử.
Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, lực cầu hoạt động mạnh mẽ hơn, nhất là ở các mã bluechip trong nhóm VN30 sau đó lan tỏa ra nhiều nhóm ngành, kéo VN-Index bật ngược trở lên, đóng cửa tăng gần 15 điểm, vượt qua mốc 1.475 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch 16/7: VN-Index tăng 14,82 điểm (+1,01%), lên 1.475,47 điểm; HNX-Index tăng 2,02 điểm (+0,84%), lên 242,35 điểm; UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,05%), lên 103,08 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Ba (15/7), khi thị trường đón nhận dữ liệu lạm phát cao hơn dự báo.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 2,7% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, tăng so với mức tăng 2,4% của tháng 5.
Trong khi đó, CPI lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng) đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 2,8% của tháng 5.
Kết thúc phiên 15/7: Chỉ số Dow Jones giảm 436,36 điểm (-0,98%), xuống 44.023,39 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 24,80 điểm (-0,40%), xuống 6.243,76 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 37,47 điểm (+0,18%), lên 20.677,80 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giằng co nhẹ và đóng cửa giảm, khi lo ngại về thuế quan và bầu cử khiến giao dịch thận trọng.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,04% xuống 39.663,40 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,21% xuống 2.819,40 điểm.
"Các nhà đầu tư có lý do để không mua hoặc bán cổ phiếu. Họ đang thận trọng chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử thượng viện, trong khi triển vọng của các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ không rõ ràng ngay cả khi thời hạn 1/8 đến gần", Shigetoshi Kamada, trưởng nhóm nghiên cứu tại Tachibana Securities cho biết.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy liên minh của Thủ tướng Shigeru Ishiba có thể mất đa số trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 20/7, buộc họ phải tìm cách hợp tác một loạt các đảng nhỏ hơn để thúc đẩy chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng như hiện tại.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi những lo ngại về căng thẳng thương mại kéo dài.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,04% xuống 3.503,78 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,30% xuống 4.007,20 điểm.
"Chúng tôi giả định rằng mức thuế của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi ở mức 30%, nhưng sự leo thang gần đây của của Mỹ trong vấn đề thuế quan đối với các nền kinh tế khác có khả năng sẽ làm suy yếu thêm thương mại toàn cầu", các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông giảm sau năm phiên liên tiếp tăng trước đó, khi áp lực chốt lời gia tăng.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,25% xuống 24.529,05 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,16% xuống 8.863,12 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, ảnh hưởng bởi đà sụt giảm đêm qua trên Phố Wall do các dấu hiệu tác động của thuế quan trong đến lạm phát của Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 28,90 điểm, tương đương 0,90% xuống 3.186,38 điểm.
Kết thúc phiên 16/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 14,62 điểm (-0,04%), xuống 39.663,40 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,22 điểm (-0,04%), xuống 3.503,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 72,36 điểm (-0,29%), xuống 24.517,76 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 28,90 điểm (-0,90%), xuống 3.186,38 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Lợi nhuận ngân hàng quý II sẽ có nhiều “gam sáng”
Tín dụng tăng cao trong nửa đầu năm là một trong những yếu tố chính tác động tích cực lên tăng trưởng lợi nhuận bán niên của ngân hàng, dù biên lãi ròng chịu áp lực giảm..>> Chi tiết
- Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”: Giải mã động lực phát triển thị trường vốn Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức vận hành (28/7/2000 – 28/7/2025), Báo Tài chính – Đầu tư (cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính) tổ chức Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” vào sáng 23/7 tại Hà Nội..>> Chi tiết
- Cổ phiếu bất động sản: Kỳ vọng tăng trưởng rất lớn khi thị trường hồi phục
Năm 2025 được kỳ vọng sẽ là thời điểm vàng để các nhà đầu tư xem xét quay trở lại với nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản. Nhận định này đến từ những thay đổi tích cực trong môi trường pháp lý và nguồn vốn – hai rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua..>> Chi tiết
- Lạm phát của Mỹ tăng trở lại trong tháng 6
Hôm thứ Ba (15/7), dữ liệu mới nhất được công bố cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng nhẹ trong tháng 6 khi thuế quan có thể đang bắt đầu tác động đến người tiêu dùng..>> Chi tiết