Đây là vụ việc hiếm hoi trong giới kinh doanh. Giám đốc Công ty TNHH Người Thành Thị, chủ chuỗi PHINN CAFE đã 5 năm trời theo đuổi vụ kiện hành chính thành viên Tổ Quản lý trật tự đô thị phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM), để đòi bồi thường…100.000 đồng. Phán quyết của Tòa án là lời cảnh tỉnh cho cơ quan công quyền và người hành pháp trong thực thi công vụ.
Sai đối tượng, trật phạm vi
Khác với thông thường là khởi kiện người có chức trách ra quyết định hoặc ký quyết định xử lý, ông Phạm Lê Tuấn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Người Thành Thị, chủ chuỗi PHINN CAFE (TP.HCM) đã khởi kiện 2 cá nhân thuộc Tổ Quản lý trật tự đô thị phường Bến Nghé - những người lập biên bản xử phạt hành chính trái luật đối với ông.
Theo ông Nghĩa, đây là đầu mối đầu tiên xác lập hành vi, quyết định tới chữ ký của cấp trên sau đó.
Theo đơn khởi kiện của ông Nghĩa, ngày 25/9/2015, nhân viên Công ty Người Thành Thị là Nguyễn Thanh Vũ có đến giao hàng (theo đơn đặt trước) trong khuôn viên tòa nhà Kumho (39 - Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM).
Trong lúc ông Vũ đang đợi khách xuống lấy hàng, thì bị 2 người là Nguyễn Văn Kiên và Hoàng Minh Trước thuộc Tổ Quản lý trật tự đô thị phường Bến Nghé đến lập biên bản xử phạt hành chính. Nhân viên này đã gọi điện cho ông Nghĩa tới xử lý, vì ông Nghĩa là người đại diện theo pháp luật của Công ty.
Đáng lưu ý, thay vì nhân viên Nguyễn Thanh Vũ, biên bản lại nêu đích danh ông Nghĩa khi ghi: “Vào lúc 9h40’ ngày 25/9/2015 tại lề đường Hai Bà Trưng góc Lê Duẩn, ông Phạm Lê Tuấn Nghĩa đã có hành vi vi phạm để xe gắn máy trên vỉa hè trái quy định của pháp luật”.
Như vậy, theo ông Nghĩa, biên bản của Tổ Quản lý trật tự đô thị phường Bến Nghé đã sai đối tượng.
Chưa hết, ông Nghĩa cho biết, lúc 2 người của Tổ Quản lý trật tự đô thị phường Bến Nghé tiến hành lập biên bản, thì nhân viên PHINN CAFE đứng trong khuôn viên tòa nhà Kumho, chứ không phải trên vỉa hè, hay nơi công cộng.
Liên quan nội dung này, ngày 10/5/2016, trong Báo cáo số 161/BC-UBND gửi văn phòng UBND TP.HCM, Phó chủ tịch UBND phường Bến Nghé, ông Võ Quốc Hưng thừa nhận, qua đối chiếu các quy định pháp luật, UBND phường Bến Nghé xác định: việc lập biên bản vi phạm hành chính là không đúng đối tượng; tại thời điểm lập biên bản, nhân viên PHINN CAFE đậu xe tại góc khuyết giữa hai bồn cây của toà nhà Kumho, qua kiểm tra chủ quyền của khu vực trên thì tuy không thuộc phạm vi lộ giới, nhưng là khu vực dành cho người đi bộ và trước ngày 1/6/2015, Ban Quản lý tòa nhà Kumho đã có ý kiến là phần từ ngoài bồn cây trở ra thì lực lượng chức năng mới xử lý tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường.
Luật bé hơn… quan điểm
Một nội dung đáng lưu ý cũng gây bức xúc, khiến Giám đốc Công ty TNHH Người Thành Thị khởi kiện là việc 2 thành viên Tổ Quản lý trật tự đô thị phường Bến Nghé lập biên bản áp dụng hình thức kinh doanh của công ty như mô hình “buôn bán nhỏ lẻ lấn chiếm lòng lề đường”.
“Lúc này, nhân viên của tôi đang đợi khách hàng để giao hàng theo đơn đặt hàng qua điện thoại, chứ không phải là dừng, đậu để buôn bán hàng rong, hay nhỏ lẻ vỉa hè để áp dụng nhằm xử phạt lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè. Hình thức buôn bán của tôi được pháp luật quy định là nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, có mã kinh tế là 5610...”, ông Nghĩa nói.
Lập luận trên có cơ sở, bởi hình thức buôn bán hàng rong vỉa hè là hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản A, Điều 3, Nghị định 39/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Còn hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Người Thành Thị thì thuộc mã kinh tế 5610 (tức thuộc nhóm nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động).
Như vậy, nếu áp việc giao hàng kinh doanh lưu động vào hình thức buôn bán nhỏ lẻ không cần đăng ký để xử phạt là trật luôn đối tượng, hành vi, mục đích.
Liên quan nội dung trên, cũng trong Báo cáo số 161/BC-UBND gửi văn phòng UBND TP.HCM, ông Võ Quốc Hưng cho hay, căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Người Thành Thị, thì hoạt động doanh nghiệp theo mã kinh tế 5610, thuộc nhóm nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động. “Theo quy định, ngành nghề nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động được phép bán đồ ăn mang về, bán hàng ăn uống lưu động trên phố, chợ …”, báo cáo nêu rõ.
Tuy nhiên, ông Võ Quốc Hưng cho biết thêm: “Theo quan điểm của Phòng Tư pháp quận, ngành nghề bán hàng lưu động không có nghĩa là có thể bày bán ở bất cứ nơi nào. Việc kinh doanh buôn bán ở TP.HCM thì phải tuân theo quy định của UBND TP.HCM. Cụ thể, trong trường hợp này (vụ doanh nghiệp ông Nghĩa), UBND TP.HCM không cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa. Vì vậy, Phòng Tư pháp quận 1 đề nghị UBND phường Bến Nghé căn cứ quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CB ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, đường bộ để xử phạt…”.
Như vậy, rõ ràng là quan điểm của Phòng Tư pháp quận 1… to hơn cả luật? Đó là chưa nói, mô hình kinh doanh lưu động theo quy định pháp luật tại mã kinh tế 5610 đã phát huy thế mạnh của nó, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua, khi cách ly xã hội mà hàng hóa vẫn đáp ứng nhu cầu, thông suốt. Hơn thế nữa, thời cách mạng công nghiệp 4.0, thời thương mại điện tử, nền tảng kinh doanh di động đã chứng minh được tính hữu ích của chúng khi lượng người sử dụng ngày càng nhiều hơn. Nên nếu áp dụng theo “tư duy” triệt tiêu một cách cứng nhắc của chuyên viên pháp lý phường, thì đáng lo cho xu hướng kinh doanh tất yếu của thị trường thời toàn cầu hóa, thời cách mạng công nghiệp 4.0.
Phán quyết của Tòa và lời cảnh tỉnh
Từ các luận cứ trên, ông Nghĩa cho rằng, hành vi lập biên bản là trái pháp luật và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân ông, cũng như hoạt động kinh doanh, thương hiệu của doanh nghiệp khi giấy chứng nhận và phương tiện bị tạm giữ nhiều tháng trời.
Vì vậy, ban đầu, năm 2016, ông Nghĩa khởi kiện đích danh Chủ tịch UBND phường Bến Nghé ra tòa, vì cho rằng, vị này phải chịu trách nhiệm trước hành vi của cấp dưới. Theo đó, ông Nghĩa yêu cầu Tòa buộc Chủ tịch UBND phường Bến Nghé có văn bản xin lỗi về việc lập biên bản hành chính sai trái của tổ trật tự đô thị, buộc UBND phường Bến Nghé bồi thường 100.000 đồng cho việc buôn bán bị gián đoạn và 2 triệu đồng cho việc lập vi bằng.
Ngày 16/8/2016, Tòa án Nhân dân quận 1 tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hành chính và bác bỏ vì cho rằng, yêu cầu Chủ tịch UBND phường Bến Nghé bồi thường 100.000 đồng thiệt hại cho những ngày đi lại và số tiền 2 triệu đồng lập vi bằng là không có cơ sở. Hội đồng Xét xử cũng bác bỏ yêu cầu UBND phường phải có văn bản xin lỗi ông Nghĩa về vụ việc trên.
Thay vì đôi co lớn tiếng ngoài đường, thay vì e ngại, sợ sệt, tôi không ngại ra tòa một cách văn minh. Đã làm doanh nghiệp thì phải am hiểu luật và việc ra tòa phân xử hành vi là lẽ thường, là văn minh, chứ không còn kiểu quan niệm “vô phúc đáo tụng đình”.
Tôi đeo đuổi vụ kiện, để cơ quan công quyền tỉnh táo, khi tuyển dụng nhân sự phải xem kỹ năng lực của họ, nếu không rất nguy hại. Đô thị văn minh thì trước tiên, chính quyền phải thật sự văn minh trong suy nghĩ.
Ông Phạm Lê Tuấn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Người Thành Thị (trao đổi với phóng viên sau phiên tòa ngày 30/9/2020)
Nhận định lại đối tượng và hành vi, ông Nghĩa tiếp tục khởi kiện, nhưng người bị kiện là 2 cá nhân thuộc Tổ Quản lý trật tự đô thị phường Bến Nghé, bởi đó là đầu mối đầu tiên quyết định mọi vấn đề sau đó. Ở tình huống pháp lý này, Chủ tịch UBND phường Bến Nghé chỉ còn là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Với đơn kiện này, Tòa án Nhân dân quận 1 tiếp tục thụ lý và ngày 30/9/2020 đã đưa ra xét xử.
Tại phiên tòa xét xử vụ doanh nghiệp “cả gan” kiện cá nhân hành pháp của cơ quan công quyền rất hiếm hoi này, phía người bị kiện (2 cá nhân thuộc Tổ Quản lý trật tự đô thị phường Bến Nghé) cùng đại diện UBND phường Bến Nghé, UBND quận 1 đều… xin vắng mặt.
Sau khi nghe ông Nghĩa trình bày và nghị án, Hội đồng Xét xử tuyên án chấp nhận một phần đơn kiện, cho rằng việc 2 cá nhân của Tổ Quản lý trật tự đô thị phường Bến Nghé đã lập biên bản vi phạm trái quy định pháp luật.
Rõ ràng, vụ việc là rất nhỏ, hành vi nếu bị phạt cũng rất thấp, so với thời gian, công sức suốt 5 năm của doanh nghiệp bỏ ra đi kiện, đòi bồi thường. Tuy nhiên, đây là lời cảnh tỉnh cho cơ quan công quyền cũng như người hành pháp, buộc họ phải am tường luật hơn, chứ không thể cảm tính như đã xảy ra.