Doanh nghiệp kêu thiếu xăng để bán

Nhiều đơn vị phân phối bán xăng ra cầm chừng khi nguồn cung không dồi dào, chiết khẩu giảm 1/3.
Bơm xăng tại một trạm bán lẻ ở Quận 2, TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa. Bơm xăng tại một trạm bán lẻ ở Quận 2, TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Chia sẻ với VnExpress, chủ chuỗi cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Thường Tín (Hà Nội) và Hoà Bình cho hay, 10 ngày nay việc nhập hàng, nhất là xăng RON 95, từ các đầu mối tương đối khó khăn.

"Số lượng cung ứng từ doanh nghiệp đầu mối nhỏ giọt, nhiều hôm phải gọi 3-4 nơi mới đủ lượng hàng bán cho hôm sau", ông chủ chuỗi cửa hàng cho biết.

Tương tự tại khu vực phía Nam, giám đốc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Thủ Đức (TP HCM) thừa nhận, nguồn cung xăng RON 95 không dồi dào như trước. Vài tháng nay, doanh nghiệp đăng ký nguồn hàng tăng song không được doanh nghiệp đầu mối đáp ứng.

Các doanh nghiệp đầu mối lý giải rằng, họ đang phải tăng mua từ Lọc dầu Dung Quất và nhập khẩu để đảm bảo cung trong nước khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang ngừng cung cấp hàng.

Theo thống kê, lượng bán ra các sản phẩm xăng, dầu của Lọc dầu Dung Quất (15-24/3) tăng hơn 41.250 m3 các loại so với một tháng trước đó.

Tăng mạnh nhất là dầu DO, gần 26.000 m3; RON 95 tăng hơn 7.000 m3, còn xăng RON 92 (xăng nền để pha E5 RON 92) gần 8.500 m3. Sản lượng bán của Dung Quất tăng nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 40% thị trường.

Các đầu mối phải tăng nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc để được hưởng ưu đãi thuế FTA với nước này. Nguồn nhập khẩu này cũng không ổn định do các nhà máy chuẩn bị vào giai đoạn bảo dưỡng, không có nhiều hàng để bán.

Ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc PVOil cho biết, trong giai đoạn nan giải nguồn cung, doanh nghiệp vẫn phải cố gắng duy trì cho hệ thống cửa hàng, đại lý của mình không để đứt hàng.

Không riêng PVOil, một số doanh nghiệp đầu mối khác cũng cho biết chỉ đảm bảo đủ hàng phân phối trong hệ thống, lượng bán ra cho các thương nhân phân phối rất hạn chế.

Không chỉ vậy, mức chiết khấu giảm mạnh khiến các đại lý cũng không mặn mà bán.

Chủ chuỗi cửa hàng xăng dầu ở Thường Tín (Hà Nội) thừa nhận, hiện chiết khấu trên mỗi lít xăng RON 95 nhận lại từ các doanh nghiệp phân phối là 450 đồng, xăng E5 RON 92 cũng không khá hơn, khoảng 500 đồng một lít. Tiền chi chiết khấu các mặt hàng xăng dầu đã giảm 1/3 so với trước đây.

Danh nghiệp đầu mối ở Bình Dương cho hay lợi nhuận năm nay của công ty so với năm trước có thể giảm 30-40% nếu cơ quan quản lý liên tục điều hành bình ổn.

"Cơ quan quản lý khuyến khích tăng bán E5 RON 92 nhưng mức chiết khấu của loại xăng này cũng chỉ vào khoảng 400-500 đồng không có khác biệt với RON 95. Trong khi đó, RON 95 lại hạn chế số lượng nên doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang khó khăn trong kinh doanh và giữ chân các đại lý nhỏ", ông bộc bạch. 

Trong khi các doanh nghiệp kêu thiếu xăng, lo nguồn cung khan hiếm, thì Bộ Công Thương vẫn khẳng định nguồn cung đáp ứng đủ.

Trong trường hợp thiếu, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm các nguồn nhập khẩu hợp lý để bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường trong nước. "Doanh nghiệp cam kết sẽ bảo đảm nguồn cung liên tục, không bị gián đoạn cho hệ thống bán lẻ xăng dầu của mình", Bộ Công Thương nêu.

Tuy nhiên, chia sẻ với VnExpress, một thương nhân phân phối xăng dầu tại Hoà Bình cho rằng, doanh nghiệp đầu mối mới "hứa" đảm bảo nguồn cung trong hệ thống của họ còn bỏ ngỏ với các thương nhân không thuộc hệ thống.

"Chúng tôi phải mua đứt bán đoạn, không được nhập khẩu mà chỉ được mua từ các đầu mối và phân phối bán lẻ qua tổng đại lý, đại lý. Nếu đầu mối chỉ đảm bảo nguồn cung cho hệ thống phân phối của mình thì chúng tôi biết mua ở đâu", ông lo ngại.

Mặt khác, chiết khấu mỗi lít xăng còn 400-500 đồng thì tổng đại lý, đại lý lỗ vì thu không đủ bù chi phí. "Hiện các đại lý của công ty nhiều chỗ ngưng bán hoặc đăng ký nghỉ bán sớm vì lời quá thấp. Nhiều cửa hàng đại lý lợi nhuận kiếm ra không bù đủ chi phí", Giám đốc một đơn vị xăng dầu ở Bình Dương chia sẻ.

Từ đầu năm, giá xăng dầu bán lẻ trong nước trải qua 6 kỳ điều chỉnh, trong đó giá xăng tăng một lần, giảm một lần và 4 lần giữ nguyên bằng cách xả mạnh Quỹ bình ổn xăng dầu.

Doanh nghiệp kêu thiếu xăng để bán ảnh 1

Mới nhất, kỳ điều hành ngày 18/3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục dùng công cụ Quỹ bình ổn để kiềm giữ giá bán lẻ trong nước.

Hiện quỹ này "cõng" hơn 2.800 đồng mỗi lít xăng E5 RON 92, trên 2.600 đồng với RON 95. Các mặt hàng dầu mức xả quỹ 1.000-1.600 đồng một lít, kg tuỳ loại.

Động thái điều hành này khiến nhiều doanh nghiệp xăng dầu âm vài trăm tỷ đồng Quỹ bình ổn. Một vài đơn vị còn dương quỹ này, song cũng trong tình trạng cầm cự.

Về nguyên tắc, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lấy từ nguồn trích lập 300 đồng mỗi lít xăng khi người dân mua hàng, và được để tại doanh nghiệp. Quỹ âm, buộc doanh nghiệp phải xoay xở, vay ngân hàng để bù số âm quỹ.

Còn lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối chiếm thị phần lớn bộc bạch, nếu Nhà nước cứ điều hành nhịp nhàng theo thị trường thì doanh nghiệp sẽ mua hàng về để cung ứng. Lúc đó sẽ không còn lặp lại cảnh kêu lỗ, khan hàng để bán như hiện nay.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục