Doanh nghiệp hưởng lợi nếu Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương thành hiện thực

Trao đổi với báo chí trước thềm Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC 2017 (ABAC) khẳng định, doanh nghiệp và người dân các nền kinh tế APEC đã được hưởng nhiều lợi ích kể từ khi APEC ra đời. Nếu Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) trở thành hiện thực, sẽ có nhiều tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cuối tháng 7 năm nay, Kỳ họp lần thứ 3 của ABAC diễn ra tại Canada đã thu được những kết quả gì, thưa ông?

Với kỳ vọng đưa khu vực APEC trở thành một biểu tượng cho sự cởi mở, bao trùm và đổi mới, các thành viên ABAC đã nhóm họp tại Toronto (Canada), cùng bàn thảo để đưa ra các khuyến nghị tới lãnh đạo các nền kinh tế APEC về các ưu tiên của doanh nghiệp trong khu vực.

Doanh nghiệp hưởng lợi nếu Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương thành hiện thực ảnh 1

Ông Hoàng Văn Dũng 

Với phương châm cởi mở, bao trùm và sáng tạo, ABAC đã xây dựng Báo cáo 2017 và đưa ra các khuyến nghị hướng tới một khu vực APEC mở cửa hơn và hội nhập hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và mang lại lợi ích cho tất cả cộng đồng khu vực.

Nội dung chính các khuyến nghị của ABAC bao gồm các vấn đề về hội nhập kinh tế khu vực; kết nối khu vực về thể chế, hạ tầng và con người; phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng là vấn đề mà Việt Nam hết sức quan tâm và đang đẩy mạnh. Các khuyến nghị của ABAC tập trung vào vấn đề này như thế nào?

Về khuyến khích doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và tinh thần khởi nghiệp, có thể nói, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có đến 97% doanh nghiệp nằm trong khu vực siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tỷ lệ này cũng tương đương Việt Nam.

Chúng tôi khuyến nghị tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất cho khu vực siêu nhỏ và nhỏ phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường quốc tế và chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, ưu tiên phát triển sử dụng công nghệ số, Internet để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và sử dụng thành thạo công nghệ mới, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế và tiến trình kết nối phụ nữ trong ABAC.

Những kiến nghị này chúng tôi đã trình lên Chủ tịch nước Việt Nam, các nền kinh tế thành viên khác cũng trình lên các nhà lãnh đạo để chúng ta tiếp tục hoàn thiện các khuyến nghị này. Đến kỳ họp cuối cùng là ABAC 4 tại Đà Nẵng, chúng tôi sẽ hoàn thiện để chuẩn bị cho đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với các thành viên ABAC. Chúng tôi sẽ cải tiến, tập trung chủ đề để bàn, trao đổi trực tiếp với các nhà lãnh đạo và truyền đạt những thông điệp của doanh nghiệp khu vực với các nhà lãnh đạo.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao, hầu hết các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên APEC đã nhận lời tham dự hội nghị đối thoại này, cũng như tham dự Hội nghị APEC CEO Summit (Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC) và các hội nghị liên quan. Điều này thể hiện sự quan tâm của các nhà lãnh đạo APEC đối với sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Tại cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC và các thành viên ABAC, nội dung chủ yếu sẽ xoay quanh vấn đề gì, thưa ông?

Trước đây, trong đối thoại giữa ABAC với các nhà lãnh đạo APEC, chúng tôi nêu ra rất nhiều câu hỏi. Gần đây, chúng tôi thấy rằng, nếu đưa nhiều câu hỏi quá thì sẽ không đủ thời gian trả lời. Do đó, chúng tôi sẽ gói gọn vào 3 vấn đề.

Thứ nhất là xây dựng hệ thống thương mại đa phương.

Thứ hai là xóa bỏ rào cản thương mại, bảo hộ mậu dịch thương mại tại một số quốc gia.

Thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nhất là vấn đề tài chính, tạo cơ chế và áp dụng khoa học - công nghệ thông tin để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thông tin.

Liên quan tới vấn đề thương mại đa phương và xóa bỏ rào cản thương mại, trong các khuyến nghị của ABAC nói trên có nhắc tới việc thúc đẩy FTAAP. Điều này sẽ có tác động thế nào tới doanh nghiệp?

Theo Mục tiêu Bogor, đến năm 2020, APEC trở thành một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khả năng Mục tiêu Bogor trở thành hiện thực trở nên khó khăn, nên chúng ta đang trao đổi về tầm nhìn sau 2020 và điều này sẽ được các nhà lãnh đạo APEC trao đổi tại kỳ họp sắp tới.

Trong 28 năm hoạt động của APEC, chúng ta đã có kết quả rất cụ thể, đó là đưa mức sống của tất cả các thành viên trong khu vực APEC lên hơn 5 lần, giúp 700 triệu người thoát khỏi nghèo đói. Đặc biệt, chúng ta đã giảm hàng rào thuế quan trung bình từ 17% xuống 5,2% và tiếp tục giảm nữa.

Có thể khẳng định, tự do thương mại mang lại những lợi ích xã hội cực kỳ to lớn. Các hiệp định thương mại khu vực góp phần thúc đẩy thương mại trong tương lai và là nền tảng hỗ trợ hình thành một Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương. Nếu chúng ta có FTAAP, đưa thuế giảm về 0%, thì điều đó sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong toàn khu vực.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục