Doanh nghiệp FDI tìm cách bảo vệ chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
Dù gặp nhiều trở ngại trong mùa dịch, các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn cố gắng thực hiện các quy định phòng chống dịch để bảo vệ chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Nỗ lực thực hiện “3 tại chỗ”

Kể từ giữa tháng 7/2021, Nhà máy sản xuất dược phẩm Davipharm tại Bình Dương đã áp dụng mô hình “3 tại chỗ” để có thể tiếp tục duy trì sản xuất, cung cấp thuốc cho bệnh nhân cũng như bảo vệ đội ngũ và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Theo bà Magdalena Krakowiak, Trưởng phòng Quan hệ công chúng và CSR của Công ty Adamed (Ba Lan), đơn vị sở hữu Davipharm, hầu hết các sản phẩm thuốc được sản xuất tại nhà máy ở Bình Dương để dành cho thị trường trong nước. Đại dịch đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của doanh nghiệp cũng như gián đoạn chuỗi phân phối.

Ngoài ra, Công ty còn bị ảnh hưởng bởi tắc nghẽn chuỗi cung ứng nên phải đa dạng hóa nguồn cung cấp thành phần dược phẩm hoạt tính. Hiện nay, bộ phận thu mua của Công ty đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung thay thế. Các quy định đăng ký chưa sẵn sàng cho các trường hợp đại dịch, không cho phép các công ty chuyển đổi nguồn cung một cách thuận lợi, bà Krakowiak chia sẻ thêm.

Nếu Việt Nam triển khai tiêm đủ 2 mũi cho 85% dân số vào tháng 4/2022, thì các hoạt động kinh doanh có thể được tiếp tục và đất nước đã sẵn sàng chung sống với virus.

Trong khi đó, Nhà máy bia Sapporo ở Long An cũng đang thực hiện giải pháp “3 tại chỗ” theo chỉ đạo của cơ quan chức năng. Ông Katsuhiko Usui, Tổng giám đốc Sapporo Việt Nam chia sẻ nói với phóng viên Báo Đầu tư: “Chúng tôi sắp xếp cho nhân viên ở lại nhà máy để sản xuất được duy trì bình thường. Nhà máy ở Long An là cơ sở quan trọng của Tập đoàn Sapporo, không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà còn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sản phẩm sang hàng chục quốc gia trên thế giới. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho nhà máy này là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.

Từ tháng 6, văn phòng Sapporo tại TP.HCM cũng bố trí hệ thống làm việc tại nhà cho nhân viên. Năm 2020, Công ty thiết lập hệ thống quy trình làm việc nội bộ để nhân viên có thể vận hành từ xa.

Bình Dương, Đồng Nai và Long An là những địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, số ca nhiễm ở Bình Dương đã vượt mốc 100.000 ca, trở thành vùng dịch lớn thứ hai sau TP.HCM. Đồng Nai và Long An cũng đang ghi nhận số ca nhiễm tăng cao.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 so với cùng kỳ năm trước của Bình Dương giảm 12,6%; Đồng Nai giảm 13,3%; Long An giảm 20,9%. Riêng TP.HCM, Chỉ số IIP giảm 49,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cần đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin

Theo báo cáo của IHS Markit, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng Việt Nam đã giảm còn 40,2 điểm trong tháng 8 so với 45,1 điểm của tháng 7, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2021. Các điều kiện kinh doanh đến nay đã giảm 3 tháng liên tiếp.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit nhận định, các nhà sản xuất tại Việt Nam đang đối mặt với một nhiệm vụ gần như bất khả thi, khi mà những biện pháp được áp dụng để kìm hãm sự lây lan của Covid-19 làm cản trở khả năng sản xuất hàng hóa. Một số phải đóng cửa hoàn toàn, một số khác hoạt động cầm chừng với số lượng nhân viên hạn chế. Việc thực hiện chính sách “3 tại chỗ” để duy trì nhân viên tại nơi làm việc có tác dụng không nhiều, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được.

“Những nhà sản xuất vẫn còn hoạt động đang phải đối diện với tình trạng chậm trễ trong khâu nhận hàng hóa đầu vào, khi tình trạng giảm công suất tại các cảng thường dẫn đến trì hoãn giao hàng. Các công ty cũng thay đổi kỳ vọng của họ khi triển vọng cho thấy thời kỳ hạn chế rất có thể còn kéo dài”, ông Andrew Harker chia sẻ.

Còn theo bà Krakowiak, Ban lãnh đạo của Adamed và Davipharm đang quan sát rất kỹ tình hình tại Việt Nam. Hy vọng cuộc khủng hoảng sẽ sớm kết thúc để công việc kinh doanh và cuộc sống trở lại bình thường, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào việc cung cấp đầy đủ vắc-xin.

Mới đây, Ba Lan đã gửi hơn 500.000 liều vắc xin AstraZeneca để hỗ trợ Việt Nam. Khoản quyên góp này nhằm hỗ trợ việc tiêm chủng cho chuyên gia, người lao động nước ngoài. Công dân Ba Lan lưu trú tại Việt Nam có thể đăng ký tiêm chủng thông qua Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội. Cùng với việc tặng vắc-xin, trong những tuần tới, Ba Lan sẽ gửi hơn 8 tấn thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân đến Việt Nam.

“Nếu Việt Nam triển khai tiêm đủ 2 mũi cho 85% dân số vào tháng 4/2022, chúng tôi sẽ yên tâm rằng các hoạt động kinh doanh có thể được tiếp tục và đất nước đã sẵn sàng chung sống với virus. Thực sự, Adamed đã lên kế hoạch đầu tư dài hạn vào Việt Nam”, bà Krakowiak cho biết.

Cũng theo bà Krakowiak, không ai có thể lường trước được tình hình đại dịch toàn cầu sắp tới. Nhưng với thực tế diễn biến ở châu Âu, thì hy vọng khi được tiêm vắc-xin đầy đủ, Việt Nam có thể sớm mở cửa trở lại nền kinh tế.

Thành Vân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục