Thách thức lớn
Để duy trì sản xuất và đáp ứng các đơn hàng, kể từ ngày 2/6, Goertek - nhà cung ứng thiết bị và linh kiện điện tử cho các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới - đã triển khai phương án “3 tại chỗ” (ăn, ở, sản xuất tại nhà máy). Một lãnh đạo cấp cao của Goertek cho hay, công ty này đã bố trí khu vực lưu trú sinh hoạt cho hơn 4.000 công nhân viên trong khuôn viên nhà máy tại Bắc Ninh để đảm bảo vừa sản xuất, vừa phòng dịch.
“Thực hiện phương án này, chúng tôi đã phải cắt giảm hơn 80% công nhân viên và phải tính toán phân bổ nhân lực để đảm bảo tiến độ sản xuất, cũng như đáp ứng các đơn hàng. Toàn bộ nhân viên khối văn phòng, chức năng khác được cho làm việc tại nhà, các cuộc họp được tiến hành trực tuyến”, đại diện Goertek chia sẻ.
Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện nay là một thách thức lớn để các công ty duy trì hoạt động sản xuất. Trong đó, “3 tại chỗ” là phương án khó có thể duy trì trong thời gian dài và cũng là những điều kiện khó khăn đối với người lao động.
Đối với các doanh nghiệp châu Âu, tác động của đợt dịch lần thứ tư được phản ánh vào Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) mà EuroCham vừa khảo sát. Chỉ số BCI của doanh nghiệp châu Âu đã giảm từ 73,9 điểm trước đợt dịch lần thứ 4, xuống còn 45,8 trong quý II/2021.
Không những vậy, một nửa số doanh nghiệp thành viên của EuroCham dự đoán rằng, nền kinh tế sẽ chuyển biến xấu trong quý III/2021. Tuy nhiên, họ vẫn có chút lạc quan về triển vọng kinh doanh, với gần 2/3 dự đoán rằng, công ty của họ sẽ duy trì hoạt động, hoặc tăng đơn đặt hàng và doanh thu trong quý III.
Trên thực tế, ở các đợt dịch trước, gần 80% doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Hơn một nửa số doanh nghiệp châu Âu được khảo sát đã “đóng băng” kế hoạch tuyển dụng mới và gần 1/3 doanh nghiệp đã giảm số giờ làm của người lao động.
Đến đợt dịch lần thứ 4, các quy định phòng chống dịch được siết chặt hơn, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố phía Nam. “Các hoạt động kinh doanh được coi là không thiết yếu đã buộc phải đóng cửa và ngay cả những doanh nghiệp được phép mở cửa cũng phải điều chỉnh hoạt động để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về phòng chống dịch”, ông Alain Cany nói.
Chủ tịch EuroCham cho biết, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang bị gián đoạn nghiêm trọng về chuỗi cung ứng và logistics, đặc biệt là những công ty đóng tại các khu công nghiệp và các nhà máy ở phía Bắc và phía Nam. Nguyên nhân là các biện pháp hạn chế đi lại khác nhau ở các cảng và các địa phương đã khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, cả lái xe và người gửi hàng đều lúng túng khi tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
“Cần có một cách tiếp cận tập trung, nhất quán hơn, với các danh mục khác nhau tùy thuộc vào mức độ rủi ro của một khu vực. Điều này sẽ giúp giải quyết tắc nghẽn hàng hóa và tăng tốc độ di chuyển tối thiểu của hàng hóa”, ông Alain Cany lưu ý.
Khát vắc-xin
Tính đến cuối tháng 7/2021, qua 3 đợt tiêm vắc-xin Covid-19, Goertek Việt Nam đã có hơn 4.000 công nhân viên được tiêm chủng, mới đạt khoảng 15% tổng số lao động của Công ty. “Mong muốn của chúng tôi là được Chính phủ Việt Nam, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ để 100% người lao động của Công ty có nguyện vọng tiêm đều có thể tiêm đủ 2 liều vắc-xin”, đại diện Goertek bày tỏ.
Mức độ sẵn sàng của vắc-xin cũng đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Theo kết quả khảo sát gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), các doanh nghiệp này liên tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tăng tốc hơn nữa chiến lược tiêm vắc-xin.
Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham, hơn 90% doanh nghiệp thành viên của AmCham cho biết, đợt bùng phát dịch lần này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam. Những thách thức lớn nhất nằm ở việc thiếu vắc-xin để bảo vệ họ và người lao động, cũng như đáp ứng các yêu cầu về điều kiện và thủ tục để đưa những nhân sự quan trọng đến Việt Nam làm việc.
Chủ tịch EuroCham cho rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất hiện nay là phải đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam. “Chúng ta càng tiêm phòng cho mọi người sớm bao nhiêu, thì càng có thể sớm trở lại hoạt động kinh doanh và cuộc sống bình thường bấy nhiêu. Do đó, Chính phủ nên huy động cả khu vực tư nhân, bao gồm các bệnh viện và phòng khám tư nhân, các công ty dược phẩm, thiết bị y tế và logistics, để đảm bảo mọi người có thể được tiêm phòng sớm nhất có thể”, ông Alain Cany đề xuất.
Phía EuroCham cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam xem xét cho phép áp dụng cơ chế tự kiểm tra đối với tài xế và chủ hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa tự do. Ngoài ra, họ kiến nghị xóa bỏ sự phân biệt giữa hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu, bởi một số hàng hóa được coi là không thiết yếu, nhưng là đầu vào quan trọng để sản xuất ra hàng hóa được coi là thiết yếu.