Doanh nghiệp FDI nặng gánh vì chi phí sản xuất tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
Chi phí thực hiện “3 tại chỗ” quá lớn cùng chi phí logistics tăng cao trong mùa dịch trở thành gánh nặng với các doanh nghiệp FDI khối sản xuất tại các tỉnh phía Nam.
Nhà máy của Intel tổ chức xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho người lao động Nhà máy của Intel tổ chức xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho người lao động

Chi phí tăng mạnh

Nhà máy của Intel đã áp dụng phương án “1 cung đường 2 điểm đến”, bố trí chỗ ở tập trung cho gần 1.870 lao động trực tiếp và khoảng 1.500 lao động gián tiếp từ các nhà thầu tại nhiều khách sạn. Chi phí phát sinh tạm tính từ ngày 15/7 đến 15/8 là hơn 140 tỷ đồng.

Theo bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại của Công ty Intel Products Việt Nam, nếu tính tới ngày 15/9, thì khoản chi phí phát sinh không phải là gấp đôi, mà lớn hơn rất nhiều. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới ngân sách và kế hoạch sản xuất của Công ty trong dài hạn.

Tương tự, đại diện Công ty Jabil Việt Nam cho biết, Công ty đang áp dụng mô hình “1 cung đường 2 điểm đến” cho 2.500 lao động, với chi phí mỗi tháng khoảng 120 tỷ đồng. Với mức chi này, bình quân chi phí chống dịch cho mỗi lao động khoảng 48 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ hoạt động với công suất dưới 30%, nên bị hụt 60 triệu USD doanh thu xuất khẩu mỗi tháng.

Theo báo cáo của SSI Research, việc lưu thông và phân phối hàng hóa đang xảy ra tình trạng tắc nghẽn và gián đoạn khiến giá cước tăng lên mức kỷ lục. Năm 2020, cước một số tuyến vận tải kết nối châu Á với châu Âu và Bắc Mỹ đã tăng khoảng 4-8 lần. Năm nay, cước vận tải biển trên một số tuyến tăng gấp 5 lần so với trước đây.

Theo ông Marko Walde, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam, việc thực hiện các phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” đang trở thành thách thức cho các công ty Đức do kinh phí quá lớn. Ước tính mỗi tuần, doanh nghiệp “3 tại chỗ’ chi khoảng 600.000 đồng/công nhân, tương đương 600 triệu đồng cho một nhà máy có 1.000 công nhân. Với khoản chi không nhỏ này, các doanh nghiệp rất khó để duy trì sản xuất liên tục.

Bên cạnh kinh phí “3 tại chỗ”, doanh nghiệp còn gặp thách thức khi chi phí logistics tăng cao trong bối cảnh giãn cách xã hội. Ông Walde chia sẻ, chi phí sản xuất và vận tải đang leo thang tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Cước vận tải container cũng tăng phi mã từ khi đại dịch bùng phát.

“Các công ty Đức bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cước vận tải biển tăng cao trên một số tuyến đường dài. Nhìn chung, chi phí vận tải tăng trong mùa dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến lưu thông hàng hóa tại Việt Nam, hoạt động thương mại và cản trở chuỗi cung ứng toàn cầu. Về lâu dài, điều này sẽ gây áp lực lên chuỗi cung ứng trong nước và tiềm ẩn rủi ro cho vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Walde nhận định.

Trông chờ sự hỗ trợ

Mới đây, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản về việc hỗ trợ thêm tiền ăn cho người lao động tham gia “3 tại chỗ” tại các địa bàn đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg. Theo đó, mức hỗ trợ cho bữa ăn là 1 triệu đồng/người (hỗ trợ một lần) do công đoàn cấp trên trực tiếp cấp cho công đoàn cơ sở bằng nguồn tài chính tích lũy của đơn vị. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”. Bộ này đang hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo một chuyên gia kinh tế, những biện pháp trên sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất duy trì lợi nhuận, trang trải một số chi phí phát sinh khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ giúp bù đắp được một phần chi phí khác mà doanh nghiệp đang đối mặt trong thời gian giãn cách xã hội.

Ngoài đề xuất hỗ trợ một phần chi phí sản xuất, các doanh nghiệp mong muốn Bộ Giao thông - Vận tải sớm đề xuất các giải pháp tháo gỡ các ách tắc trong vận chuyển hàng hóa liên vùng, tăng độ thông thoáng cho luồng vận chuyển đến các cảng biển; Tổng cục Hải quan giảm thời gian làm thủ tục, tăng hiệu quả thông quan tại các cảng biển để doanh nghiệp giảm thiểu chi phí lưu kho bãi, vận tải…

Khi đặt câu hỏi “Liệu khó khăn có ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đầu tư?” đối với các doanh nghiệp FDI, câu trả lời mà phóng viên Báo Đầu tư nhận được có chung quan điểm là: “Chúng tôi vẫn giữ cam kết đầu tư vào Việt Nam”. Theo ông Walde, các quyết định tiếp theo của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào cơ chế kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng tại Việt Nam.

“Về trung hạn, chúng tôi có thể khẳng định tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam như một địa điểm sản xuất. Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp Đức, nhờ hiệp định thương mại tự do toàn diện và chất lượng cao với EU”, ông Walde nhấn mạnh.

Thành Vân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục